BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tây Ninh: 4 trục, 3 lớp phát triển kinh tế

Cập nhật ngày: 09/07/2012 - 05:54

(BTNO) – Từ nay đến năm 2030, Tây Ninh sẽ là vùng phát triển kinh tế tổng hợp: công nghiệp công nghệ cao, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ - du lịch, giáo dục đào tạo và nông – lâm – ngư nghiệp xoay quanh các đô thị hạt nhân cấp tỉnh, cấp khu vực, các đô thị cửa khẩu. Hành lang phát triển kinh tế tỉnh sẽ được hình thành bởi 04 trục phát triển chủ đạo hướng Bắc Nam tạo thành 03 lớp không gian phát triển kinh tế: Không gian phát triển kinh tế biên giới; Không gian phát triển hành lang kinh tế quốc lộ 22B – Quốc tế; Không gian phát triển hành lang kinh tế ĐT 793 – ĐT 785. Đây là mô hình phát triển vùng được đưa ra trong Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ được UBND tỉnh trình tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh, dự kiến khai mạc vào ngày 9.7 tới.

Lòng hồ Dầu Tiếng

Theo đó, đến năm 2030, vùng tỉnh Tây Ninh là một vùng đô thị có vị thế kinh tế - văn hoá quan trọng ngày càng phát triển của cả nước; là một vùng kinh tế tổng hợp gắn liền với 02 khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát. Tiềm năng phát triển công nghiệp đa ngành, định hướng xuất khẩu với lợi thế khung giao thông và biên giới. Vùng tỉnh Tây Ninh còn là vùng phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp, trồng rừng, thế mạnh cây công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản gắn với lòng hồ Dầu Tiếng; là một khu vực phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi, chất lượng sống đô thị và nông thôn cao, môi trường tự nhiên bền vững.  

Vùng phát triển động lực kinh tế được phân thành 3 vùng. Vùng 1 (vùng phía Bắc) gồm 4 huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Dương Minh Châu với hạt nhân là Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát. Vùng 2 (vùng trung tâm) gồm Thị xã, huyện Hoà Thành với đô thị động lực chủ đạo là thị xã Tây Ninh. Vùng 3 (vùng phía Nam) gồm 3 huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu trên hệ thống khung cao tốc – đường Xuyên Á, hạt nhân là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Khung quy hoạch toàn vùng là trục hành lang phát triển Bắc Nam (hành lang QL 22B, ĐT 796, ĐT 793, ĐT 785, đường sắt cao tốc dự kiến) và các trục Đông Tây (QL 22, QL 14C, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Mộc Bài – TP. Hồ Chí Minh, đường Xuyên Á, ĐT 781, ĐT 782, đường sắt cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài) nối các đô thị trung tâm tỉnh tới các huyện, xã, tới các trung tâm kinh tế thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng TP. Hồ Chí Minh và gắn kết các nước trong khu vực.

Vùng tỉnh Tây Ninh phát triển theo mô hình tập trung đa cực, hình thành những trung tâm phát triển tập trung cao để tạo động lực phát triển kinh tế cho cả tỉnh, gồm:

Chùm đô thị Tây Ninh – Hoà Thành với chức năng là trung tâm hành chính – chính trị, thương mại, dịch vụ du lịch – giáo dục đào tạo của tỉnh, của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chùm đô thị Mộc Bài – Trảng Bàng - Phước Đông Bời Lời với chức năng là trung tâm công nghiệp công nghệ cao – kinh tế cửa khẩu, dịch vụ thương mại quốc tế.

Xây dựng khu dân cư biên giới

Chùm đô thị Xa Mát – Tân Biên với chức năng là trung tâm du lịch sinh thái đặc sắc gồm Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, rừng đặc dụng Chàng Riệc, khu kinh tế cửa khẩu thương mại quốc tế Xa Mát.

Chùm đô thị Dương Minh Châu – Tân Châu với chức năng là đô thị du lịch sinh thái, là trung tâm dịch vụ du lịch, thương mại của vùng và khu vực gồm hồ Dầu Tiếng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng bảo vệ đầu nguồn.

Về định hướng phát triển hệ thống đô thị, đô thị trung tâm là Thị xã Tây Ninh sẽ được phát triển thành đô thị loại II – thành phố trực thuộc tỉnh với mô hình “ECO kép” (kinh tế - sinh thái). Bên cạnh đó còn có 4 đô thị loại III gồm đô thị mới Mộc Bài (gồm Khu thương mại đô thị cửa khẩu Mộc Bài và thị trấn Bến Cầu), đô thị Trảng Bàng, đô thị Phước Đông Bời Lời và thị trấn Hoà Thành.

7 đô thị loại IV gồm thị trấn Gò Dầu, thị trấn Tân Châu, thị trấn Tân Biên, thị trấn Dương Minh Châu, thị trấn Bình Thạnh, thị trấn Chà Là, đô thị cửa khẩu Xa Mát.

7 đô thị loại V gồm thị trấn Châu Thành, thị trấn Tân Hưng, thị trấn Tân Hoà, đô thị cửa khẩu Kà Tum, đô thị cửa khẩu Phước Tân, đô thị cửa khẩu Chàng Riệc, đô thị cửa khẩu Vạc Sa.

Đ.H.T