BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn: Nhiều địa phương triển khai chậm

Cập nhật ngày: 16/09/2011 - 12:02

Trong tuần lễ từ ngày 12 đến 16.9.2011, Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn cùng lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn đã làm việc với các huyện, Thị xã trong tỉnh để kiểm tra tiến độ thực hiện Quyết định số 798/QĐ-UBND ngày 13.4.2011 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn năm 2011.

Thường trực BCĐ làm việc với UBND huyện Hoà Thành

Theo báo cáo của huyện Trảng Bàng, trên địa bàn huyện có hơn 10 ngành nghề nông thôn như: mây tre đan, rèn, bánh tráng, sản xuất đủa, sản xuất gạch, đan đát, mộc gia dụng, muối ớt, gây trồng sinh vật cảnh… Trong đó có một số làng nghề truyền thống như: làng nghề làm bánh tráng ở thị trấn Trảng Bàng; làng nghề lò rèn ở xã Gia Lộc; làng nghề mây tre đan ở xã An Hoà. Còn ở huyện Hoà Thành, cũng đang có hơn 10 ngành nghề nông thôn như: se nhang, may mặc, đan đát, đúc gang, muối ớt, bánh tráng, mộc gia dụng… Trong đó có một số làng nghề truyền thống như: đúc gang ở xã Trường Hoà, se nhang ở xã Long Thành Bắc, đan đát ở các xã Trường Tây, Long Thành Trung… Ở các huyện khác trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều ngành nghề nông thôn, trong đó có một số làng nghề truyền thống khác như làng nghề làm nón lá, làm nhôm ở thị xã Tây Ninh, làng nghề mộc gia dụng ở một số huyện, Thị xã. Trong những năm qua, các ngành nghề nông thôn đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn, đồng thời góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, nhiều địa phương chưa lập được đề án phát triển ngành nghề ưu tiên- thậm chí có địa phương chưa thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy hoạch. Từ đó, có nhiều ngành nghề đang có nguy cơ suy giảm do không có đủ nguyên vật liệu chính, đồng thời thị trường tiêu thụ bị hạn chế. Rõ nét nhất là nghề mây tre đan, hiện tại nguyên liệu mây tre trong tỉnh đang ít dần do quá trình đô thị hoá làm giảm diện tích trồng nguyên liệu tre, tầm vông. Nghề làm nón lá đang gặp khó khăn về nguyên liệu lá và thị trường tiêu thụ giảm (nhu cầu sử dụng nón lá đang ngày càng giảm). Nghề rèn cũng đang khó khăn do sản phẩm làm ra không tìm được thị trường tiêu thụ… Để góp phần giúp các ngành nghề nông thôn phát triển, các địa phương đề xuất tỉnh quan tâm quy hoạch và có chính sách phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các ngành nghề nông thôn- nhất là các làng nghề truyền thống.

Qua làm việc, Thường trực Ban chỉ đạo đã đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm, lập đề án phát triển các ngành nghề ưu tiên, lập chương trình bảo tồn và phát triển các nghề nông thôn, khẩn trương chọn và lập hồ sơ đề nghị xét công nhận làng nghề truyền thống.

Sắp tới, Thường trực Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục làm việc với các sở, ngành liên quan như: Sở KH&CN; Sở TN&MT; Sở Công thương; Sở LĐ-TB&XH để khảo sát tiến độ triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

Sơn Trần

 

 

 


 
Liên kết hữu ích