Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Quy hoạch tổng thể thị xã Tây Ninh và vấn đề kết nối đô thị liền kề
Chủ nhật: 06:12 ngày 15/04/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ thực tế khách quan tất yếu, xuất phát từ sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, cho thấy tiến trình đô thị hoá thị xã Tây Ninh không thể tách rời việc kết nối với đô thị liền kề là khu vực Hiệp Tân – thị trấn Hoà Thành của huyện Hoà Thành.

Thị xã Tây Ninh nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh, với những trục giao thông nối liền các khu trung tâm của nhiều huyện. Tuy nhiên nói đến “đô thị liền kề” với thị xã Tây Ninh, mọi người đều liên tưởng đến thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành. Bởi lẽ do điều kiện lịch sử, địa lý sẵn có, từ lâu nay gần như khu vực phía Bắc huyện Hoà Thành không hề tách rời thị xã Tây Ninh.

Nhìn lại tiến trình đô thị hoá thị xã Tây Ninh, chúng ta biết từ giữa thế kỷ trước, khi còn là vùng tạm chiếm của chế độ cũ, khu vực Thị xã cũ chỉ là một xã - xã Thái Hiệp Thạnh của quận Phú Khương (sau giải phóng là huyện Hoà Thành). Truy nguyên nguồn gốc địa danh Thái Hiệp Thạnh, chúng ta lại biết đó là “ba mảnh ghép” của ba xã Thái Bình, Hiệp Ninh, Ninh Thạnh của quận Châu Thành, một trong hai quận của tỉnh Tây Ninh thời Pháp thuộc. Gần đây hơn, đầu thập niên 2000, theo Nghị định số 49/2001/NĐ-CP ngày 10.8.2001 của Chính phủ, các xã phía Bắc của huyện Hoà Thành là Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Ninh Sơn, Tân Bình, Thạnh Tân và một phần xã Hiệp Tân được chia tách để mở rộng địa giới thị xã Tây Ninh, trở thành 2 phường và 4 xã mới của Thị xã ngày nay.

Về phía huyện Hoà Thành, trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, với sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, mở rộng các trục giao thông nối liền Thị xã với Hoà Thành như 30.4 nối dài – QL22B; Nguyễn Thái Học – Võ Thị Sáu – Phạm Văn Đồng; Lý Thường Kiệt – Phạm Hùng, cũng như các tuyến đường Hùng Vương, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh… từ thị trấn Hoà Thành đi các xã trong huyện Hoà Thành đã tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện.

Khu vực trung tâm hành chính huyện Hoà Thành

Đặc biệt, với việc thực hiện nâng cấp hệ thống giao thông khu vực “Bát quái” trung tâm thị trấn Hoà Thành và xây dựng Trung tâm thương mại Long Hoa (khu A-B), khiến cho hoạt động thương mại dịch vụ của thị trấn này vốn đã sung túc càng trở nên phong phú hơn. Đồng thời việc mở rộng, nâng cấp đường Lạc Long Quân, ranh giới Thị xã – Hoà Thành đã tạo điều kiện cho “làng nghề mộc” với hàng trăm cửa hàng dọc theo hai bên đường, thuộc địa bàn phường 4 và xã Hiệp Tân phát triển rất mạnh mẽ. Về thương mại, với tiềm năng sẵn có và sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp, hiện nay hầu hết các nhà phân phối lớn của nhiều lĩnh vực vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng… đều tập trung ở Hoà Thành với hoạt động kinh doanh mở rộng ra thị trường toàn tỉnh.

Từ thực tế khách quan tất yếu, xuất phát từ sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, cho thấy tiến trình đô thị hoá thị xã Tây Ninh không thể tách rời việc kết nối với đô thị liền kề là khu vực Hiệp Tân – thị trấn Hoà Thành của huyện Hoà Thành. Vấn đề này khi chính quyền thị xã Tây Ninh đưa ra lấy ý kiến các ngành chuyên môn của tỉnh đóng góp vào Quy hoạch tổng thể Thị xã, đã có nhiều ý kiến phân tích, đóng góp rất xác đáng.

Tiếp thu góp ý của các ngành, ở phần 2 “Đề xuất chỉnh sửa quy hoạch tổng thể thị xã Tây Ninh” trong Đồ án quy hoạch trình lãnh đạo tỉnh mới đây, đơn vị tư vấn (Hansen Partnership Pty Ltd và Trung tâm Kiến trúc miền Nam) có nêu (mục 5.7.12: Kết nối với các khu đô thị liền kề) như sau: “Hiện nay thị xã Tây Ninh và các chức năng đô thị của Hoà Thành hoạt động kiểu “đô thị song sinh” với chức năng cả cạnh tranh và dịch vụ. Việc cung cấp mối liên kết hiệu quả và kết nối giữa các khu vực này là cần thiết vì lợi ích của toàn bộ dân số tỉnh. Trong thị xã Tây Ninh kết nối hợp lý có hiệu quả với đường QL22B tạo ra kết nối tốt nhất và đường Võ Thị Sáu và CMT8 lại đóng một vai trò nhỏ hơn. Lý tưởng nhất là trục Nguyễn Thái Học – Võ Thị Sáu liên kết đóng vai trò quan trọng hơn, tuy nhiên giới hạn về chiều rộng sẽ ngăn cản khối lượng giao thông cao. Kết nối Bắc – Nam bị hạn chế bởi phải đi ngang qua Toà thánh Cao đài. Có thể thấy tuyến kết nối Bắc – Nam có thể cải thiện ở Hoà Thành bằng cách tạo chức năng đường chính ở phần kề của đường Lý Thường Kiệt và Phạm Hùng – với một ngã tư giao CMT8 trong thị xã Tây Ninh. Về lâu dài (2020 – 2050)  cải thiện đường Bắc - Nam ở Hoà Thành sẽ yêu cầu phần đông (dân cư, lưu lượng giao thông?- NV) của Toà thánh Cao đài nối với đường Điện Biên Phủ ở thị xã Tây Ninh, và với trung tâm hành chính tỉnh mới ở hành lang tăng trưởng Đông Bắc”.

Với phần mới bổ sung này, tuy còn khá sơ lược, nhưng chúng ta cũng thấy một gợi ý mở ra cho giai đoạn trước mắt cũng như về lâu dài. Cụ thể trước mắt là yêu cầu cần thiết phát huy vai trò trục Nguyễn Thái Học – Võ Thị Sáu nối liền Thị xã – Hoà Thành. Và lâu dài là cần phải có một trục liền kề (song song ?-NV) với trục Lý Thường Kiệt – Phạm Hùng (Ca Bảo Đạo cũ) và mở rộng đường Điện Biên Phủ (lộ Bình Dương cũ) để nối liền đô thị liền kề (Hoà Thành) với trung tâm hành chính tỉnh mới ở hành lang tăng trưởng Đông Bắc. Đây là một đề xuất hợp lý, dựa trên thực tiễn đô thị hoá của Thị xã lẫn Hoà Thành nhiều năm qua, cũng như phù hợp với hướng phát triển trong tương lai của đô thị Tây Ninh. Để phát triển ý tưởng này, thiết nghĩ cũng như Thị xã, huyện Hoà Thành cần có quy hoạch tổng thể mới phù hợp, tương ứng. Đồng thời, về phía tỉnh cũng cần có sự đầu tư, hỗ trợ thích đáng để tạo điều kiện Hoà Thành đẩy mạnh đô thị hoá. Bởi lẽ đối với “con song sinh” thì tất yếu phải có sự yêu thương, san sẻ “cho đồng”.

NGUYỄN TẤN HÙNG

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục