Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Dù bị cấm quảng cáo, không ít cá nhân bán rượu nặng vẫn đăng công khai rược có 15 độ cồn trở lên. Một số trường hợp có những chiêu trò lách luật, không đăng thông tin độ cồn vào nội dung quảng cáo, nhưng trên hình ảnh sản phẩm vẫn hiển thị rõ con số này
Một loại rượu mạnh được quảng cáo trên mạng xã hội (ảnh minh hoạ)
Hiện nay, hoạt động quảng cáo rượu, bia diễn ra phổ biến trên mạng xã hội. Thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị thu hút bởi quảng cáo. Dù pháp luật nghiêm cấm việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên và quy định rõ điều kiện khi quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ nhưng thực tế vẫn có nhiều cá nhân vi phạm. Vào dịp cuối năm, hoạt động quảng cáo rượu mạnh trên mạng xã hội khá sôi nổi với những lời chào mời hấp dẫn, bất chấp quy định cấm.
Quảng cáo trên mạng xã hội, chủ tài khoản giới thiệu rượu mạnh ủ lâu năm, bồi bổ sức khoẻ, uống không gây hại cho cơ thể, không đau đầu… Hiếm có trường hợp quảng cáo rượu có kèm theo cảnh báo tác hại, nguy cơ đối với sức khoẻ khi lạm dụng, nguy cơ tai nạn giao thông và độ tuổi mua, sử dụng rượu.
Dù bị cấm quảng cáo, không ít cá nhân bán rượu nặng vẫn đăng công khai rược có 15 độ cồn trở lên. Một số trường hợp có những chiêu trò lách luật, không đăng thông tin độ cồn vào nội dung quảng cáo, nhưng trên hình ảnh sản phẩm vẫn hiển thị rõ con số này.
Quảng cáo trên mạng xã hội có khả năng tiếp cận nhiều người, nếu “thả nổi” hoạt động này sẽ ảnh hưởng đến thanh thiếu niên. Nhiều bạn trẻ cho biết, việc mua rượu trên mạng xã hội rất thuận tiện, sản phẩm quảng cáo dễ nhìn, bắt mắt, có giá thành hợp lý, đôi khi giảm giá, người bán không đòi hỏi bất cứ yêu cầu gì.
Một chủ tài khoản kinh doanh rượu các loại cho biết: “Việc giới thiệu hình ảnh, sản phẩm là bình thường. Hoạt động quảng cáo giúp việc kinh doanh dễ dàng, thúc đẩy tiêu thụ, nếu kèm thêm cảnh báo sẽ khó bán”.
Khoản 3, Điều 7, Luật Quảng cáo năm 2018 quy định cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên. Khoản 7 và 9 của Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
Bà Trần Thị Hồng, ngụ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết: “Người bán luôn đặt lợi nhuận lên trên, khách mua hàng thì họ bán. Chỉ có vài cửa hàng dán khuyến cáo về rượu bia, còn người kinh doanh online thì hiếm khi kèm theo khuyến cáo tác hại.
Việc quảng cáo rượu tràn lan trên mạng không tuân thủ quy định, ngoài vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn vi phạm quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong việc phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm để người dân biết về mức độ nguy hại của nó”.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành nói: “Giới trẻ có thể ở nhà, truy cập vào mạng internet, đặt mua và giao hàng tận nơi, trả bằng tiền mặt, không gặp bất cứ khó khăn nào”.
Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại.
Cụ thể như có một trong các nội dung cảnh báo “uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông”, “uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi”, “người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”.
Quảng cáo rượu, bia trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội phải thể hiện nội dung cảnh báo theo quy định trên bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền bảo đảm dễ nhìn, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo.
Việc quảng cáo rượu trên mạng xã hội cần có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu bia; phải bảo đảm không hiển thị quảng cáo trước khi người truy cập, tìm kiếm thông tin khai báo tuổi; quảng cáo không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi. Quy định hiện hành đã chú ý kiểm soát chặt chẽ hơn các nội dung quảng cáo rượu, bia trên mạng xã hội nhưng các trường hợp vi phạm vẫn còn xảy ra.
Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực y tế, Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, tăng mạnh mức xử phạt từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù có quy định nghiêm cấm việc quảng cáo rượu mạnh nhưng vẫn chưa có điều khoản riêng về quảng cáo trên mạng xã hội. Để có thể siết chặt và đưa vào khuôn khổ hoạt động quảng cáo rượu, các cơ quan chức năng cần đặt ra quy định cụ thể hơn về quảng cáo rượu trên mạng xã hội.
Ngoài việc hoàn thiện các quy định, chính quyền địa phương cần quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm, tác hại của rượu tới sức khoẻ con người, nhắc nhở mọi người có ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng liên quan đến hoạt động quảng cáo, mua bán, sử dụng rượu- nhất là trong đợt tết sắp đến.
Phương Thảo