Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Quy định về thanh toán chế độ thừa giờ: Thiệt thòi cho giáo viên mầm non
2013-01-09 05:57:00

Việc áp dụng nguyên xi một số quy định trong Luật Lao động đối với ngành Giáo dục rõ ràng là bất cập, không hợp lý, đặc biệt là với bậc học mầm non.

Cô giáo Trường mầm non 20.11 (huyện Dương Minh Châu) đang chăm sóc học sinh.

 (BTN) - Theo quy định hiện hành, mỗi năm học giáo viên mầm non làm việc 42 tuần, trong đó có 35 tuần chuyên môn, 7 tuần còn lại cho các công tác khác. Đối với những trường mầm non dạy hai buổi/ngày, giáo viên làm việc 6 giờ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở những trường này, giáo viên mầm non đang phải làm việc gần gấp đôi số giờ quy định- khoảng 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Chỉ cần lấy tổng số tuần làm việc trong một năm học nhân với số giờ thừa mỗi ngày là biết ngay các cô bị “quá tải” đến mức nào. Tính ra, các cô phải thực hiện đến 1.750 giờ, trong khi số giờ theo quy định chỉ là 1.050 giờ. Như vậy mỗi năm học, giáo viên mầm non dạy hai buổi/ngày phải dạy vượt tiết đến 700 giờ công lao động. Trong khi đó, cũng theo các quy định hiện hành (cụ thể là Luật Lao động và các văn bản khác của Bộ Giáo dục- Đào tạo và liên bộ), mỗi năm giáo viên không được dạy vượt quá định mức 200 giờ. Điều này có nghĩa là, nếu như vượt định mức từ 200 giờ trở xuống, giáo viên mới được thanh toán tiền, còn quá con số 200 giờ thì… không được tính. Có thể thấy mỗi năm, giáo viên mầm non phải làm không công đến 500 giờ. Tuỳ theo thâm niên công tác, mỗi tiết dạy của giáo viên được tính khác nhau. Nếu như lấy bình quân chỉ khoảng 80.000 đồng/tiết (thực tế còn cao hơn nhiều, vì số tiền thanh toán cho mỗi tiết thừa giờ được tính bằng 150% tiết dạy chính thức) thì ít nhất, mỗi năm mỗi giáo viên mầm non sẽ phải chịu thiệt khoảng từ 40 đến 60 triệu đồng. (Đây chỉ là một cách tính có tính chất minh hoạ cho dễ hiểu).

Mới đây, trong đợt khảo sát thực trạng giáo dục mầm non do đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh tiến hành (Báo Tây Ninh đã đưa tin), nhiều người đã phản ánh đậm nét những điều bức xúc trong việc thực hiện chế độ làm việc của giáo viên mầm non. Một trong những ý kiến đó là của ông Ngô Văn Rẻ- Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Tân Biên. Theo ông Rẻ, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung sửa đổi quy định nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. Ông cho rằng việc quy định khống chế số giờ dạy vượt tiết không quá 200 giờ/năm đối với giáo viên là không hợp lý. Các vị đại diện ngành Giáo dục ở Trảng Bàng và Thị xã cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của ông Rẻ.

Chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh ở Trường mầm non Trưng Vương (huyện Châu Thành).

Thực ra, chuyện bất hợp lý về số giờ dạy trong năm không chỉ giáo viên mầm non mới phải gánh chịu. Một số giáo viên dạy môn Âm nhạc ở các trường sư phạm, trường nghệ thuật cũng đã và đang chịu chung cảnh ngộ (trước đây Báo Tây Ninh cũng có đề cập). Nguyên nhân của sự bất hợp lý ấy là do đâu? Công bằng mà nói, đã có một thời gian dài, việc bố trí phân công chuyên môn trong ngành Giáo dục không thật hợp lý. Cùng chung chuyên môn, nhưng có những giáo viên được phân công dạy dư giờ rất nhiều, trong khi các đồng nghiệp của họ lại dạy không đủ số tiết theo quy định. Cách làm này tạo điều kiện cho một số người có thu nhập cao hơn (do trước kia giáo viên dạy thừa giờ bao nhiêu thì được thanh toán bấy nhiêu). Tình trạng này chấm dứt từ khi ngành Giáo dục áp dụng quy định khống chế số tiết dạy thừa giờ (bắt đầu từ năm 2011). Tuy nhiên, khi đề ra quy định này, các cơ quan thẩm quyền đã không tính toán đến nét đặc thù của từng ngành nghề. Về cơ bản, các quy định trong Luật Lao động là đúng, không có gì phải bàn cãi. Nhưng, việc áp dụng nguyên xi một số quy định trong Luật Lao động đối với ngành Giáo dục rõ ràng là bất cập, không hợp lý, đặc biệt là với bậc học mầm non.

VIỆT ĐÔNG

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan