Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Điều quan trọng không phải là cho phép tồn tại mấy bộ sách giáo khoa mà cái chính là sách giao khoa được đem vào giảng dạy trong nhà trường có đạt yêu cầu về chất lượng hay không.

Những ai đã từng học và trực tiếp dạy học theo chương trình và sách giáo khoa từ những năm 2000 trở về trước không thể không nhận ra một điều: về hình thức, tuy có hai bộ sách giáo khoa nhưng thực chất chúng chỉ là một. Bởi vì, nội dung bên trong cuốn sách về cơ bản là giống nhau cả về mức độ kiến thức cũng như tinh thần của bài học. Sự khác nhau, nếu có chỉ ở cách thức trình bày.
|
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa.
Chuẩn bị cho những thay đổi trong giáo dục sau năm 2015, câu chuyện về chương trình và sách giáo khoa đã được dư luận nói đến quá nhiều. Có thể khái quát vấn đề này trên hai phương diện: tài chính và chuyên môn.
Về tài chính, kinh phí để thay đổi chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra đã khiến dư luận “đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”. Đầu tiên, theo tính toán của Bộ, để thay đổi chương trình và sách giáo khoa cần phải có hơn 3 tỷ USD (khoảng 72 ngàn tỷ đồng)- một con số quá lớn làm cho nhiều người không khỏi băn khoăn, hoài nghi.
Rồi Bộ lại đưa một con số khác: chỉ còn 34 ngàn tỷ đồng- tức là đã giảm hơn phân nửa so với dự toán lần đầu tiên. Báo chí, dư luận và các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục “sôi sục” vì số kinh phí vừa nêu và yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo giải trình cụ thể nguồn kinh phí sẽ được dùng để làm những việc gì. Con số đó đã làm cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo phải xin lỗi, mong xã hội… thông cảm vì “anh em tính toán không chính xác”.
Mới đây nhất, sau hai lần điều chỉnh, Bộ chính thức đưa ra con số gần 800 tỷ đồng để thay đổi chương trình và sách giáo khoa. Như vậy, tính từ lần đầu tiên cho đến lần thứ 3, kinh phí để thay đổi chương trình và sách giáo khoa đã giảm đến… 90 lần! Và hiện cũng chưa biết, con số có được sau 3 lần “hạ giá” ấy có là con số cuối cùng hay chưa.
Chỉ biết nhiều nhà quản lý giáo dục có uy tín cho rằng trên thực tế, để thay đổi chương trình và sách giáo khoa không cần đến số tiền lớn như vậy. Theo sự tính toán của một vị phó giáo sư, tổng số tiết dạy trong giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 là khoảng 10.000 tiết.
Thù lao trả cho người viết sách giáo khoa hiện chỉ dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng/tiết. Lấy tổng số tiết nhân với số tiền của mỗi tiết thì sẽ cho ra con số kinh phí cần có để viết sách. Nếu tính luôn cả tiền xây dựng chương trình, thì cũng chỉ cần khoảng 200 - 300 tỷ đồng. Hồi thay sách giáo khoa vào năm 2001, giáo sư Trần Đình Sử - một trong những người tham gia viết sách giáo khai đã công khai trên báo chí thù lao mà ông được Bộ Giáo dục - Đào tạo chi trả là 200.000 đồng/tiết.
Kinh phí làm chương trình và sách giáo khoa là chuyện hoàn toàn có thể tính toán, dự trù và kiểm soát được. Điều quan trọng là người ta có muốn kiểm soát (một cách khoa học, chặt chẽ) hay không. Thực tế cho thấy kiểu tư duy “ngân sách là chùm khế ngọt” dường như đã ăn sâu vào đầu óc của không ít người chuyên “làm dự án”.
Trở lại với câu hỏi cần có mấy bộ sách giáo khoa. Qua các phương tiện thông tin có thể thấy đa số ý kiến đề nghị xung quanh chương trình giáo dục sau năm 2015 nên biên soạn, phát hành nhiều bộ sách giáo khoa để người dạy, người học có quyền lựa chọn bộ sách mà họ cho là phù hợp. Có người còn đề nghị hãy để tổ chuyên môn của nhà trường tự chọn sách giáo khoa.
