Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Qua một năm thực hiện thông tư 30:

Quan trọng nhất vẫn là chất lượng dạy và học

Cập nhật ngày: 22/07/2015 - 08:30

Học sinh tiểu học- thế hệ mầm non của đất nước.

Năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục - Đào tạo (Bộ GD-ĐT) ban hành Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 30) quy định về việc bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học.

Trong một năm học, chỉ còn hai bài kiểm tra được chấm bằng điểm số, đó là bài kiểm tra cuối học kỳ I và bài kiểm tra cuối năm. Sau một năm học thực hiện Thông tư 30, nhiều cán bộ quản lý ngành Giáo dục Tây Ninh đã chính thức lên tiếng về quy định này.

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Châu Thành cho biết, theo tinh thần của Thông tư 30, giáo viên đánh giá học sinh thường xuyên qua từng bài học, tiết học vào phiếu, bài kiểm tra, lời nhận xét miệng của giáo viên, vở viết hằng ngày của các em.

Qua kiểm tra hồ sơ của giáo viên, tập vở của học sinh và trực tiếp dự giờ có thể thấy, giáo viên dùng lời nhận xét chuẩn mực, súc tích, đúng với từng đối tượng học sinh trong lớp, lời nhận xét mang tính tuyên dương, khen ngợi khuyến khích học sinh học tập. Học sinh được tham gia nhận xét, góp ý cho bạn ngay trong quá trình học tập, giúp đỡ bạn hoàn thành nhiệm vụ. Việc khen thưởng theo khả năng và sở trường của mỗi em nên có nhiều học sinh được khen.

Tuy vậy, việc đánh giá học sinh theo tinh thần của Thông tư 30 không phân biệt rõ được các đối tượng học sinh mà còn mang tính chung chung. Từ đó, nhà trường gặp khó trong việc quản lý chất lượng học sinh, dẫn đến việc đánh giá công tác giảng dạy của giáo viên cũng khó.

Giáo viên còn lúng túng khi chọn câu từ, lời lẽ để nhận xét cho thật sâu sát, phù hợp với học lực từng học sinh. Đồng thời, giáo viên phải điều chỉnh phương pháp dạy học và hình thức tổ chức học tập để thấy được sự tiến bộ của học sinh. Việc thay đổi cách đánh giá chiếm rất nhiều thời gian của giáo viên.

Riêng đối với học sinh mới vào lớp 1, đọc chữ chưa trôi chảy thì việc đánh giá bằng nhận xét khiến các em không hiểu, không hào hứng, vì vậy không khí lớp học tập của học sinh lớp 1 cũng không sôi nổi so với khi thực hiện cho điểm.

Học sinh lớp 1 và lớp 2 còn rất… mau quên những lời nhận xét của giáo viên. Phía phụ huynh cũng tỏ ra không mấy quan tâm đến lời nhận xét. Nhiều bậc cha mẹ học sinh do không hiểu hết nhận xét của giáo viên nên không nắm được thực chất năng lực học tập của con em mình.

Trong công tác khen thưởng, việc tổ chức cho học sinh bình bầu, chọn ra cá nhân nổi bật để khen thưởng cũng gặp nhiều khó khăn, vì học sinh lớp 1 và lớp 2 chưa có ý thức trong việc bầu chọn. Trong khi đó, việc quy định cha mẹ học sinh tham gia đánh giá làm mất thời gian và có người cho rằng không khéo sẽ dẫn đến tình trạng ý kiến lan tràn, không tập trung. Hơn nữa, cha mẹ học sinh không phải là người trực tiếp giảng dạy nên tham gia xét khen thưởng là không phù hợp.

Ông Ngô Minh Hiền- cán bộ chuyên môn phụ trách bậc tiểu học của Phòng GD-ĐT Châu Thành cho biết thêm, lời nhận xét đối với học sinh phải khác nhau trong khi số học sinh trong lớp thì nhiều nên giáo viên phải làm việc rất vất vả.

Tổng cộng, hằng tháng giáo viên tiểu học phải ghi khoảng… 700 lời phê, nhận xét cho một lớp học có 35 học sinh. Cũng theo ông Hiền, có vẻ như phụ huynh học sinh không mấy ủng hộ Thông tư 30. Ông còn cho rằng quy định mời phụ huynh tham gia đánh giá học sinh là điều hoàn toàn không khả thi.

 Theo vị đại diện Phòng GD-ĐT Hoà Thành, Thông tư 30 chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam, vì sĩ số học sinh trong lớp ở nước ta thường quá đông. Quy định vừa nhận xét vừa chấm điểm có thể dẫn đến mâu thuẫn: giáo viên nhận xét học sinh tốt nhưng điểm bài kiểm tra học kỳ của em này lại thấp.

Còn theo vị đại diện Phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở GD-ĐT, đây là năm đầu thực hiện Thông tư 30 nên không tránh khỏi khó khăn. Đối với học sinh lớp 1, giáo viên có thể nhận xét bằng lời nói, không nhận xét bằng chữ viết.

Ông Đổng Ngọc Lập, Giám đốc Sở GD-ĐT nêu nhận định: không chấm điểm đối học sinh tiểu học là xu hướng chung của thế giới, cần ủng hộ cách đánh giá này.

Cách nay gần một tháng, trong một lần làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT, ông Võ Hoàng Khải- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đề nghị ngành tiếp tục thực hiện Thông tư 30, nếu sau một thời gian thấy không phù hợp thì kiến nghị bãi bỏ.

Có thể thấy, quyết định bỏ chấm điểm thường xuyên đối với học sinh tiểu học là một cách làm tiên tiến - điều này đã được bàn luận nhiều. Có lẽ không nên lo ngại rằng không chấm điểm thì học sinh sẽ... không chịu học. Học sinh, đặc biệt là học sinh bậc tiểu học có chịu học hay không, phần lớn là do… giáo viên.

Bậc học, cấp học nào cũng thế, thầy cô giáo dạy tốt thì học sinh sẽ tích cực học tập và ngược lại. Hình thức kiểm tra, đánh giá không quan trọng bằng chất lượng giờ dạy của giáo viên. Những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 30 là có nhưng không phải không khắc phục được.

Một trong những điều có ý nghĩa nhất của Thông tư 30 là góp phần làm thay đổi tư duy của thầy cô giáo, của học sinh, phụ huynh học sinh, nói chung là của cả xã hội.

Cũng cần lưu ý rằng, việc bỏ chấm điểm thường xuyên chỉ thực hiện đối với học sinh tiểu học, còn ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, đa số các môn học vẫn được chấm bằng điểm số. Nói tóm lại, hình thức đánh giá không quan trọng, cái cần nhất đối với nhà trường là chất lượng dạy và học.

Đ.V.T