BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy hoạch khu, cụm công nghiệp tại Trảng Bàng: Nhiều vấn đề nảy sinh chưa được giải quyết

Cập nhật ngày: 16/07/2013 - 06:15
(BTNO) - Từ khi các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Trảng Bàng đi vào hoạt động, đã góp phần rất lớn trong việc tạo thêm được nhiều việc làm, cải thiện đời sống và hỗ trợ giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trên địa bàn huyện hiện có Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu chế xuất Linh Trung III; KCN Bourbon An Hoà và Khu liên hợp CNDV Phước Đông Bời Lời với tổng diện tích hơn 3.315 ha. Hiện giá trị sản xuất công nghiệp của Trảng Bàng chiếm 1/3 toàn tỉnh, năm 2013 ước đạt 5.582 tỷ đồng, tăng hơn 23 lần so với năm 2003.

Nhìn chung việc hình thành các KCN đã tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế địa phương. Cụ thể năm 2013 thu ngân sách ước tính 95 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so thu ngân sách năm 2003 là 13,7 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách huyện năm 2013 trên 23 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so năm 2003 là 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra các KCN đã thu hút giải quyết việc làm cho 38.815 lao động trong và ngoài huyện.

Phát triển công nghiệp, bên cạnh những kết quả đạt được về mặt kinh tế, nhiều vấn đề xã hội phát sinh khó lường.

 Ở một số dự án KCN, dù đã đi vào hoạt động nhưng tỷ lệ lắp đầy thấp, gây lãng phí trong sử dụng đất vì chủ đầu tư tiến hành giải phóng mặt bằng xong nhưng không có khả năng tài chính để thi công phải bỏ đất không. Đối với dự án chậm triển khai, do tâm lý đất đã vào quy hoạch nên người dân không chuyên tâm đầu tư sản xuất mà chỉ làm “cầm chừng” dẫn đến năng suất sản lượng không cao. Bên cạnh đó khi đất đã vào quy hoạch thì các quyền lợi của người dân đối với phần đất thuộc quyền sử dụng của mình cũng bị hạn chế như chuyển quyền, xây cất, sửa chữa, cấp giấy chứng nhận...

Mặt khác, nhiều vấn đề xã hội phát sinh như tình trạng ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội gia tăng và tình hình an ninh trật tự diễn ra phức tạp. Việc giải quyết các nhu cầu phục vụ sinh hoạt cộng đồng, vệ sinh công cộng ngày càng trở nên bức xúc, tạo áp lực lớn cho chính quyền địa phương về thời gian thực hiện, xử lý thoát nước, ngập úng đường xá, rác sinh hoạt, chợ, khu vui chơi giải trí, khu sinh hoạt văn hoá... Các vấn đề về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiềm chế tai nạn giao thông, tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học đi làm công nhân... là những vấn đề xã hội phát sinh mà địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết và xử lý rốt ráo.

Hiểu Sinh