Thật ra, không phải đến nay chuyện có mấy bộ sách giáo khoa mới được đặt ra. Trong lịch sử, kể cả hồi đất nước chưa thống nhất, chương trình giáo dục ở mỗi miền đều có nhiều hơn một bộ sách giáo khoa để học sinh lựa chọn. Thậm chí có người còn tự viết sách giáo khoa chỉ để thể hiện tâm huyết, tình yêu nghề của mình, ai dùng thì dùng, không dùng cũng chẳng sao. Sau ngày đất nước thống nhất, vẫn tồn tại hai bộ sách giáo khoa: một bộ dành cho miền Nam và một bộ dành cho miền Bắc.
Những cán bộ kỳ cựu, đầu ngành của hai trường đại học sư phạm trọng điểm ở hai miền đảm nhiệm việc biên soạn sách giáo khoa cho mỗi miền. Cho đến năm 2001, thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội, việc tồn tại song song hai bộ sách giáo khoa mới chấm dứt.
Thiết nghĩ, việc cho phép tồn tại một hay nhiều bộ sách giáo khoa được biên soạn sau năm 2015 phục vụ công cuộc đổi mới “căn bản, toàn diện” thật ra không quá quan trọng. Những ai đã từng học và trực tiếp dạy học theo chương trình và sách giáo khoa từ những năm 2000 trở về trước không thể không nhận ra một điều: về hình thức, tuy có hai bộ sách giáo khoa nhưng thực chất chúng chỉ là một. Bởi vì, nội dung bên trong cuốn sách về cơ bản là giống nhau cả về mức độ kiến thức cũng như tinh thần của bài học. Sự khác nhau, nếu có chỉ ở cách thức trình bày. Cách thức trình bày chỉ trả lời cho câu hỏi “như thế nào” chứ không trả lời cho câu hỏi “dạy cái gì”.
Tại sao hai bộ sách giáo khoa mà nội dung lại giống nhau gần như tuyệt đối? Ít nhất có ba câu trả lời. Thứ nhất, dù có trình bày kiểu gì thì các nhà biên soạn sách giáo khoa cũng không thoát ra, không nói được ngoài những điều mà chương trình khung đã quy định, đặc biệt là về mục tiêu giáo dục.
Thứ hai, điều này để phục vụ cho các kỳ thi; khi học thì có thể học hai sách khác nhau nhưng khi đi thi đại học thì chỉ thi chung có một đề thi. Chính vì vậy, nội dung cơ bản, cốt lõi trong sách giáo khoa không thể khác nhau được.
Thứ ba, nội dung sách giáo khoa đã được kiểm soát, kiểm duyệt chặt chẽ quá mức cần thiết trước khi chúng được xuất bản và chính thức đến với nhà trường. Nhà biên soạn sách có muốn viết khác đi cũng không được, vì nền giáo dục Việt Nam vẫn thiên về tính tuyên truyền, còn tính khoa học, khách quan, độc lập vẫn chưa phải là ưu tiên hàng đầu.
Ngay cả sách giáo khoa nâng cao và sách giáo khoa cơ bản của chương trình phân ban trung học phổ thông hiện nay cũng không khác nhau bao nhiêu. Nói tóm lại, hai bộ sách giáo khoa chỉ khác nhau cái bên ngoài, còn cái ruột bên trong thì như nhau cả!
Từ thực tế đó, trong lần thay sách giáo khoa sau năm 2015, nên chăng Bộ Giáo dục- Đào tạo chỉ cần đưa khung chương trình và cho phép nhiều cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách. Sau đó, thành lập một hội đồng thẩm định cấp quốc gia (ít nhất cũng có tính độc lập tương đối) chọn ra một bộ sách chất lượng nhất để ban hành chính thức.
Sau khi đã chính thức công bố bộ sách giáo khoa nào được chọn, vấn đề còn lại đơn giản chỉ là chọn nhà in nào có giá thành cạnh tranh để giảm giá bán mà thôi. Có lẽ không cần thiết phải cho lưu hành nhiều bộ sách giao khoa, bởi điều này tiềm ẩn khá nhiều yếu tố tiêu cực, thậm chí còn lãng phí cả giấy mực để in sách trong khi nội dung sách- về cơ bản như vừa đề cập là giống nhau.
Như vậy, điều quan trọng không phải là cho phép tồn tại mấy bộ sách giáo khoa mà cái chính là sách giao khoa được đem vào giảng dạy trong nhà trường có đạt yêu cầu về chất lượng hay không. Sẵn đây cũng nói, trong các loại hàng hoá thuộc lĩnh vực xuất bản, có lẽ ít có loại sản phẩm nào đem lại lợi nhuận khổng lồ và ổn định như sản phẩm sách giáo khoa.
VIỆT ĐÔNG