Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quang Hải tịt ngòi 7 trận: Thùng thuốc súng đang chờ King’s Cup
Thứ sáu: 15:17 ngày 31/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Như bản nhạc có nốt thăng, nốt trầm, như hình sin có đoạn lên, đoạn xuống, Quang Hải hay bất kỳ cầu thủ nào khác đều cần những khoảng lặng trước khi bùng nổ trở lại.

Thảm bại ở Nam Định là trận thua thứ 2 sau 3 trận gần nhất của CLB Hà Nội. 90 phút tồi tệ ấy cũng đánh dấu trận tịt ngòi thứ 7 liên tiếp của Nguyễn Quang Hải - đương kim Quả bóng vàng, cầu thủ hay nhất Việt Nam hiện tại.

Điều gì đang diễn ra với Quang Hải?

Quang Hải sa sút trùng với thời điểm CLB Hà Nội gặp khó khăn ở V.League.

Vấn đề không chỉ của Quang Hải

Nếu những thống kê biết kể câu chuyện của mình, nó sẽ nói rằng Quang Hải hôm nay là phiên bản tệ nhất của anh trong 1 năm trở lại đây.

11 trận tại V.League 2019, Hải “Con” mới ghi 2 bàn, thực hiện 2 đường kiến tạo. Tính cả 7 trận ở các cúp châu Á, Quang Hải mới ghi 2 bàn sau 18 trận, tức là trung bình gần 10 trận/1 bàn. Thống kê ấy không tương xứng với tài năng và tầm vóc của Quang Hải. Nó cũng là điều HLV Park Hang-seo phải lưu tâm trước đợt tập trung tuyển Việt Nam ít ngày tới.

Nhưng vấn đề có vẻ không chỉ đến từ Quang Hải.

Giai đoạn Quang Hải sa sút trùng với thời điểm CLB Hà Nội chạm đáy. 4 trận V.League gần nhất, đội bóng thủ đô chỉ có 1 chiến thắng. Họ nhọc nhằn đánh bại Đà Nẵng tại Hàng Đẫy, may mắn cầm hòa Bình Dương sau khi bị dẫn 2 bàn và thua cách biệt dưới tay Nam Định, Thanh Hóa.

Khi đội chủ quản chơi tệ, rất khó cho Quang Hải cải thiện tình hình. Kết quả của CLB Hà Nội cũng là điều tất yếu sau nhiều tháng chinh chiến liên tục trên mọi mặt trận. HLV Chu Đình Nghiêm từng nói đội của ông “phải đá nhiều hơn các đối thủ 9 trận” và đã thực sự “kiệt sức”.

HLV Nguyễn Đức Thắng - trong ngày Thanh Hóa ghi 4 bàn vào lưới CLB Hà Nội - cũng cho rằng: “Chiến thắng này không phản ánh CLB Hà Nội không hay. Vấn đề là họ phải toan tính, phải giữ chân cho các trụ cột để còn đá AFC Cup”.

Tiền vệ sáng tạo của đội bóng thủ đô đã phải thi đấu quá nhiều cả ở đội tuyển, U23, V.League và cúp châu Á.

9 trận ấy làm nên sự khác biệt giữa CLB Hà Nội và các đối thủ. Nhưng kể cả khi so sánh với các đồng đội, Quang Hải vẫn đang thi đấu nhiều hơn hẳn.

Hơn một năm rưỡi dưới triều đại Park Hang-seo, Quang Hải là cái tên hiếm hoi đá đủ cả 5 giải đấu lớn. Trở lại sau vòng loại U23 châu Á ở Mỹ Đình, số 19 chơi 8 trận V.League liên tục, trận nào cũng “cày” đủ 90 phút. Tại mặt trận châu Á, anh được nghỉ duy nhất hiệp 2 trận Nagaworld, còn lại chơi không thiếu một giây nào.

Trong nhóm trụ cột U23 Việt Nam, tất cả đều gặp vấn đề. Đình Trọng sa sút thấy rõ mà bằng chứng là tấm thẻ đỏ trên sân Thanh Hóa, Bùi Tiến Dũng thủng lưới 4 bàn sau 2 trận vào sân, Hà Đức Chinh liên tục nhận chỉ trích. Cường độ thi đấu dày đặc ấy đánh gục từng người trong số họ. Mới đây nhất, Viettel thậm chí phải “xin” Liên đoàn không gọi Hoàng Đức để cầu thủ này có thời gian chữa trị dứt điểm chấn thương.

