Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quy định chính thức về dạy thêm, học thêm: Vẫn khó
Thứ tư: 10:52 ngày 06/03/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh đã chính thức ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo Quyết định số 02/2013-UBND ngày 1.2.2013.

(BTN)- UBND tỉnh đã chính thức ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh theo Quyết định số 02/2013-UBND ngày 1.2.2013 (QĐ 02). Quyết định này thay thế cho Quyết định số 52/2007/QĐ-UBND ngày 29.12.2007 (quy định tạm thời về dạy thêm, học thêm). Hôm 5.3, Sở GD-ĐT đã tổ chức triển khai QĐ 02.

Vấn đề hiện còn làm nhiều người phải băn khoăn là việc quản lý dạy thêm, học thêm bằng các biện pháp hành chính liệu có đạt được kết quả như mong đợi?

Theo quy định, cấm dạy thêm đối với học sinh bậc tiểu học

Căn cứ quy định của UBND tỉnh, có thể tóm tắt một số trường hợp ràng buộc đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trừ trường hợp tổ chức ôn thi tuyển sinh vào lớp 10, ôn thi vào cao đẳng, đại học.

Thứ hai, không dạy thêm trước chương trình lớp 1 cho học sinh mầm non trong và ngoài nhà trường; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học trong và ngoài nhà trường trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Thứ ba, cơ sở giáo dục cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

Thứ tư, đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khoá khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Học sinh có nguyện vọng học thêm phải làm đơn gửi nhà trường. Cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em muốn học thêm trực tiếp ký vào, ghi cam kết với nhà trường và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết. Hiệu trưởng nhà trường tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên tổ chức môn học theo nhóm học lực của học sinh.

Giáo viên nếu muốn dạy thêm phải có đơn đăng ký. Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh.

Đối với việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, người dạy phải cam kết với UBND xã, phường, thị trấn nơi đặt địa điểm dạy thêm. Những giáo viên đã nghỉ hưu, nghỉ việc muốn dạy thêm phải được UBND cấp xã xác nhận tư cách đạo đức, chấp hành tốt luật pháp tại địa phương.

Việc cấp giấy phép dạy thêm cho giáo viên trong và ngoài ngành, kể cả giáo viên đã nghỉ hưu dạy chương trình trung học phổ thông được thực hiện bởi giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo. Việc dạy thêm ở bậc trung học cơ sở do Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo cấp phép. Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đã được quy định chi tiết tại Quyết định của UBND tỉnh. Trong hồ sơ này có điểm đáng chú ý: người tổ chức dạy thêm phải nêu rõ đối tượng học thêm, nội dung dạy thêm, địa điểm, cơ sở vật chất tổ chức dạy thêm, mức thu tiền học thêm.

Giấy phép dạy thêm có giá trị trong vòng 24 tháng. Trước khi hết hạn 1 tháng nếu muốn dạy thêm thì phải gia hạn giấy phép. Nếu tạm ngưng hoặc chấm dứt dạy thêm, các tổ chức, cá nhân phải báo cáo với cơ quan cấp giấy phép, cơ quan quản lý trực tiếp và thông báo công khai cho người học biết trước ít nhất 30 ngày, đồng thời hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện.

Có thể nói, quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm vừa được ban hành tương đối chi tiết, chặt chẽ. Tuy vậy, việc thực hiện quy định này là không đơn giản. Ví dụ: quy định không cắt giảm chương trình phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm. Thật ra, không dễ gì kết luận giáo viên có cắt xén chương trình hay không. Hoặc như quy định: học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau. Quy định này có vẻ không thực tế, bởi vì bên dạy thêm- có thể coi là bên cung cấp dịch vụ, chỉ cần khách hàng có nhu cầu là đáp ứng, cần gì phân loại “khách hàng” (và cũng không có điều kiện để phân loại). Quy định không dạy thêm trước chương trình chính khoá cũng tương tự; thực tế chứng minh rằng đại đa số người dạy thêm đều dạy trước chương trình, không phải chỉ dạy trước một vài tháng mà có khi còn dạy trước cả năm!

Suốt một thời gian dài, tình trạng dạy thêm, học thêm đã rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Mặt khác, dạy thêm, học thêm còn bắt nguồn từ vô số nguyên nhân, trong đó phải nói đến nền giáo dục nặng về thi cử. Chính vì thế, có thể nói, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm (bằng các biện pháp hành chính) chắc chắn còn phải rất chật vật.

VIỆT ĐÔNG

 

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan