Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo các quốc gia châu Á nên nhìn vào kinh nghiệm của Nhật Bản và sớm hành động để đối phó với tình trạng già hóa dân số.
|
Các cụ già Nhật Bản tập thể dục nhân "Ngày vì người già" ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản năm 2016 - Ảnh: Reuters |
Báo cáo về viễn cảnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của IMF công bố ngày hôm nay (9-5) cảnh báo: dân số già đang trở thành thách thức không chỉ ở các quốc gia đã phát triển, mà ở cả những nước đang phát triển của châu Á.
Trong vài thập kỷ qua, châu Á đã hưởng lợi rất lớn từ dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào nhưng tình trạng già hóa đang diễn ra nhanh chóng, khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng "già trước khi giàu".
"Già hóa đang là thách thức đặc biệt đối với các quốc gia châu Á. Trong khi mức thu nhập bình quân đầu người tại một số khu vực còn thấp thì tại nhiều khu vực, dân số đang già đi nhanh chóng", IMF ghi nhận.
Đến trước năm 2050, tỉ lệ tăng dân số tại châu Á được dự báo sẽ rơi xuống con số 0 tròn trĩnh; số người từ 65 tuổi trở lên sẽ gấp 2,5 lần tỉ lệ hiện tại; tỉ lệ người đang trong độ tuổi lao động sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong vài thập kỷ tới.
Trong đó, Nhật Bản là quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tình trạng già hóa dân số, cả trong hiện tại và tương lai. Quốc gia này đã mất 7% lực lượng lao động trong vòng 2 thập kỷ qua, báo cáo của IMF cho biết.
Tỉ lệ người sống dựa vào lương hưu cao ở Nhật Bản là một trong những nguyên nhân đằng sau thực trạng tiết kiệm quá mức và đầu tư thấp của quốc gia này.
Nó đang tác động tới tăng trưởng của nền kinh tế và góp phần vào việc giữ lạm phát dưới mức 2% theo mục tiêu do Ngân hàng trung ương Nhật Bản đặt ra.
"Kinh nghiệm và những bài học từ Nhật Bản đã cho thấy nhân khẩu học có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng, lạm phát và hiệu quả của chính sách tiền tệ như thế nào".
IMF kêu gọi các quốc gia châu Á khác nên nhìn vào Nhật Bản và đối phó sớm trước những biến chuyển trong nhân khẩu học bằng cách kế hoạch như thúc đẩy sự lao động của nữ giới và người cao tuổi, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội...
Việt Nam được xếp vào nhóm dân số đang già hóa chậm cùng với Malaysia, theo IMF. Theo dự đoán của tổ chức này, đến năm 2050, tỉ lệ người trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào mức khoảng 34,1% so với dân số trong độ tuổi lao động, đứng thứ 9 châu Á. Đứng đầu là Nhật Bản với 70,9%. |
Nguồn tuoitre.vn