Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
CEP đã có những đóng góp tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo tại địa phương, giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn có điều kiện vươn lên cải thiện cuộc sống.
Trao học bổng CEP năm 2016.
Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (gọi tắt là Quỹ CEP) trực thuộc Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh) chính thức hoạt động tại Tây Ninh vào tháng 10.2014. CEP đã có những đóng góp tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo tại địa phương, giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn có điều kiện vươn lên cải thiện cuộc sống. Tính đến cuối tháng 6.2017, chi nhánh CEP Tây Ninh đã giải ngân gần 160 tỷ đồng cho hơn 14.000 lượt người vay.
Theo chân chị Trần Hồng Loan Thảo- nhân viên tín dụng chi nhánh CEP tại Tây Ninh, tôi có dịp đến thăm các gia đình được trợ vốn từ CEP. Có thể nói, sự gần gũi, tận tâm, chu đáo của đội ngũ nhân viên tín dụng Quỹ CEP đã chiếm trọn lòng tin của người nghèo.
“Ðược đóng góp chút ít công sức cho quá trình nỗ lực vươn lên của người nghèo, nhìn thấy họ có cuộc sống ổn định, nhân viên tín dụng chúng tôi cũng cảm thấy vui và hạnh phúc hơn”- chị Thảo chia sẻ. Chị Thảo đã từ bỏ công việc tại một ngân hàng thương mại để gắn bó với Quỹ CEP, từ khi chi nhánh CEP Tây Ninh được thành lập cho đến nay. Dù công việc cực nhọc khi một mình quản lý 3 địa bàn với khoảng 600 hộ vay vốn, có những ngày phải lặn lội đến từng nhà dân, chị Thảo vẫn thấy vui và thêm yêu công việc đang làm.
Không quản ngại nắng mưa hay địa bàn xa xôi, đội ngũ nhân viên tín dụng Quỹ CEP vẫn cất công đến từng nhà dân khảo sát, đưa đồng vốn đến tận tay những mảnh đời khốn khó. Ghé thăm nhà chị Lê Thị Bích Hồng ngụ tại ấp Long Hải, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành- một trong những người vay vốn từ CEP và đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo thành công, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của chị khi nỗ lực bản thân được đền đáp xứng đáng.
Từ cảnh chật vật xoay xở với cơm áo gạo tiền hằng tháng, đến nay kinh tế gia đình chị đã dần ổn định, ăn nên làm ra. Chị Hồng nói: “Cách đây 3 năm, trong lúc tôi loay hoay chưa biết vay vốn ở đâu để làm ăn thì mấy cô chú bên CEP đã đến thăm hỏi, hướng dẫn cặn kẽ cách thức vay vốn. Họ rất nhiệt tình, tận tuỵ, sẵn lòng chia sẻ khó khăn với người nghèo khiến chúng tôi cảm thấy gần gũi như người thân trong gia đình”.
Nhờ số vốn vay từ Quỹ CEP, chị Hồng có tiền mua thêm máy móc và vật liệu để làm nghề đan cần xé, từ đó sản phẩm làm ra nhiều hơn, lợi nhuận cũng cao hơn trước. Mỗi tháng trừ tất cả chi phí, khoản thu nhập chị Hồng có được từ việc đan cần xé đạt hơn 6 triệu đồng. Chị dự định làm thủ tục xin vay thêm vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Thiếu vốn làm ăn là trăn trở lâu nay của bà con nghèo, nhiều người phải vay bên ngoài với lãi suất cao, lãi mẹ chồng lãi con đẩy họ vào cảnh bế tắc. Sự hiện diện kịp lúc của Quỹ CEP khiến ai cũng vui mừng. Hình thức cho vay tín chấp với lãi suất vừa phải, cán bộ tín dụng lại nhiệt tình, thủ tục đơn giản là những nguyên do khiến người nghèo gắn bó lâu dài với Quỹ CEP.
Bà Nguyễn Thị Hồng Sương (khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh) chia sẻ: cuộc sống trước đây của bà vô cùng khó khăn, cực nhọc, phải ở đậu nhà người thân. Do thiếu vốn làm ăn, bà phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao, trả mãi cũng không hết. Nhờ 10 triệu đồng vay từ Quỹ CEP, bà mới có thể trả hết các khoản nợ, số tiền còn lại bà mua thêm máy móc cho con trai làm thợ đóng tủ, kệ. Riêng bà cũng có thêm chút vốn để mua nguyên liệu làm các loại bánh tét, bánh ít, nhờ vậy cuộc sống của hai mẹ con cũng đỡ bấp bênh hơn.
Bên cạnh hoạt động chính là trợ vốn cho công nhân và người lao động nghèo tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, Quỹ CEP còn thực hiện chương trình phát triển cộng đồng với các hoạt động mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho gia đình thành viên nghèo; cấp học bổng và dụng cụ học tập cho con thành viên nghèo hiếu học hoặc có nguy cơ bỏ học cao; xây dựng và sửa chữa nhà cho thành viên nghèo và khó khăn nhất...
Công việc đan cần xé của chị Lê Thị Bích Hồng.
Tổng ngân sách thực hiện Chương trình phát triển cộng đồng của Quỹ CEP sau 3 năm triển khai tại Tây Ninh đạt hơn 1,4 tỷ đồng. Chương trình đã chia sẻ phần nào khó khăn cùng với gia đình thành viên, động viên các em học sinh là con em thành viên vay vốn có thêm nghị lực, vượt khó học giỏi.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà vẫn còn thơm mùi sơn mới, chị Ðỗ Thị Hạt ngụ tại ấp Long Khương, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành không giấu được niềm vui: nhiều năm nay, cả gia đình chị 4 người phải sống trong căn nhà xập xệ. Những ngày mưa to gió lớn, căn nhà như muốn đổ sập làm hai vợ chồng chị cứ thấp thỏm lo sợ.
Nhưng thu nhập bấp bênh từ công việc đổ bánh ống dạo của anh chị còn không đủ lo sinh hoạt hằng ngày thì tiền đâu mà xây nhà mới. Năm 2015, chị Hạt được vay 8 triệu đồng từ Quỹ CEP. Nhờ số tiền này chị có điều kiện lo cho cậu con trai út được học đại học, một phần còn lại dùng mua thêm gà, vịt để chăn nuôi cải thiện kinh tế.
Thấy anh chị hiền lành, chất phác, chăm chỉ làm lụng mà vẫn chưa có điều kiện làm lại ngôi nhà đang xuống cấp trầm trọng, Quỹ CEP Tây Ninh quyết định xây tặng “Mái nhà CEP” để giúp anh chị có thể “an cư lạc nghiệp”. “Vừa có vốn làm ăn cải thiện kinh tế, nay lại còn được hỗ trợ xây nhà mới, niềm vui với tôi như được nhân lên nhiều lần. Cảm ơn Quỹ CEP nhiều lắm”- chị Hạt xúc động bày tỏ.
Trong thời gian tới, CEP tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trợ vốn cho người lao động nghèo, đặc biệt là đối tượng công nhân tại các khu công nghiệp, với mục tiêu giúp họ có thêm vốn làm ăn, tránh rơi vào tình trạng phải vay nặng lãi từ nguồn “tín dụng đen”.
K.K