Khi tất cả đồng đội cùng trang lứa đều sa sút, chấn thương, nhận thẻ đỏ, Quang Hải vẫn ra sân, vẫn chơi ổn định hàng tuần đã là điều đáng khen.

Mùa này, CLB Hà Nội bổ sung những ngoại binh chất lượng khiến cuộc cạnh tranh ở hàng công trở nên khốc liệt hơn.

Khoảng lặng quen thuộc

Bối cảnh CLB Hà Nội cũng không mang tới cho Quang Hải môi trường lý tưởng để tỏa sáng.

Mùa này, đội bóng thủ đô đưa về tiền vệ công hay nhất V.League Pape Omar. Cầu thủ từng đối mặt với Arsenal tại Champions League (dưới màu áo FC Thun ở mùa 2005/2006) sở hữu đẳng cấp thượng thừa và cạnh tranh trực tiếp với Quang Hải trong vai trò tiền vệ công. Cộng thêm sự trở lại của Thành Lương, vị trí tiền vệ sáng tạo của đội bóng thủ đô đã xuất hiện quá nhiều lựa chọn chất lượng.

Khác với tuyển Việt Nam, Quang Hải ở CLB Hà Nội không được tự do sáng tạo, không được là trung tâm trong lối chơi. Anh không phải ưu tiên duy nhất của HLV Chu Đình Nghiêm mà phải nép mình vào lối chơi chung của cả tập thể, hòa mình vì mục tiêu lớn nhất của CLB.

Chất lượng hàng công của CLB Hà Nội cũng khác hẳn tuyển Việt Nam và U23 quốc gia - nơi Quang Hải phải làm cả nhiệm vụ kiến tạo lẫn ghi bàn. Với 3 ông “Tây” Hoàng Vũ Samson, Oseni Ganiyu và Omar, nhà đương kim vô địch sở hữu hàng công đã ghi 42 bàn ở V.League 2018. Ông Nghiêm không cần và không muốn Quang Hải trong vai trò săn bàn. Ông cần Hải “Con” chơi thấp hơn, cần anh tổ chức và điều tiết.

Trong vai trò một tiền vệ tổ chức, đóng góp của Quang Hải không biểu hiện cụ thể bằng những bàn thắng hay các đường kiến tạo. Hải lùi xuống sau ánh đèn, anh vẫn quan trọng nhưng thầm lặng, vẫn không thể thay thế nhưng kín đáo hơn, ẩn mình hơn.

Quang Hải được kỳ vọng sẽ trở lại mạnh mẽ hơn sau thời gian "lấy lại năng lượng.

Cũng nhờ thế, Hải “Con” được nghỉ ngơi nhiều hơn, được giải phóng khỏi những trách nhiệm nặng nề. Anh không buộc phải ghi bàn, không cần kiến tạo liên tục. Điều đó giúp anh có được một khoảng lặng hiếm hoi để lấy lại năng lượng. Như bản nhạc có nốt thăng, nốt trầm, như hình sin có đoạn lên, đoạn xuống, Quang Hải hay bất kỳ cầu thủ nào khác đều cần những khoảng thời gian như thế.

Những người theo dõi Quang Hải lâu năm sẽ nhận thấy điều Quang Hải đang trải qua ở V.League 2019 cũng từng xảy ra trong quá khứ.

Mùa 2018, Quang Hải tịt ngòi 8 trận đầu tiên trước khi bùng nổ dữ dội với 8 bàn ở 16 trận cuối. Mùa 2017, anh ghi 1 bàn sau 27 trận V.League trước khi thăng hoa cùng U23 Việt Nam, ghi 7 bàn ở M-150 Cup và U23 châu Á.

Sau mỗi quãng nghỉ, Quang Hải hay nhất, đáng sợ nhất đều xuất hiện. Như những cỗ máy tốt nhất cũng cần được bảo hành định kỳ, 2 tháng qua có lẽ là quãng thời gian “tra dầu” của Quang Hải, để lấy lại sinh lực trước một đỉnh cao kế tiếp.

Đỉnh cao ấy có lẽ đang chờ Hải ở sân Buriram, trên mảnh đất Thái Lan.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục