Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Một giáo viên đang dạy thỉnh giảng cho rằng, quy định hồ sơ thỉnh giảng quá rườm rà, không thật cần thiết...
(BTN)- Ngày 29.10.2012, Sở GD-ĐT ban hành quy định mới hướng dẫn một số nội dung cơ bản về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục có nhu cầu thỉnh giảng (nói cho dễ hiểu là thuê giáo viên dạy) thì trong hồ sơ của giáo viên thỉnh giảng phải có thư mời, có hợp đồng với người đến thỉnh giảng ở cơ sở đó. Đối với người thỉnh giảng, phải có bản nhận xét của thủ trưởng đơn vị nơi giáo viên này đang công tác. Bản nhận xét này bao gồm một số mặt: Kết quả công tác, kết quả thi đua, khen thưởng, kỷ luật. Giáo viên thỉnh giảng cũng phải có bảng phân công chuyên môn tại nơi mình đang công tác: Dạy môn gì, bao nhiêu tiết một tuần.
Do giáo viên dư thừa nên ở bậc THCS hiện nay hầu như không còn giáo viên thỉnh giảng. Ảnh minh hoạ |
Văn bản hướng dẫn cũng quy định về mức tiền thỉnh giảng, tuỳ theo từng bậc học, cấp học, mức tiền thỉnh giảng khác nhau. Cụ thể, thỉnh giảng ở bậc tiểu học không quá 50.000 đồng/tiết; bậc THCS không quá 80.000 đồng/tiết; trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy không quá 100.000 đồng/tiết. Mức chi này áp dụng cho cả giáo viên thỉnh giảng dạy theo chương trình phổ thông trong các trung tâm giáo dục thường xuyên ở huyện và Thị xã.
Đối với việc dạy nghề phổ thông, mức chi không quá 40.000 đồng/tiết ở bậc THCS và không quá 50.000 đồng/tiết ở bậc THPT.
Riêng Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, mức thù lao thỉnh giảng không quá 120.000 đồng/tiết.
Những quy định trên đây được áp dụng từ năm học 2012 – 2013 trở đi.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã bắt đầu áp dụng quy định mới này. Một giáo viên đang dạy thỉnh giảng cho rằng, quy định hồ sơ thỉnh giảng quá rườm rà, không thật cần thiết. Chẳng hạn như quy định phải có bản nhận xét của thủ trưởng đơn vị nơi giáo viên này đang công tác và một số mặt khác về kết quả công tác, kết quả thi đua, khen thưởng, kỷ luật… đang gây khó khăn cho người thỉnh giảng. Trường hợp mối quan hệ giữa hiệu trưởng và giáo viên “cơm không lành, canh không ngọt” thì giáo viên dù muốn đi thỉnh giảng cũng không phải chuyện dễ. Quy định như thế không chừng lại nảy sinh cơ chế xin – cho, dễ tiêu cực. Mặt khác, trong trường hợp nếu một giáo viên đã nghỉ hưu mà vẫn được cơ sở giáo dục mời tham gia thỉnh giảng thì ai sẽ là người ký duyệt, xác nhận hồ sơ cho họ?
VIỆT ĐÔNG