BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quy ra giá gạo để bồi thường thiệt hại 

Cập nhật ngày: 09/05/2017 - 19:35

BTNO - TAND tỉnh Tây Ninh vừa mở phiên toà sơ thẩm, xét xử bị cáo Lâm Văn Bé (Kim Koy, sn 1944, trú tại khu phố 3, phường I, TP.Tây Ninh), bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

HĐXX sơ thẩm đã tuyên mức án 1 năm 4 tháng 3 ngày tù, đúng với thời gian mà bị cáo đã chấp hành và trả tự do cho bị cáo Lâm Văn Bé vì bị cáo đã chấp hành xong hình phạt; đồng thời buộc bị cáo tiếp tục bồi thường số tiền gần 125 triệu đồng.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 1991-1992, Lâm Văn Bé đã ký kết với Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh nhận thầu thi công nhiều hạng mục công trình, gồm hợp đồng lắp đặt trung tâm oxy hút đàm, hợp đồng mua bán máy lạnh, công trình xây dựng vườn hoa, hợp đồng sửa chữa các phòng, khoa của bệnh viện...

Quá trình thực hiện, Bé thấy được sự quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra của Ban Giám đốc bệnh viện nên kê tăng giá vật tư và kê khống khi lắp đặt thiết bị với số tiền gần 50 triệu đồng.

Bị cáo Lâm Văn Bé được trả tự do tại toà.

Năm 1993, Lâm Văn Bé bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền gần 50 triệu đồng do kê giá thành không có chứng từ chứng minh trong hợp đồng lắp đặt trung tâm oxy và lắp đặt máy lạnh (Khi bị bắt, bị cáo Bé đã hoàn trả 5,6 triệu đồng, còn thiếu hơn 44 triệu đồng).

Sau khi bị tạm giam được 1 năm 6 ngày, Bé được Viện KSND tỉnh Tây Ninh cho tại ngoại, chờ xử lý. Do sợ bị xử tội nặng, đến cuối năm 1994, Bé bỏ trốn và nhập quốc tịch Campuchia, sống cùng gia đình.

Ngày 7.12.1994, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tây Ninh ra quyết định truy nã đối với Lâm Văn Bé. Đến ngày 10.1.2017 bị cáo Lâm Văn Bé bị bắt.

Tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Phía đại diện cho BVĐK Tây Ninh cũng mong HĐXX xem xét, khoan hồng cho bị cáo.

HĐXX đã tuyên mức án 1 năm 4 tháng 3 ngày tù đúng với thời gian mà bị cáo đã chấp hành. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 01/ TTLT/ 1997 của TAND tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp – Bộ Tài chính về hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản, bị cáo buộc phải tiếp tục bồi thường cho nhà nước số tiền còn lại gần 125 triệu đồng (số tiền bị cáo chiếm đoạt hơn 44 triệu đồng được quy ra giá gạo thời điểm 1991-1993 là 2.810 đồng/kg, tương đương 15.781 kg gạo. Tính theo giá gạo hiện tại 11.000 đồng/kg là 173.591.000 đồng).

Về phần bồi thường, HĐXX đã áp dụng Thông tư liên tịch số 01/ TTLT/ 1997 của TAND tối cao- Viện KSND tối cao- Bộ Tư pháp- Bộ Tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản.

Tại điểm a khoản 1: “Nếu việc gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ dân sự xảy ra trước ngày 1.7.1996 và trong thời gian từ thời điểm gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ đến thời điểm xét xử sơ thẩm mà giá gạo tăng từ 20% trở lên, thì Toà án quy đổi các khoản tiền đó ra gạo theo giá gạo loại trung bình ở địa phương (từ đây trở đi gọi tắt là "giá gạo") tại thời điểm gây thiệt hại hoặc phát sinh nghĩa vụ, rồi tính số lượng gạo đó thành tiền theo giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm để buộc bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán và chịu án phí theo số tiền đó.

Ví dụ: Tháng 1.1995 xảy ra việc tham ô khoản tiền 1 triệu đồng. Nếu tháng 10.1996 xét xử sơ thẩm và giá gạo trong thời gian này đã tăng quá 20%, thì Toà án phải quy đổi 1 triệu đồng ra gạo theo giá gạo vào tháng 1.1995. Giả định giá gạo vào tháng 1.1995 là 2.000 đồng/kg, thì số lượng gạo được quy đổi là 500 kg (1 triệu đồng: 2000 đồng/kg). Giả định giá gạo tại thời điểm xét xử sơ thẩm vào tháng 10.1996 là 4.000 đồng/kg, thì trong phần quyết định của bản án, Toà án buộc người bị kết án về tội tham ô phải bồi thường số tiền là 2 triệu đồng (500 kg x 4.000 đồng/ kg = 2 triệu đồng), phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 100.000 đồng (5% x 2 triệu đồng) = 100.000 đồng)”.

Lê Hùng