Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quang gánh của nội
Thứ bảy: 00:29 ngày 07/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để có phân chuồng bón rau, hằng ngày, nội quảy gánh ra đồng gom phân bò, phân trâu của người ta thả rông về ủ cho hoai. Nội tôi có hai đôi quang gánh. Trong đó một đôi gọi là đôi “thúng gióng” và đôi còn lại là “cặp chàng”.

Trong những ngày ở nhà để phòng, chống dịch, đọc báo qua điện thoại, thấy các loại rau, củ, quả tăng giá, chợt nhiên tôi chạnh nhớ bà nội. Khi còn sống và lúc khoẻ mạnh, quanh năm, bà tôi ít đi chợ hay ra quán tạp hoá mua đồ. Vậy mà nhà tôi cũng không thiếu hụt lương thực, thực phẩm, nhất là rau.

Ông nội tôi mất sớm, bà một mình tần tảo nuôi ba và các cô chú. Rồi ba tôi và các chú, cô lần lượt có gia đình riêng. Anh chị em tôi sớm mồ côi mẹ, ba tôi không bước thêm bước nữa, dọn nhà về sống chung với nội, nương tựa vào nhau.

Lúc ấy nội tôi đã gần bảy mươi, ba mới ngoài bốn mươi. Còn 3 anh chị em tôi, đứa lớn nhất lên mười, đứa nhỏ nhất năm tuổi. Nhà nghèo, không có đám ruộng để cấy, cũng chẳng có đất đồng để trồng hoa màu.

May mắn là nhà tôi có được miếng đất cất nhà, do ông bà cố chia cho nội, xung quanh còn được ít đất vườn nhỏ hẹp. Để nuôi sống gia đình, hằng ngày, ba tôi làm mướn đủ thứ việc. Còn nội thì tận dụng từng tấc đất xung quanh nhà, xới đất trồng rau.

Nội trồng đủ loại, mỗi thứ một ít. Tôi nhớ nhất là rau mồng tơi, vì hồi nhỏ anh chị em tôi thường hái trái chơi. Nội xin cây con mồng tơi về trồng năm, sáu dây, cắm chà tầm vông cho chúng leo lên.

Dây mồng tơi rất lâu tàn, leo và quấn chặt vào chà tầm vông, quanh năm cho lá xanh mướt. Gần mấy góc mồng tơi là mấy bụi bồ ngót, kế đó là liếp rau lang, rồi bạc hà, vài loại rau ăn lá cùng vài cây cà nâu, một ít đậu bắp, cà chua, bí đao, khổ qua, đậu rồng… tất cả cho bò lên hàng rào. Ngoài ra, còn có mấy cây ớt xiêm (trái nhỏ mà cay nồng) và ớt sừng trâu (trái lớn và cong như sừng trâu), sả, gừng, nghệ…

Lúc ấy, dù nhà không có nuôi một con bò, con trâu nào hết, nhưng không mất một đồng nào để mua phân chuồng, hay phân hoá học, cũng không phải tốn một đồng nào để mua thuốc trừ sâu, vậy mà tất cả các loại rau nội trồng lúc nào cũng tươi tốt. Đó là kết quả từ đôi bàn tay chai sạn và đôi vai gầy guộc, với dạn dày kinh nghiệm về trồng rau của nội.

Để có phân chuồng bón rau, hằng ngày, nội quảy gánh ra đồng gom phân bò, phân trâu của người ta thả rông về ủ cho hoai. Nội tôi có hai đôi quang gánh. Trong đó một đôi gọi là đôi “thúng gióng” và đôi còn lại là “cặp chàng”.

Đôi “thúng gióng”, gồm có một cặp gióng được thắt bằng dây mây già rất chắc và bền (cũng có người làm gióng bằng dây kẽm lớn), một cặp thúng được đan bằng nan tre và một chiếc đòn gánh làm bằng thanh tre già cứng.

Đôi thúng gióng này, thường ngày nội treo trên vách để dành. Khi nào đi chà lúa, hay mua gạo, hoặc lâu lâu đi chợ huyện, nội mới quảy đi. Cũng là đôi quang gánh, nhưng “cặp chàng” của nội (cũng như nhiều nông dân khác ở quê tôi) khác hẳn với đôi “thúng gióng”.

Cặp chàng gồm có hai cái ky tròn được đan bằng tre (hoặc trúc). Mỗi cái ky có hai cái quai trên miệng và đối xứng nhau. Còn “chiếc gióng” là hai thanh tre già, dài (chiều cao) vừa tầm người gánh.

