Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Góc nhìn
Quanh chuyện làm không đúng nghề phải trả lại học phí
Thứ tư: 12:28 ngày 10/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, nhưng có một điều liên quan đến chế độ chính sách vẫn còn vẫn còn ý kiến khác nhau.

Ðiều 85 của Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về chế độ học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Theo quy định, Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh có kết quả xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.

Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật. Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khoá học.

Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành Giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định. Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết các chính sách nêu trên.

Trong các nội dung nêu trên, quy định sau hai năm tốt nghiệp nếu sinh viên sư phạm không công tác trong ngành hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản tiền học phí do Nhà nước hỗ trợ trong thời gian học. Mặc dù Luật đã được thông qua nhưng vẫn còn nhiều ý kiến bình luận rằng, quy định này không hợp lý. Theo nhóm ý kiến này, quy định sinh viên sư phạm ra trường có việc làm trong ngành nhưng thời gian công tác không đủ thì phải hoàn trả học phí là đúng. Nhưng điều đáng quan tâm ở chỗ, không phải sinh viên nào cũng may mắn có việc làm đúng ngành nghề đào tạo.

Hiện tại, hàng chục ngàn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề. Không phải họ chê cái nghề đã lựa chọn ban đầu nhưng muốn vào dạy cũng làm gì có chỗ? Vậy, lỗi này không phải do người học cố tình không thực hiện theo cam kết. Ngược lại, họ có muốn, thậm chí rất muốn thực hiện đúng cam kết ban đầu nhưng không thể được vì bục giảng đã kín chỗ. Chính vì thế, quy định như trong Luật Giáo dục (sửa đổi) có vẻ như chưa thật chặt chẽ. Ðúng ra cần quy định, những sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ ngân sách khi học mà cố tình không đi dạy thì phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Còn những trường hợp muốn theo nghề nhưng không còn chỗ thì không truy thu.

Chính sách tín dụng sinh viên dành cho những học sinh theo học ngành sư phạm đã có từ rất lâu. Ban đầu, chính sách này phát huy hiệu quả rất rõ. Sau thời kỳ dài thiếu giáo viên triền miên, ngành Giáo dục đã tuyển chẳng những đủ mà còn thừa hàng chục ngàn giáo viên các cấp (chuyện hiện nay thiếu giáo viên mầm non là một vấn đề khác, không bàn trong bài này). Cho đến đầu những năm 2000, ngành sư phạm bắt đầu lâm vào “thoái trào”, biểu hiện cụ thể là, học sinh phổ thông ngày càng ít chọn thi vào ngành này, mặc dù chính sách miễn phí, kèm theo học bổng cho sinh viên vẫn được duy trì.

Trở lại chuyện truy thu học phí nếu làm trái nghề, thực ra, luật quy định như vậy nhưng hiệu quả thực thi đến đâu cũng còn là một dấu hỏi. Trước đây và hiện nay, ngân hàng chính sách có nhiều khoản tín dụng dành cho sinh viên. Nhưng sau khi ra trường, việc thu hồi các khoản nợ này phải nói là trần ai. Do đó, cho dù sau này có tìm được việc làm đúng ngành nghề hay không, việc truy thu học phí đối với sinh viên sư phạm thật sự không hề đơn giản. Có thể ví việc đó như hành động thả gà ra rồi đuổi để bắt lại gà.

Chỉ riêng việc thống kê những trường hợp nào đi dạy, dạy ở đâu, trường công hay trường tư, bao nhiêu người làm trái ngành nghề cũng đủ mệt. Các con số thống kê về sinh viên sư phạm đang thất nghiệp cũng chỉ có tính tương đối, nhiều khi ước đoán. Thực ra, bản chất của chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm chỉ có ý nghĩa động viên, thu hút học sinh phổ thông vào ngành này. Còn chuyện truy thu, bồi hoàn học phí một điều kiện ràng buộc nhưng tính khả thi của sự ràng buộc thấp.

Ð.V.T

Tin cùng chuyên mục