Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn: Chưa có địa phương nào lập xong dự án ưu tiên đầu tư
Chủ nhật: 10:25 ngày 10/07/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tây Ninh có khá nhiều ngành nghề nông thôn, trong đó có 26 ngành nghề chủ yếu, nhiều nhất là sản xuất đồ gỗ, mây tre, vật liệu xây dựng và chế biến nông sản.

Tháng 5.2009, UBND tỉnh ký Quyết định số 26/2009/QĐ-UBND ban hành Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu bảo tồn và phát triển một số làng nghề truyền thống ở nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong quy hoạch có định hướng xây dựng 9 dự án ưu tiên thuộc địa bàn các huyện trong tỉnh. Thế nhưng sau 2 năm triển khai, đến nay vẫn chưa có địa phương nào lập xong dự án.

Hơn 2.600 lao động đang hoạt động nghề mây tre đan

Theo thống kê của ngành chức năng, Tây Ninh có khá nhiều ngành nghề nông thôn, trong đó có 26 ngành nghề chủ yếu, nhiều nhất là sản xuất đồ gỗ, mây tre, vật liệu xây dựng và chế biến nông sản. Tổng số hộ tham gia hoạt động các ngành nghề nông thôn có đến hơn 5.600 hộ với số lượng lao động gần 16.000 người, nhiều nhất là nghề làm bánh tráng- có đến hơn 1.100 hộ với hơn 2.800 lao động. Kế đến là nghề sản xuất mây tre, tổng số hơn 720 hộ với hơn 2.600 lao động. Ngoài ra, các ngành nghề khác như xay xát, mộc gia dụng, cơ khí, may mặc, mỗi nghề cũng có trên 200 hộ tham gia. Đặc biệt, có một số địa phương hình thành làng nghề trong nhiều năm qua như: làng nghề rèn; làng nghề mây tre; làng nghề mộc; làng nghề may mặc; làng nghề bánh tráng… Các ngành nghề nông thôn chẳng những tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ dân nông thôn còn góp phần tích cực phát triển kinh tế địa phương. Theo thống kê của ngành chức năng, lĩnh vực ngành nghề nông thôn bình quân mỗi năm đóng góp khoảng hơn 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Việc phát triển ngành nghề nông thôn trong thời gian qua đã góp phần khai thác và phát huy mọi nguồn lực, lợi thế của từng địa phương để sản xuất các loại sản phẩm hàng hoá, đảm bảo chất lượng với sức cạnh tranh cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, việc phát triển ngành nghề nông thôn cũng nhằm phát huy nét văn hoá truyền thống của các làng nghề, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá địa phương. Tuy nhiên, thực tế các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hầu hết vẫn còn ở quy mô nhỏ, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế và tạo việc làm cho chỉ khoảng 2,6% tổng số lao động trong tỉnh. Còn về công nghệ thì hầu hết còn hoạt động thủ công, sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh. Tất cả những hạn chế của các ngành nghề nông thôn đều xuất phát từ nguyên nhân chính là thiếu nguồn vốn đầu tư.

Theo quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, đến năm 2020 tổng vốn đầu tư để thực hiện là 385 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2009-2015 tổng vốn đầu tư là 268 tỷ đồng với mục tiêu tăng giá trị sản xuất bình quân từ 8-9% mỗi năm. Trong quy hoạch cũng xác định 9 dự án được ưu tiên đầu tư bao gồm: Xây dựng Trung tâm bảo tồn phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch; xây dựng mô hình trình diễn gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; xây dựng một số mô hình sơ chế- bảo quản rau và trái cây; bảo tồn và phát triển nghề mộc ở xã Hiệp Tân- Hoà Thành; đầu tư phát triển nghề mây tre đan; bảo tồn và phát triển nghề bánh tráng Trảng Bàng truyền thống; đầu tư phát triển làng nghề bánh tráng Đôn Thuận; đầu tư phát triển làng nghề bánh tráng Chà Là; xây dựng mô hình sản xuất nhang thành phẩm ở Hoà Thành. Hầu hết các dự án ưu tiên thời gian bắt đầu triển khai lập dự án là từ năm 2009, trong đó có một số dự kiến hoàn thành trong năm 2010. Tất cả các dự án đều được giao cho UBND các huyện, thị xã làm chủ đầu tư.

Thế nhưng đến nay, sau 2 năm triển khai, vẫn chưa có địa phương nào lập xong dự án ưu tiên thuộc địa bàn quản lý của mình. Dự án chưa lập xong tất nhiên chưa thể triển khai đầu tư. Trong kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2011 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nêu cụ thể việc lập 9 dự án ưu tiên nêu trên, nhưng đến giữa năm 2011, vẫn chưa có địa phương nào lập xong dự án. Trong tháng 6 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các địa phương đôn đốc việc lập dự án ưu tiên phát triển ngành nghề nông thôn theo định hướng trong quy hoạch, đồng thời cũng gửi văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp các đơn vị triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn, về nhân lực, về khoa học công nghệ, về xử lý môi trường, về xúc tiến thương mại… để các địa phương nắm vững thực hiện.

Hơn 220 hộ hành nghề mộc gia dụng

Hiện nay, việc lập các dự án ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề đang là vấn đề cấp thiết. Do các địa phương cần khẩn trương lập dự án ưu tiên, cố gắng hoàn thành trong tháng 9 tới để trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện ngay trong năm 2011. Ngoài ra, các địa phương còn phải xây dựng kế hoạch hằng năm về triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn theo kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015 do UBND tỉnh ban hành vào cuối năm 2010 để có thể đạt được mục tiêu đến năm 2015 tổng giá trị sản lượng đạt hơn 650 tỷ đồng.

Sơn Trần

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục