Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Quyến rũ cồn Phụng
Thứ ba: 04:04 ngày 14/10/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Cồn Phụng còn có tên là cồn Tân Vinh, là một cù lao nổi giữa sông Tiền với diện tích hơn 30.000 mét vuông, thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Tương truyền rằng khi ông Nguyễn Thành Nam, sinh năm 1909, đến đây xây dựng chùa Nam Quốc Phật, lượm được một cái chén cổ, có hình con chim Phụng, từ đó, nhiều người gọi tên là cồn Phụng. Từ nhiều năm nay, cồn Phụng trở thành điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Chuyền ghe lên cồn.

Từ thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), qua cầu Rạch Miễu, quẹo phải là đến cồn Thới Sơn. Tại đây, có nhiều cô gái mặc trang phục bà ba, đội nón lá cười tươi tắn, chào mời, hướng khách vào khu du lịch cồn Thới Sơn. Chúng tôi cho xe ô tô chạy chầm chậm theo một nữ hướng dẫn viên du lịch tên Thảo, trạc 40 tuổi. Chị Thảo hướng dẫn chúng tôi chỗ đỗ xe ô tô và gọi điện thoại “điều” đến hai chiếc xe ngựa. Xe ngựa ở đây gần giống như xe ngựa được dùng chuyên chở khách ở khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh nhưng ngựa và xe đều không đẹp bằng. Đi được khoảng 1km, xe ngựa dừng lại ở một ngã ba. Từ ngã ba này, chúng tôi đi theo một con đường mòn nhỏ, hai bên là vườn cây ăn trái, xanh um, mát rượi. Nhiều nhất là dừa xiêm thấp, lùn, trái sai oằn.

Tại bến đò sang cồn Phụng có một quán giải khát với đặc sản trà mật ong. Nhân viên phục vụ cẩn thận rót trà vào những chiếc ly nhỏ, rồi pha vào một ít mật ong, bột phấn ong và nước trái tắc. Trong lúc pha trà, động tác của cô nào cũng chậm rãi, nhẹ nhàng, như đang trình diễn nghệ thuật trà đạo. Không hiểu do cách pha trà hay do mật ong, phấn ong, mà trà ở đây thơm ngây ngất đến lạ. Chỉ cần nhắm nửa ly cũng đủ tan biến đi bao nhiêu mệt mỏi sau cuộc hành trình dài. Tại đây, sau khi xem người dân địa phương thu hoạch dừa xiêm, chúng tôi cùng nhau mua sắm các món hàng mỹ nghệ tinh xảo được làm từ nguyên liệu dừa và xem cách người ta nuôi ong lấy mật. Những ai có nhu cầu bồi bổ sức khoẻ, có thể mua những chai mật ong, phấn ong hay sữa ong chúa nguyên chất đem về nhà dùng.  

Trên cồn, chúng tôi còn được trực tiếp xem những người thợ đang làm nghề thêu tay, sản xuất kẹo dừa và được mời thưởng thức miễn phí kẹo dừa mới ra lò còn nóng hổi. Nếu ai yêu thích món đặc sản nổi tiếng này thì cứ sang quầy hàng bên cạnh mua hàng chục sản phẩm với nhiều mẫu mã, hương vị khác nhau. Theo quan sát của tôi, sau khi nếm thử món kẹo dừa mới ra lò ngọt lịm, hầu hết du khách đều mua hàng chục bịch mang về làm quà tặng bạn bè, người thân.

Trên cồn Phụng cũng có trò chơi cảm giác mạnh như câu cá sấu, hoặc bước đi trên chiếc cầu tre dài hàng chục mét nằm vắt vẻo ngang mặt hồ nước rộng. Có đủ các món ăn miền sông nước miệt vườn như: cá tai tượng chiên xù, bánh xèo, xôi chiên phồng, gà nướng lu, đuông dừa chiên bơ với hệ thống nhà hàng thuỷ tạ, nhà hàng sân vườn, nhà hàng ven sông... Qua khỏi khu vực ăn uống, giải trí, là đến một nhà trưng bày. Trong đó đang lưu giữ cặp ngà voi lớn nhất Việt Nam- cao 2,3 mét, nặng 60kg do tín đồ tặng đạo Dừa vào đầu thập niên 70. Trong nhà trưng bày còn có những di ảnh của nhiều nhân vật có tên tuổi lớn của quê hương Bến Tre như cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, nhà bác học Trương Vĩnh Ký, nhà chí sĩ Phan Thanh Giản, nữ tướng Trương Thị Định.

Điểm nhấn của cồn Phụng là di tích kiến trúc của thủ phủ đạo Dừa. Khu di tích này được xây dựng từ thập niên 60 thế kỷ trước. Công trình có kết cấu rất lạ và có phần khó hiểu. Chính giữa khu di tích là sân rồng, có 9 trụ cột, mỗi cây cao khoảng 4 mét. Trên thân mỗi cây cột đều có hình con rồng, tượng trưng cho 9 cửa sông Cửu Long. Trong đó, chỉ có một con rồng đực (đuôi xoè ra) ở chính giữa, xung quanh là 8 con rồng cái có đuôi cong lên đang làm duyên. Sân rồng là nơi hàng ngàn đệ tử quỳ cầu nguyện mỗi ngày để nghe thuyết giáo.

Phần khó hiểu nhất là ở khu vực tháp Hoà Bình. Tháp cao khoảng 15 mét, tầng dưới thiết kế giống như hang động. Cạnh đó có hai cột bê tông lớn, cao khoảng 15m. Trên thân cột sơn những hàng chữ theo chiều đứng, với nội dung “Đại Nam quốc sơn hà nam đế cư”, “Miền nam Sài Gòn”. Trên đỉnh mỗi cột có chiếc ghế ngồi là nơi ông đạo Dừa Nguyễn Thành Nam từng ngồi hướng mặt ra phía biển cầu nguyện. Hai đỉnh cột được kết nối với nhau bởi chiếc cầu sắt và có một chiếc cầu thang nhỏ dẫn từ tầng hai của tháp Hoà Bình lên đỉnh cột “miền Nam”. Tất cả công trình đều xây dựng trên trụ bê tông vững chắc và hợp thành một quần thể kiến trúc khá tinh xảo.

  Chúng tôi đã gặp một phụ nữ tu theo đạo Dừa. Đó là bà Hạnh, năm nay 76 tuổi- một người dân địa phương. Bà Hạnh mặc trang phục nâu sồng, tóc bới cao, ngồi xếp bằng trên chiếc ghế đá, tay cầm quyền kinh chăm chú đọc. Thấy có người chụp ảnh, bà ngưng kinh kệ, bước ra trò chuyện. Theo lời kể, hơn 30 năm tu theo đạo Dừa, hằng ngày bà chỉ uống nước dừa và ăn cơm dừa. Vì ăn uống như thế nên thân thể bà tiều tuỵ, gương mặt hốc hác, răng đã rụng hết. Để chứng minh cho những lời vừa nói, bà Hạnh lấy trong bóp cầm tay ra cho chúng tôi xem tấm hình chân dung của bà hơn 30 năm trước, khi gương mặt của bà còn đầy đặn, khác xa bây giờ.             

Không rõ ông Nguyễn Thành Nam- người sáng lập ra đạo Dừa qua đời năm nào. Chỉ thấy trên chiếc lư hương lớn, đặt tại cổng vào khu vực hành đạo, có khắc ảnh và lai lịch vắn tắt của ông: “Cậu hai Nam Nguyễn Thành. Năm 1928-1935 du học Pháp quốc, tại trường cao đẳng hoá học vật chất ở Lyon Caen Rouen. Sau ba năm thành tài để làm gì? Năm 1935-1945, về xứ, lên Thất Sơn huyền bí tìm giải pháp hoà bình thiên định theo lý số âm dương “bất chiến bất bạo động”. Năm 1947-1972 làm hoà bình. Từng vào tù ra khám, song chẳng sờn lòng trì chí dũng đạo đức thống nhất Việt Nam, sống chung theo cơ thiên định. Quyền thiên nhơn lãnh đạo thích Hoà Bình”. Cũng trên thành chiếc lư hương có hình và lai lịch của người kiến trúc sư xây dựng nên thánh địa của đạo Dừa: “Nhà kiến trúc kiêm cẩn khắc gia lỗi lạc- tu sĩ Huỳnh Văn Đại…”. Toàn bộ chiếc lư hương lớn này được đặt trên lưng thần Kim Quy, miệng ngậm lưỡi gươm thần.

Khi chúng tôi rời khu kiến trúc của đạo Dừa trời cũng đổ mưa to, vì thế, những chương trình tiếp theo như chèo xuồng trên rạch, thưởng thức trái cây tươi ngon và nghe đờn ca tài tử Nam bộ... đành phải bỏ lỡ. Nhiều năm qua, khu du lịch cồn Phụng được bình chọn là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với cách làm du lịch theo kiểu sinh thái kết hợp lịch sử khá hấp dẫn, trong tương lai, cồn Phụng sẽ còn là điểm đến thu hút nhiều du khách.

Đại Dương

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục