BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy hoạch phát triền ngành nghề nông thôn: Thực hiện chậm, người dân thiệt thòi

Cập nhật ngày: 30/11/2012 - 10:58

Đến nay, chỉ mới có huyện Hoà Thành là có tờ trình về việc lập hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống

Nghề mây tre đan ở huyện Hoà Thành được đề nghị công nhận nghề truyền thống. Ảnh: D. Thuý Trinh

(BTN) - Từ ngày 12 đến 16.11.2012, Sở NN&PTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh. Đoàn kiểm tra đã đến làm việc trực tiếp tại các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Hoà Thành và Thị xã. Qua kiểm tra cho thấy, một số ngành nghề nông thôn có sự phát triển so với trước, nhưng tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn nhìn chung  vẫn còn chậm so với kế hoạch.

Theo Sở NN&PTNT, tổng số hộ gia đình tham gia hoạt động các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện là 4.835 hộ với hơn 14.400 lao động đang làm việc. So với năm trước, số hộ gia đình tham gia hoạt động các ngành nghề nông thôn tăng 271 hộ và số lao động tăng hơn 3.000 người. Một số ngành nghề truyền thống có số hộ và số lao động tăng như: Nghề chế biến nông sản hiện có 1.550 hộ với gần 6.200 lao động tham gia- tăng hơn năm trước là 11 hộ và hơn 1.800 lao động; nghề sản xuất vật liệu, đồ gỗ hiện có 2.448 hộ tham gia với hơn 6.600 lao động- tăng hơn trước là 215 hộ và hơn 1.000 lao động. Tổng giá trị làm ra của các ngành nghề nông thôn trong năm ước khoảng hơn 740 tỷ đồng. Trong đó các ngành nghề chế biến nông sản có giá trị sản xuất cao nhất- ước khoảng 445 tỷ đồng, kế đến là nghề sản xuất vật liệu và đồ gỗ- ước khoảng 255 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh thì tiến độ thực hiện vẫn còn chậm. Về việc lập dự án ưu tiên đầu tư, đến nay chỉ có một số huyện như Hoà Thành, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Bến Cầu là đã có tờ trình xin chủ trương lập dự án theo quy hoạch của tỉnh. UBND tỉnh đồng ý chủ trương và giao cho các huyện này làm chủ đầu tư lập các dự án phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Cụ thể như ở huyện Trảng Bàng có các dự án: Xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch tại xã Gia Lộc; phát triển làng nghề bánh tráng Đôn Thuận; phát triển nghề mây tre ở 2 xã An Hoà, An Tịnh; bảo tồn và phát triển nghề bánh tráng Trảng Bàng truyền thống. Huyện Bến Cầu có dự án xây dựng mô hình trình diễn gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh xã An Thạnh. Huyện Dương Minh Châu có các dự án: Xây dựng mô hình trình diễn gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh ở xã Phan, Bàu Năng; xây dựng mô hình, sơ chế, bảo quản rau, củ, quả tại HTX sản xuất rau an toàn Bình An ở xã Suối Đá, xã Bàu Năng; dự án phát triển nghề bánh tráng tại xã Chà Là. Huyện Hoà Thành có các dự án: Phát triển ngành mây tre đan ở các xã Long Thành Nam, Long Thành Trung, Trường Đông, Trường Tây; xây dựng mô hình sản xuất nhang thành phẩm ở xã Long Thành Bắc; bảo tồn và phát triển nghề mộc ở xã Hiệp Tân. Như vậy, đến nay tuy đã có một số huyện được chủ trương lập các dự án ưu tiên đầu tư, nhưng toàn tỉnh vẫn chưa có dự án phát triển ngành nghề nông thôn được triển khai thực hiện.

Chằm nón lá ở thị xã Tây Ninh

Bên cạnh đó, cho đến nay, toàn tỉnh chỉ mới có huyện Hoà Thành là có tờ trình về việc lập hồ sơ đề nghị xét công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống. Cụ thể, huyện Hoà Thành đề nghị xét công nhận 4 làng nghề truyền thống là: Làng nghề mộc gia dụng tại ấp Hiệp An, xã Hiệp Tân; làng nghề se nhang tại ấp Long Tân, xã Long Thành Bắc; làng nghề đúc gang ở ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà và Làng nghề đan lát tại ấp Long Bình, xã Long Thành Nam. Trong khi đó, Phòng Nông nghiệp huyện Trảng Bàng đang hướng dẫn các xã An Hoà, Gia Lộc, Thị trấn tiến hành lập hồ sơ đề nghị xét công nhận các làng nghề bánh tráng Lộc Du; làng nghề rèn Lộc Trác; làng nghề mây tre An Lợi, Hoà Bình và Hoà Hưng... Tuy nhiên, do chưa hoàn chỉnh hồ sơ nên chưa có đề nghị xét công nhận. Còn hầu hết các huyện còn lại thì vẫn chưa lập hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề truyền thống.

Việc chậm lập hồ sơ công nhận làng nghề truyền thống đã khiến cho nhiều ngành nghề nông thôn bị thiệt thòi vì chưa đủ cơ sở pháp lý để tiếp cận được với các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển.

Sơn Trần