Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quý I.2020 tổng diện tích gieo trồng tăng 

Cập nhật ngày: 09/04/2020 - 10:22

BTNO - Tình hình sản xuất trồng trọt ở Tây Ninh trong 3 tháng đầu năm 2020 tương đối ổn định, các cây trồng chính sinh trưởng, phát triển tốt.

So với cùng kỳ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân 2019-2020 là 111.580 ha, đạt 92% kế hoạch vụ, tăng 3,9%. Trong đó, diện tích gieo trồng một số loại cây như mì, rau các loại, đậu các loại… đều tăng nhẹ.

Thu hoạch ổi tại thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu.

Trong 3 tháng đầu năm, tình hình dịch hại trên các loại cây trồng phát sinh ở mức nhiễm nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng. Tuy nhiên, bệnh khảm lá khoai mì tiếp tục phát sinh gây hại mới 21.822 ha mì, nhưng ở mức nhiễm nhẹ; bệnh sâu keo trên cây bắp cũng phát sinh gây hại gần 414 ha bắp nhưng đã được phòng trừ kịp thời, mật số sâu bệnh ở mức nhiễm nhẹ.

Tình hình chăn nuôi ổn định. Giá sản phẩm chăn nuôi như trâu, bò ổn định, giá heo hơi vẫn còn ở mức cao và ít biến động; tuy nhiên, giá gà thịt công nghiệp và vịt thịt không ổn định, giảm mạnh.

Diện tích nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 45,4 ha, đạt 5,97%; sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 21.560,7 tấn, đạt 14,12% so với kế hoạch. Tình hình chăn nuôi gia súc ổn định, dịch bệnh nguy hiểm không xảy ra trên diện rộng.

Từ đầu mùa khô năm 2019 – 2020 đến nay đã xảy ra 6 vụ cháy rừng trồng với tổng diện tích bị cháy là 6,3 ha và 9 trường hợp cháy thực bì dưới tán, cây chồi tái sinh, le, trảng cỏ với tổng diện tích bị cháy là 3,3 ha. Trong quý I, xảy ra 15 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, giảm 12 vụ so với cùng kỳ; điều tra, xác minh xử lý hành chính 14 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; lập biên bản và xử lý 2 trường hợp lấn chiếm rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Tân Châu.

Chăm sóc chuối già Nam Mỹ xuất khẩu tại huyện Tân Biên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn 3 tháng đầu năm vẫn còn có những mặt hạn chế như: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ một số nông sản trong những tháng đầu năm gặp khó khăn, đặc biệt là các nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như chuối, mít, hạt điều, mì, cao su, đường; sâu bệnh gây hại cây trồng vẫn còn xảy ra như bệnh khảm lá khoai mì, sâu keo trên bắp; bệnh dịch tả heo châu Phi mặc dù các huyện đã công bố hết dịch nhưng nguy cơ xảy ra dịch bệnh còn cao; các trường hợp vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và lĩnh vực an toàn thực phẩm vẫn còn…

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu như: Theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng chủ lực ở địa phương, hướng dẫn nông dân phòng trừ; xây dựng và củng cố hệ thống dự tính, dự báo dịch hại; tiếp tục triển khai thực hiện phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS trên các loại cây ăn quả; thành lập các nhóm nông dân chuyên sản phẩm; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh…

Vũ Nguyệt