Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Vượt hơn trăm cây số với dự định được đi qua hầm đèo Cả, hầm đường bộ dài thứ hai trong nước, nhưng đoàn chúng tôi không may mắn, khi đường hầm này chưa thông xe. Vậy là cả đoàn đành vòng lại, vượt đoạn đèo Cả dài hơn 12 km để đến Phú Yên.
Đường hầm qua đèo Cả. |
Đến địa phận Phú Yên, dọc con đường quốc lộ quanh co giữa một bên là núi, bên kia là biển, từ xa đã thấy ngọn hải đăng Mũi Điện (hay còn gọi là hải đăng Đại Lãnh) sừng sững ở đầu phía đất nhô ra biển, cao vợi, nổi bật trên nền trời xanh.
Từ chân núi nơi đặt hải đăng, một đường bộ với hàng rào màu trắng cùng lối đi gồm các bậc dốc lên tới điểm cực đông, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Ngoài ra còn có một đường mòn chạy thẳng ra biển Bãi Môn với bãi cát vàng tuyệt đẹp.
Mũi Điện - nơi có ngọn hải đăng Đại Lãnh. |
Sau khi thưởng thức đặc sản “đèn pha đại dương” (mắt cá Ngừ) – món độc quyền của tỉnh Phú Yên, chúng tôi tiếp tục hành trình ghé thăm ghềnh đá Đĩa. Tạo hóa đã dày công xếp đặt những phiến đá hình lục giác chồng lên nhau thành từng khối dĩa lớn giữa mây trời bồng bềnh, nước biển trong xanh như một kỳ quan hiếm thấy, xua đi cảm giác bất an lúc vượt qua đèo Cả.
Ghềnh đá Đĩa. |
Bãi biển Phú Yên dài và rộng với những đồi dương miên man, vẻ nguyên sơ quyến rũ của những bãi biển tuyệt đẹp, cộng với không khí của những làn gió biển mát lành. Sẽ là điều đáng tiếc nếu không kể một chút về nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ cổ xưa nhất ở Việt Nam (hơn trăm tuổi). Nơi đây đặc biệt lưu giữ cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Thơ mộng vịnh Vũng Rô. |
Một địa điểm khác khiến chúng tôi ấn tượng khi đến Phú Yên chính là vịnh Vũng Rô nằm dưới chân đèo Cả. Ngoài khung cảnh đẹp như tranh vẽ, đây cũng là di tích lịch sử nổi tiếng với huyền thoại về những con tàu không số chở vũ khí, thuốc men chi viện cho miền Nam trong chiến tranh. Vũng Rô có nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp. Những bãi biển ở đây độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong xanh, lặng sóng, khung cảnh rất yên bình.
Chia tay Phú Yên, chúng tôi cảm nhận được thứ ngôn ngữ hiền hòa, chân chất của vùng đất khắc trong tim từ lâu mà đến giờ mới đặt chân đến. Hẹn ngày gặp lại.
Hồng Nguyễn