Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Khó thực hiện

Cập nhật ngày: 07/03/2012 - 11:30

Vừa qua, Bộ GD&ĐT dự thảo thông tư quy định về dạy thêm học thêm. Đây không phải là lần đầu tiên có quy định về vấn đề này. So với trước đây, lần này Bộ GD&ĐT đã siết chặt hơn hoạt động dạy thêm học thêm (ít nhất là trên lý thuyết). Tuy nhiên, đọc kỹ bản dự thảo không khó để nhận ra những điểm còn bất cập, thậm chí không thực tế.

Trong giờ học ở Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành

Đơn cử như quy định không dạy thêm, học thêm đối với những trường đã tổ chức dạy hai buổi/ngày. Có một thực tế mà người ở trong ngành Giáo dục không thể không biết: Những trường dạy và học hai buổi/ngày thường có hoạt động dạy thêm, học thêm nhiều nhất. Bởi vì phần lớn các trường này nằm ở khu vực đô thị, nơi đời sống của người dân cao hơn ở khu vực nông thôn. Học sinh ở đây không phải lam lũ khó nhọc như học sinh vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Quy định cấm hẳn việc dạy thêm học thêm ở bậc Tiểu học nhưng lại thòng thêm một câu: “Trừ các trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”. Chính điều này tạo ra kẽ hở. Quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình nghĩa là gì? Không lẽ gia đình đưa con em đến chỗ thầy cô chỉ để… chơi? Bộ quy định cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông. Có thể cấm việc tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh phổ thông trong các trường chuyên nghiệp, dạy nghề nhưng có cấm được giáo viên của các trường này tham gia dạy ở bên ngoài trường mình? Trên thực tế điều này đang diễn ra hằng ngày. Cũng theo quy định: Giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục khác đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Điều này cũng khó bảo đảm, vì phần lớn người tổ chức các lớp dạy thêm học thêm là giáo viên đang công tác, bởi những người này có “lợi thế cạnh tranh” hơn nhiều so với các đồng nghiệp đã nghỉ hưu, do đó “khách hàng” cũng đông hơn.

Theo dự thảo, mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện bởi sự thoả thuận giữa cha mẹ học sinh với cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, đảm bảo thu đủ chi. Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì do sự thoả thuận giữa người học hoặc cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm. Trên thực tế, thoả thuận này chỉ mang tính hình thức. Bởi học sinh và kể cả phụ huynh các em hầu như không bao giờ có sự “mặc cả” nào với thầy cô dạy thêm. Tiền học thêm hiện nay, đặc biệt là với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường có nhiều giá khác nhau. Đối với nhiều học sinh trung học phổ thông, chi phí cho học thêm luôn cao hơn nhiều so với chi phí học chính khoá trong nhà trường.

Dự thảo Thông tư có quy định: Người dạy “không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm hoặc dạy thêm trước những nội dung mà giờ chính khoá sẽ dạy”. Trong thực tế, việc nhiều thầy cô giáo cố tình dạy qua loa, “giảm tải” nội dung bài học trên lớp để chuyển sang giờ dạy thêm là điều phổ biến. Ai sẽ quản lý, kiểm tra điều này? Rồi chuyện dạy trước chương trình đã trở thành chuyện “xưa như trái đất”, dù biết rằng, làm như vậy là sai.

Điều 10 của bản dự thảo nói trên quy định về điều kiện cơ sở vật chất để được mở lớp dạy thêm, trong đó có yêu cầu về kích thước bàn ghế, diện tích không gian cho mỗi học sinh có thể nói rất lý tưởng. Nếu thực hiện đúng như vậy chắc các điểm dạy thêm, học thêm không còn bao nhiêu: Hiện nay, kích thước bàn ghế trong đại đa số trường học cũng còn chưa phù hợp với quy định. Đến học thêm ở nhà riêng của thầy cô, nhiều học sinh phải dùng bàn ăn, bàn trà làm bàn học.

Dự thảo về dạy thêm học thêm lần này có một quy định mà trước nay chưa có: Tổ chức, cá nhân tham gia dạy thêm phải đóng thuế! Theo đó: “Tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoặc tham gia hoạt động dạy thêm, học thêm có trách nhiệm thực hiện các quy định hiện hành về quản lý tài chính và chính sách thuế”. Có ý kiến đồng tình rằng: Một bộ phận không nhỏ giáo viên dạy thêm có thu nhập rất cao nên đóng thuế thu nhập cá nhân để góp phần “tăng ngân sách cho địa phương” là đúng! Tình trạng dạy thêm như trong mấy năm qua thực chất là hình thức kinh doanh mà đã kinh doanh thì phải có nghĩa vụ đóng thuế. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: Nếu áp dụng quy định này các thầy cô giáo dạy thêm sẽ tìm cách… trốn thuế. Bởi vì: Dạy thêm, học thêm thiên hình vạn trạng, trong nhà trường cũng có, ngoài nhà trường cũng có, gia sư cũng có, số lượng học sinh học thêm lại thường không ổn định… vậy căn cứ vào đâu để đánh thuế? Có thể nói, quy định dạy thêm phải đóng thuế về lý thuyết thì được nhưng bàn về tính khả thi e rằng khó mà thực hiện.

Việt Đông