Phần gốc của thanh tre, người ta còn chừa cái nhánh tre để làm cái móc tự nhiên (nếu không người ta tạo cái móc). Gốc hai thanh tre này được móc vào hai quai ky. Phần ngọn hai thanh tre được cột lại bằng sợi dây mây, hoặc dây dù thật chắc để khi gánh nó tựa lên đầu đòn gánh.

Trong khi đôi “thúng gióng” thường được nội cho nghỉ ngơi trong nhà, “cặp chàng” là bạn đồng hành hằng ngày của nội. Chỉ khác là khi đi nhẹ nhàng, mà lúc về nặng oằn vai nội. Ba tôi thường đi làm mướn suốt ngày.

Sáng sớm ông đội nón lá ra khỏi nhà và đến chiều tối mới về. Ở nhà, buổi sáng nội kêu anh chị em tôi phụ tưới rau, bắt sâu, nhổ cỏ chăm sóc rau. Trưa, cơm nước xong, nội dặn anh chị em tôi ở nhà coi nhà và chơi với nhau, không được bỏ nhà đi chơi đâu cả. Còn nội ra hiên nhà quảy cặp chàng ra đồng.

Trong cái ky phía trước, nội để một cái rựa nhỏ (vừa sức chặt của nội), còn ky phía sau nội để cái “cặp vạch” (cặp vạch được làm bằng hai thanh tre, mỗi thanh dài chừng vài tấc, bề ngang chừng một tấc, một đầu được chuốt nhỏ cho vừa tay cầm), để hốt phân trâu bò cho vào ky.

Hồi trước dân cư còn thưa vắng, nông nghiệp cũng chưa phát triển, quê tôi còn nhiều vùng gò đồng, đất khó sản xuất, người ta bỏ hoang hoá. Những người có trâu, bò quê tôi tha hồ chăn thả rông trên những cánh đồng hoang này.

Nhờ vậy mà hằng ngày, nội tôi quảy chàng ra mấy cánh đồng hoang đó thu gom phân trâu bò. Mỗi khi gặp bãi phân trâu (bò), nội hạ gánh, lấy cặp vạch hốt cho vào ky.

Khi gặp cành cây khô, gió làm rơi rớt, nội dừng chân, hạ gánh lấy rựa chặt củi bó lại. Đến xế chiều nội quảy cặp chàng về, phía trên cặp ky đầy phân còn có thêm bó củi.

Về nhà, nội gánh luôn ra phía sau hè, củi cho vào bếp, còn phân đổ thành đống ở góc đất xa nhà, ủ cho hoai để dành làm phân rau. Có khi phân nhiều, bón rau không hết, nội bán bớt cho người ta trồng đồ hàng bông.

Nhờ vậy có thêm chút đỉnh tiền phụ ba chi xài lặt vặt trong nhà. Không chỉ đi gom phân đồng, mót củi, nghe bà con trong làng thu hoạch đậu phộng, hay nhổ mì, bẻ bắp, đốn mía… nội quảy cặp chàng tìm đến mót mái, nhặt nhạnh đem về chế biến cho các cháu ăn.

Anh chị em tôi khôn lớn trưởng thành nhờ hạt gạo làm thuê làm mướn của ba và được nấu bằng củi của nội mót. Còn thức ăn hằng ngày được chế biến từ các loại rau, củ quả do nội trồng.

Khi anh chị tôi lớn lên và làm được nhiều việc, nội già yếu. Nội không còn đi gom phân đồng về trồng rau, không còn quảy đôi thúng gióng đi chợ huyện, hay nhà máy chà.

Hai đôi quang gánh của nội, một đôi vẫn được treo trên vách trong nhà, một đôi lặng lẽ nằm ngoài mái hiên. Rồi nội qua đời vì tuổi cao sức yếu theo quy luật của tạo hoá. Hai đôi quang gánh của nội, anh chị em tôi không ai đụng đến cho đến khi hư mục và mãi mãi thuộc về quá khứ.

Nhớ nội, gần đây tôi cũng tận dụng đất xung quanh nhà trồng bạc hà, mồng tơi, bồ ngót, liếp rau lang, mấy cây ớt, vài bụi sả, vài dây bí đao bò lên hàng rào.

Kết quả, trong những ngày cả nhà trốn dịch trong nhà, nhà tôi có bí đao, bạc hà nấu canh, có rau lang luộc chấm nước mắm sả ớt... đắp đổi qua ngày, mà không phải ra khỏi nhà. Vì vậy mà tôi càng nhớ và biết ơn nội nhiều hơn.

T.L

Tin cùng chuyên mục