Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Không quá xa cho một chuyến đi nhưng cũng chẳng phải gần để thấy bình thường, dễ dãi. Tây Giang hoang sơ và đầy quyến rũ khiến lữ khách không khỏi xuýt xoa khi đến vùng đất này.
Trải nghiệm
Giống một số huyện miền núi của tỉnh, Tây Giang sở hữu khá nhiều tài nguyên thiên nhiên và văn hoá độc đáo. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những danh lam thắng cảnh thơ mộng. Đó là dòng sông Bung, sông A vương, suối Tr’lêê, thác Nal, thác R’cung, thác Agrầng, rừng pơmu, đồi Aruung, ruộng bậc thang Chuôr cùng bao khe suối gấp khúc tạo nên những thác ghềnh tuyệt đẹp. Đặc biệt, với diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn và vị trí đặc thù, độ cao trên 1.580m, khí hậu quanh năm mát mẻ, Tây Giang được ví như Sa pa, Bà Nà hay Đà Lạt ở miền Trung. Mùa hè, nhiệt độ xuống thấp hơn các vùng đồng bằng miền xuôi từ 8 - 10 độ, mỗi sáng sớm chiều muộn núi rừng luôn được bao phủ một lớp sương mù nhẹ, khiến không gian thêm bảng lảng trong cái se sắt của núi rừng.
Thác R’cung đầy quyến rũ. |
Khám phá Tây Giang còn là sự trải nghiệm những giá trị lịch sử, văn hoá đặc trưng của đồng bào, được các thế hệ người Cơ Tu lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đó là kiến trúc nhà làng, điêu khắc chạm trổ. Những nghề truyền thống gắn với đời sống nông nghiệp, nương rẫy của cộng đồng còn hiện diện rõ nét tại các ngôi làng văn hoá như Pơning, Tàval, R’cung, Agrầng I hay làng du lịch Pơmu, làng truyền thống văn hoá Cơ Tu của huyện… Đến Tây Giang vào những ngày lễ hội, du khách sẽ cảm nhận được sắc màu trang phục truyền thống độc đáo của đồng bào, đắm chìm trong những vũ điệu cồng chiêng, tâng tung da dá, hoà mình vào không khí vui nhộn của làng. Hơn thế nữa, khách còn được thưởng thức các món ăn truyền thống mang hương vị núi rừng như: cơm lam, bánh sừng trâu, cà-đang (sùng đất), zará (thịt cộng với rau rừng thọc nhuyễn trong ống lồ ô) hay thịt nướng đậm đà mùi vị tiêu rừng. Du khách có thể ngất ngây trong men rượu tr’đin, tà vạt và đắm say nồng nàn trong câu hát baboóch, bh’noóch (dân ca, hát lý) bềnh bồng theo mây gió giữa núi rừng…
Triển vọng điểm đến mới
Với khí hậu ôn hoà, Tây Giang mang đến cho khách cảm giác dễ chịu sảng khoái. Những điểm đến như thác nước R’cung, thác Nal, rừng di sản pơmu… sẽ khiến lữ khách ngạc nhiên trước vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên và sự kỳ công của tạo hoá. Đặc biệt, chinh phục rừng di sản pơmu chính là thách thức đầy hấp dẫn cho bất kỳ du khách nào. Giữa không gian rộng lớn của núi rừng, của những thân cây to đến vài vòng tay, cao ngút ngàn, phủ đầy rêu mốc, con người bỗng trở nên bé nhỏ. Trải nghiệm Tây Giang cũng giúp khách sống lại với ký ức lịch sử dân tộc, nơi những di tích vẫn còn nguyên vẹn dưới tán rừng già dù thời gian và cuộc chiến đã lùi sâu vào quá khứ. Những cái tên như địa đạo Axoò, đồn T’râm, đường Hồ Chí Minh… gợi nhớ về một thời gian khó nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc.
Đã có vài dự án về phát triển du lịch được huyện Tây Giang triển khai nhằm đánh thức tiềm năng của núi, như du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, sinh thái, văn hoá, lịch sử… Bước đầu, các dự án đã thu hút một số doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư, hứa hẹn về một điểm đến mới sẽ xuất hiện trên bản đồ du lịch Quảng Nam. Thực tế, dù lượng khách tham quan còn ít ỏi nhưng cái tên Tây Giang vẫn gợi sự tò mò cho nhiều người, nhất là các “phượt thủ”. Còn với huyện Tây Giang, việc xác định du lịch là một trong những điểm nhấn của địa phương trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội không chỉ là cách tiếp cận đúng đắn mà còn giúp bảo tồn hiệu quả bản sắc văn hoá bản địa, hướng đến mục tiêu xoá đói giảm nghèo. Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL kỳ vọng: “Nếu hạ tầng giao thông thuận lợi, dịch vụ tốt, nguồn nhân lực đảm bảo, cộng với sự hợp tác giữa các bên liên quan, chắc chắn Tây Giang sẽ là điểm sáng trong bức tranh du lịch phía tây của tỉnh”.
Dù chặng đường phía trước vẫn còn dài để Tây Giang “toả sáng”, nhưng điều đó sẽ không hề ngăn cản niềm đam mê, chinh phục của những ai muốn tìm kiếm một không gian khác lạ, tránh xa những ồn ào phố thị. Hay đơn giản, chỉ thoả sức rong ruổi trên những cung đường núi gập nghềnh, uốn lượn dưới chân dãy Trường Sơn, hoặc trải nghiệm hương vị của chén rượu mềm môi bên ánh lửa gươl làng giữa cái se lạnh về đêm của Tây Giang. Còn chần chờ gì nữa, hãy đi và cảm nhận.
Nguồn: Báo Quảng Nam