Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quyến rũ hồ Thoại Sơn

Cập nhật ngày: 01/09/2014 - 10:58

Nét độc đáo tại đây là sự kết hợp hài hoà giữa hoang sơ nguyên thuỷ của đất trời hoà với sự hùng vĩ đầy bí ẩn của thiên nhiên đã làm cho KDL trở nên hấp dẫn lạ thường. Thật hiếm hoi trong xu thế tấc đất tấc vàng đang ngày càng đô thị hoá nông thôn nhưng nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính riêng của mình.

Cầu Vọng Nguyệt.

Du khách có thể thả hồn trên những chú thiên nga để chiêm nghiệm quá trình khai sơn mở cõi của ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu ) để nhớ về vùng đất phương Nam xưa đầy gian nan vất vả. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều người dừng lại thật lâu bên tượng đài ông Thoại cao sừng sững dưới chân núi Thoại Sơn như một lời tri ân và sự tôn vinh công đức của bậc tiền nhân.

Tương truyền núi này trước đây có tên là núi Sập, sau này, để ghi nhớ công lao to lớn của Thoại Ngọc Hầu, triều đình Nguyễn mới đổi tên là Thoại Sơn, con sông chảy qua đất này đặt tên là Thoại Hà, và địa danh huyện Thoại Sơn bây giờ cũng bắt đầu từ nguồn gốc lịch sử vừa nêu. Cái hồ dưới chân núi được gọi là hồ Thoại Sơn (hay còn gọi là hồ Ông Thoại).

Nét riêng của KDL này là có nhiều tượng đá mang dáng dấp, hình tượng về các sự tích, sự kiện biểu trưng sự kiên trì nhân ái, nhân văn. Nếu như cầu Mai An Tiêm và các pho tượng là biểu tượng cho sự cần cù lao động, sự kiên nhẫn dẫn đến thành công, thì cầu Vọng Nguyệt khá hoành tráng và xinh đẹp bắc qua lòng hồ như một điểm xuyết nổi bật giữa đất trời. Còn cầu Khoa Bảng biểu thị cho truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.

Nếu rảnh một chút, du khách có thể chiêm nghiệm ý thơ lời ngọc trong Văn bia Thoại Sơn như một chứng tích lịch sử hiếm hoi còn sót lại. Bia này có chiều cao 3 m, ngang 1,2 m, dày khoảng 20 cm, mặt bia chạm 629 chữ do Thoại Ngọc Hầu cho khắc dựng vào năm 1822.  Ðây là di tích đánh dấu việc khơi thông con kênh Thoại Hà từ núi Sập tới Rạch Giá dài trên 30 km, giúp ích rất nhiều trong vận chuyển đường thuỷ và dẫn thuỷ nhập điền, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Bia Thoại Sơn là một trong những bia ký nổi tiếng dưới chế độ phong kiến còn lưu lại đến ngày nay. Mạo hiểm hơn thì mọi người có thể ngược lên đỉnh núi Sập để ngắm nhìn nhiều ngôi chùa cổ kính mang theo bao câu chuyện huyền thoại như: Hang Dơi, Chùa Sư Hương, Sư Viên…

Em Võ Thị Kiều Nga, sinh viên Trường Ðại học Tây Ðô, cho biết, em rất thích đến đây bởi không khí dịu mát, núi non hùng vĩ, mặt hồ nên thơ, có nhiều trò chơi giải trí để thư giãn, từ đó sẽ giúp mình thoải mái hơn.

Bà Thạch Uông, người buôn bán tại KDL, cho biết thêm: “Vào các ngày lễ, ngày nghỉ, nhất là ngày Tết, số lượng người đến đây tăng đột biến, họ thích leo núi, viếng chùa, hái lộc, cầu nguyện đầu năm lắm”.

Một góc hồ.

Ðiều đáng quý là lòng hồ vẫn giữ gần như nguyên vẹn vẻ mộc mạc, đơn sơ hoà quyện với các ngọn núi đá vôi cổ kính thẳng đứng tạo sự hấp dẫn rất nhiều cho du khách. KDL hồ Thoại Sơn, nơi đang sở hữu nhiều yếu tố về thiên thời địa lợi, đã và đang mở ra tiềm năng phát triển ngành du lịch, nhất là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái. Ðến đây mọi người cảm thấy phấn khởi, nghe lòng nhẹ tênh trong khung cảnh thơ mộng của đất trời, sông nước mênh mang./.

Nguồn Báo Cà Mau