Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðinh Ngọc Lâm vốn là nhà văn, ông sinh năm 1953, quê quán Ninh Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2014.
Bài thơ “Tự khúc quê nhà” đăng trên báo Văn Nghệ là sự thể hiện tình cảm của nhà thơ với làng Văn Lâm ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nơi có danh thắng Tam Cốc, Bích Ðộng nổi tiếng, được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.
Bài thơ mở đầu với những tình cảm tha thiết dành cho Tam Cốc: “Tam Cốc ơi đã lâu rồi/ Hôm nay về lại thảnh thơi ngồi thuyền/ Bâng khuâng bao nỗi truân chuyên/ Ðời mang duyên phận con thuyền lênh đênh”. Người thơ đã lâu rồi mới trở lại quê hương và gọi tên “Tam Cốc” với tâm trạng thật thiết tha, trìu mến.
Dù “thảnh thơi ngồi thuyền” như bao du khách đến với vùng non nước hữu tình nhưng quá khứ và kỷ niệm đã chen vào với: “Bâng khuâng bao nỗi truân chuyên” và “Ðời mang duyên phận con thuyền lên đênh”. Quá khứ vinh quang lẫn nhọc nhằn, dẫu: “Một miền đá dựng chênh vênh/ Thiên nhiên tạo cảnh thênh thênh giữa trời/ Mong manh thân phận con người/ Thấp cao dày mỏng phúc đời tày gang”.
Một loạt từ láy “chênh vênh, thênh thênh, mong manh...” và những từ thể hiện sự so sánh “thấp, cao, dày, mỏng...” đã diễn đạt đầy đủ số phận, tâm trạng của người quê, dù sống bên cạnh thiên nhiên thơ mộng trữ tình thì vẫn phải dựa vào khả năng lẫn “phúc phần” để mà vươn lên trong cuộc sống! Bởi cái sự thật: “Nhân tình bao nỗi trái ngang/ Tan theo sóng nước mênh mang mái chèo/ Quê xưa ơi một quê nghèo/ Nổi trôi cua ốc bọt bèo quanh năm/ Tiếng thơm đây một làng Văn/ Khúc “Tình Tam Cốc” đượm vần xốn xang”.
Chuyện “nhân tình” rồi cũng phôi pha, tan theo sóng nước. Song quê xưa vẫn in đậm trong tâm trí, dẫu người quê luôn “cua ốc bọt bèo quanh năm” nhưng vẫn lưu tiếng thơm cho cái “làng Văn” với “Tình Tam Cốc” đã đi vào giai thoại đẹp, đầy quyến rũ về chốn “bồng lai tiên cảnh” với non xanh nước biếc đã in dấu trong lòng mọi người.
Bài thơ không kể chuyện Tam Cốc- quê xưa của tác giả mà đó chính là tấm lòng của tác giả khi trở lại quê xưa, đúng như hai câu thơ kết: “Rưng rưng đôi giọt lệ vàng/ Rơi tan theo bóng xóm làng ta xưa”. Giọt lệ vàng! Câu thơ hơi sáo cũ, song đã diễn đạt đúng tâm trạng của người thơ...
CHÍNH VŨ