Khi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp nếu chỉ tính đến diện tích đất đai, đầu tư nhà xưởng máy móc, vật liệu, nguồn vốn mà quên tính đến việc đầu tư nguồn nhân lực, khó tránh khỏi tình trạng thiếu lao động, kể cả lao động phổ thông và lao động qua đào tạo.
Cách đây vài tháng, tôi có đến thăm một công ty TNHH chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu ở Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III (ở xã An Tịnh, Trảng Bàng). Ông trưởng phòng nhân sự công ty này cho biết, quy mô của công ty gồm có 4 xưởng và cần khoảng 5.000 lao động trực tiếp sản xuất. Nhưng từ khi đi vào hoạt động (năm 2007) đến nay công ty chỉ tuyển được khoảng 3.000 lao động. Do thiếu lao động, nên công ty chỉ hoạt động được có 3 xưởng. Còn một xưởng phải đóng cửa. Và thật ra trong 3 xưởng hoạt động cũng còn nhiều máy móc bỏ không vì thiếu người vận hành.
Do thiếu lao động nên một xưởng của một công ty ở Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III phải đóng cửa (ảnh chụp tháng 2.2010) |
Không chỉ riêng công ty nói trên, mà một số công ty khác ở Khu Công nghiệp Trảng Bàng (kể cả Khu Công nghiệp Linh Trung III) cũng đang thiếu nguồn lao động. Vừa qua, có một công ty ở khu công nghiệp này cần tuyển 200 công nhân, nhưng thông báo tuyển hoài mà chẳng thấy ai đến đăng ký nhận việc. Đó mới là lao động phổ thông, chỉ cần qua khoá đào tạo ngắn hạn ngay tại công ty là người lao động làm được việc, chưa nói đến lao động qua đào tạo. Mới chỉ có hai khu công nghiệp, với quy mô 400 ha và với hơn 120 dự án đi vào hoạt động mà đã thiếu lao động. Hiện nay trên địa bàn hai huyện Trảng Bàng và Gò Dầu đang hình thành và bắt đầu đi vào hoạt động nhiều khu, cụm công nghiệp. Đáng kể như Khu Công nghiệp-dịch vụ Bourbon -An Hoà, với quy mô 1.020 ha; Khu Công nghiệp–đô thị-dịch vụ Phước Đông- Bời Lời, với diện tích khoảng 3.000 ha. Đến khi các khu, cụm công nghiệp ở hai địa phương này đi vào hoạt động cùng một lúc thì làm sao có đủ nguồn nhân lực. Trong khi đó các huyện lân cận như Bến Cầu, Dương Minh Châu cũng đang hình thành các khu cụm công nghiệp. Nhất là Bến Cầu có Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đang phát triển và cũng cần lực lượng lao động rất lớn. Còn các tỉnh thành lân cận như Long An, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi nhiều người lao động muốn tìm đến. Mà đâu phải người nào đến tuổi lao động cũng vào làm trong các công ty, xí nghiệp. Trong dự thảo Báo cáo Chính trị của huyện Trảng Bàng, phần phương hướng 5 năm tới có nêu: hằng năm giải quyết việc làm mới bình quân 2.500 -3.000 lao động. Còn ở Gò Dầu thì bình quân 2.700 lao động/năm. Tính bình quân chung hai huyện này, mỗi năm giải quyết khoảng 5.500 lao động. Cứ cho là số lao động này vào hết trong các khu công nghiệp, thử hỏi với số lượng lao động này có đủ cung ứng cho hai khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.000 ha không? Ngoài ra cũng trên địa bàn hai huyện này còn có nhiều cụm, điểm công nghiệp khác cũng đang cần lao động. Tất nhiên là ngoài lao động địa phương sẽ có nguồn lao động nhập cư. Nhưng lao động nhập cư này từ đâu đến, trong khi các tỉnh thành lân cận cũng đang mời gọi đầu tư và thu hút nguồn nhân lực.
Thiết nghĩ, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp chỉ tính đến diện tích đất đai, đầu tư nhà xưởng máy móc, vật liệu, nguồn vốn mà quên tính đến việc đầu tư nguồn nhân lực, khi đi vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp khó tránh khỏi tình trạng thiếu lao động, kể cả lao động phổ thông và lao động qua đào tạo.
ĐỨC DÂN