Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Theo quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006, bình đẳng giới chia thành 8 nhóm, cụ thể như sau:
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế là nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động là nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác; bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các ngành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo; bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ; bình đẳng trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao là nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao; bình đẳng trong hưởng thụ văn hoá, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế là nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế; bình đẳng trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bình đẳng giới trong gia đình là vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; vợ, chồng bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật; con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển; các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.
Theo quy định của Luật Bình đẳng giới, mục tiêu của bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; đồng thời nghiêm cấm các hành vi như cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới; phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; bạo lực trên cơ sở giới và các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.
Việc tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới; đề ra các biện pháp bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới là của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
Theo Nghị định 55/2009/NĐ-CP, ngày 10.6.2009 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới, các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới sẽ bị xử theo quy định như áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Hình thức xử phạt hành chính gồm có phạt cảnh cáo và phạt tiền. Xử phạt bổ sung gồm có tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục gồm có buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại do hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới gây ra; buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khoẻ, tinh thần; buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hoặc tiêu huỷ các vật phẩm, văn hoá phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới; buộc tháo dỡ hoặc xoá sản phẩm quảng cáo có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới; yêu cầu tổ chức, cá nhân đã ban hành các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới sửa đổi, huỷ bỏ các văn bản đó hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ các văn bản đó.
Ngoài các biện pháp trên, tuỳ theo tính chất, mức độ, còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam còn có thể bị xử phạt trục xuất.
Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong gia đình bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng, cao nhất đến 3 triệu đồng. Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng, cao nhất đến 5 triệu đồng. Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bị phạt tiền từ 3 triệu đồng, cao nhất đến 10 triệu đồng. Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng, cao nhất đến 20 triệu đồng. Các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; kinh tế; khoa học, công nghệ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng, cao nhất đến 40 triệu đồng.
Luật gia Đỗ Thành Kha