Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đạt điểm gần tối đa nhưng vẫn không trúng tuyển vào ngành học đã đăng ký là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm không chỉ của thí sinh trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay.
Thanh niên tình nguyện đội Tiếp sức mùa thi huyện Châu Thành đo thân nhiệt cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại điểm trường THPT Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Ngọc Bích
Sau khi hầu hết các trường đại học, học viện công bố điểm chuẩn, tức điểm trúng tuyển, dư luận trong và ngoài ngành không khỏi ngạc nhiên, thậm chí kinh ngạc vì nhiều thí sinh có tổng số điểm rất cao, gần như tuyệt đối nhưng vẫn không trúng tuyển vào ngành học của trường đại học đăng ký, thậm chí không trúng tuyển bất kỳ nguyện vọng nào.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã lên tiếng giải thích về một số trường hợp điểm rất cao nhưng vẫn không đậu, đặc biệt có 61 thí sinh đạt 29,5 điểm nhưng không trúng tuyển. “Trong 61 em này có 60 em đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng, chỉ có 1 em đăng ký 2 nguyện vọng; 59 em có nguyện vọng 1 và chỉ đăng ký 1 nguyện vọng vào các trường công an, quân đội; trong đó, 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước, có lẽ thuộc đối tượng đi nghĩa vụ nay được cử đi thi” - Bộ GD&ĐT thông tin.
Như vậy, trong 57 trên tổng số 61 thí sinh đạt 29,5 điểm đăng ký dự tuyển vào các trường thuộc lực lượng vũ trang tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2019, tức cách nay hai năm. Có ngành học thuộc trường của lực lượng vũ trang chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 50 nhưng tổng số hồ sơ đăng ký lên đến 800 người, có nghĩa, cứ 16 người mới lấy 1, “tỷ lệ chọi” cực kỳ khắc nghiệt. Để trúng tuyển vào trường này, thí sinh phải đạt từ 29,99 điểm cho đến 30,34 điểm, tuỳ theo vùng, giới tính.
“Việc 61 thí sinh đạt 29,5 vẫn trượt Học viện Chính trị Công an nhân dân, ngoài việc chỉ tiêu ít, theo Bộ GD&ĐT, các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét khá phức tạp (kết hợp cả điểm học bạ), cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nên việc phân tích dữ liệu và việc đỗ hay trượt ở đây không có nhiều ý nghĩa” - lãnh đạo Bộ GD&ĐT lên tiếng trước công luận.
Ngoài các trường thuộc khối lực lượng vũ trang, một số trường cũng lấy điểm chuẩn "cao chót vót", đến mức nhiều người không ngờ tới. Đơn cử, ngành Hàn Quốc học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội lấy điểm chuẩn tròn 30 điểm.
Đặc biệt hơn cả, ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường đại học Hồng Đức có điểm chuẩn là 30,5 điểm. Đây có lẽ là mức điểm chuẩn chưa từng có của hầu hết các trường. Điểm chuẩn vượt cả khung điểm tối đa theo thang điểm 10, thí sinh chỉ còn cách được cộng điểm ưu tiên, khuyến khích mới có thể trúng tuyển.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn giải thích tiếp chuyện điểm cao ngất ngưỡng nhưng vẫn không trúng tuyển. Theo tinh thần này, năm nay, số thí sinh đăng ký dự thi thi tốt nghiệp THPT tăng 11% so với năm trước, từ 900.000 lên hơn 1 triệu. Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng cũng tăng 24% so với năm 2020.
Xu hướng chọn ngành của thí sinh cũng thay đổi do tác động của nền kinh tế trong điều kiện dịch bệnh. Theo thống kê của Bộ, những ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên như kỹ thuật, công nghệ, khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên, kinh doanh, quản lý, xã hội nhân văn.
Điểm bài thi của thí sinh năm nay cao hơn năm ngoái, trong đó có môn tiếng Anh. Một vấn đề nữa cũng được chỉ ra, đó là điểm ưu tiên. Mặc dù điểm ưu tiên đã giảm xuống so với nhiều năm trước nhưng hiện tại, tuỳ theo khu vực, nhóm đối tượng, điểm ưu tiên cao nhất vẫn còn 2,5 điểm. Như vậy, không tính những ngành nhân đôi hệ số điểm, tổng điểm 3 môn cho mỗi tổ hợp đăng ký dự tuyển vượt quá 30 điểm chính là nhờ có 2,5 điểm ưu tiên nêu trên.
Ngoài những nguyên do nêu trên, theo giải thích của một cán bộ giàu kinh nghiệm về thi cử, khảo thí ở Tây Ninh, phương thức tuyển sinh của nhiều trường đại học đã thay đổi. Không chỉ căn cứ vào điểm bài làm của thí sinh, nhiều trường đại học, học viện còn kết hợp đánh giá, khảo sát năng lực, kết hợp điểm thi với học bạ hoặc có trường chỉ căn cứ kết quả học bạ ba năm trung học phổ thông để tuyển sinh.
“Nhiều thí sinh nghiên cứu không kỹ, ví dụ, thí sinh chọn một ngành nào đó vào Trường đại học Ngoại thương mặc dù trường khác cũng có ngành đó nhưng thí sinh không chọn, cứ nhất thiết phải vào bằng được trường ngoại thương.
Trong khi trường này điểm chuẩn rất cao vì nhiều thí sinh đăng ký, điều này giải thích vì sao nhiều thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển” - vị cán bộ giải thích. Liên quan đến đăng ký nguyện vọng, theo vị cán bộ này, quy chế cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thực ra là đã tạo điều kiện, thêm cơ hội cho thí sinh.
Nhưng vì một lý do nào đó, có thí sinh chỉ chọn duy nhất một nguyện vọng (như trường hợp 61 thí sinh nói ở phần trên). Lại có thí sinh chọn tràn lan đến 15 nguyện vọng, tức không xác định được mình nên chọn ngành nào, trường nào để phù hợp với nguyện vọng cá nhân cũng như kết quả bài thi có được.
Liên quan chuyện điểm chuẩn vào đại học năm nay cao chót vót còn có nhiều nguyên nhân khác nhưng không tiện đề cập. Song có một điều không thể không đề cập, đó là đề thi. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nội dung chương trình phải giảm tải rất nhiều, từ đó, đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được giới chuyên môn đánh giá khá dễ, tính phân hoá không cao.
Đây là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao điểm thi tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua rất cao, đặc biệt môn Tiếng Anh và cả môn Ngữ văn. Một đề thi phục vụ cho hai mục đích, vừa công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học, không phải chuyện đơn giản.
Nhìn nhận một cách khách quan, khoa học, tính chất, mục đích của hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau, một bên chỉ để công nhận tốt nghiệp, bên kia là tuyển chọn vào đại học. Phương thức tuyển sinh của trường đại học thay đổi cũng cho thấy nhiều hiện tượng lệch lạc.
Việc một trường không chuyên đào tạo về y khoa nhưng điểm chuẩn vào ngành dược của trường này cao hơn điểm chuẩn vào ngành dược của Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đến 4,5 điểm, khó có thể coi là bình thường.
Luật Giáo dục đại học cho phép trường đại học tự chủ trong tuyển sinh, tự chủ tài chính cũng là một yếu tố khiến cơ sở đào tạo, bằng mọi cách tuyển cho đủ, thậm chí vượt chỉ tiêu được giao càng nhiều càng tốt. Trường đại học là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục, còn sinh viên chính là khách hàng sử dụng dịch vụ.
Do vậy, càng đông sinh viên theo học, càng tốt. Có trường đại học vùng còn giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng giảng viên. Thu hút, giới thiệu được sinh viên nhập học vào trường là một điều kiện, tiêu chí xếp loại thi đua cuối năm....
Việt Đông