Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quy định pháp luật về thủ tục thi hành án dân sự
Thứ bảy: 10:22 ngày 17/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Xin cho biết, sau khi bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án cần phải làm thủ tục gì, có được quyền thoả thuận thi hành án hay không? Khi người có nghĩa vụ phải thi hành án nhưng không tự nguyện chấp hành thì xử lý như thế nào?

Đáp: Sau khi bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án cần phải làm đơn yêu cầu thi hành án và cung cấp các văn bản có liên quan như bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thông tin tài sản thi hành án hoặc các giấy tờ có liên quan khác để yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thụ lý. Sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan, có thể tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc gửi qua bưu điện.

Khi thụ lý, cơ quan Thi hành án dân sự có quyền cho các bên đương sự thoả thuận với nhau về việc tổ chức thi hành án. Khoản 1 Điều 6 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án”.  

Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, hết thời gian tự nguyện thi hành án theo luật định, cơ quan Thi hành án tiến hành kê biên, xử lý tài sản của người bị thi hành án.

Pháp luật quy định đối với việc kê biên tài sản bao gồm các loại như: tài sản là bất động sản, hoặc tài sản là động sản. Điều 88 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về thực hiện việc kê biên tài sản như sau:

Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 3 ngày làm việc, chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Trường hợp đương sự vắng mặt thì có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình.

Trường hợp đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được uỷ quyền vắng mặt thì chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên, nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.

Trường hợp không mời được người làm chứng thì chấp hành viên vẫn tiến hành việc kê biên nhưng phải ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên. Khi kê biên đồ vật, nhà ở, công trình kiến trúc nếu vắng mặt người phải thi hành án hoặc người đang quản lý, sử dụng tài sản đó mà phải mở khoá, phá khoá, mở gói thì chấp hành viên thực hiện theo quy định tại Điều 93 của Luật này.

  Đối với việc kê biên là động sản (phương tiện giao thông đường bộ, đường hàng không, đường thuỷ), Điều 96 Luật Thi hành án quy định: Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng phương tiện đó phải giao giấy đăng ký phương tiện đó, nếu có.

Đối với phương tiện giao thông đang được khai thác sử dụng, chấp hành viên có thể thu giữ hoặc giao cho người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng tiếp tục khai thác, không được chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, đối với trường hợp này thì chấp hành viên cấp cho người đó biên bản thu giữ giấy đăng ký để phương tiện được phép tham gia giao thông.

Việc kê biên đối với tàu bay, tàu biển để thi hành án được thực hiện theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu bay, tàu biển. Ngoài các loại kê biên trên thì pháp luật thi hành án còn hướng dẫn thủ tục kê biên đối với các tài sản khác như là kê biên phần vốn góp, hoa lợi, hoặc kê biên tài sản do bên thứ ba nắm giữ…

Việc kê biên tài sản phải lập biên bản; ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên chấp hành viên, đương sự hoặc người được uỷ quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng.

LS. Nguyễn Thị Mai Quyên

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục