BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quyết chí đổi đời

Cập nhật ngày: 16/04/2009 - 12:03

Vợ chồng ông Tám cá với đứa cháu ngoại trong căn nhà khá đầy đủ tiện nghi

15 năm trước, ở ấp Cây Nính thuộc xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu có một gia đình nghèo đến nỗi cái bàn thờ cũng bị xiết nợ. Thế nhưng, nhờ sự phấn đấu đầy quyết tâm của cả gia đình mà giờ đây cuộc sống của họ đã đổi khác. Đó là gia đình ông Đặng Văn Hoanh, người chuyên sống bằng nghề đánh cá trên sông Vàm Cỏ Đông, được người dân địa phương quen gọi là ông Tám cá.

Nhân một lần đến xã Phước Trạch, tôi được anh Lê Quang Chánh, cán bộ Tỉnh đoàn rủ về ấp Cây Nính thăm gia đình ông Tám cá. Hơn mười năm trước, anh Chánh đã nhiều lần đến thăm để giúp đỡ gia đình ông, nhưng lần này, anh không tìm được căn nhà tranh vách đất xiêu vẹo trên bờ sông ngày nào nữa, thay vào đó là một ngôi nhà tường khá đẹp. Vào nhà, anh Chánh không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi của một gia đình nông dân vốn nghèo khó trước đây. Căn nhà khang trang, rộng rãi, mặt sân lát gạch tàu phẳng phiu, trong nhà đầy đủ xa-lông, ti vi, quạt máy... Hai vợ chồng ông Tám cá đang vui vẻ chơi đùa với đứa cháu ngoại bụ bẫm, kháu khỉnh…

Cuộc sống đầy đủ hôm nay không làm ông quên những năm tháng khó khăn gian nan lúc trước. Rót cho chúng tôi ly trà, ông Tám cá kể lại quãng đời nhọc nhằn cũ… Quê ông ở Long An, vì cuộc sống khó khăn, năm 1961 ông bỏ xứ lên Tây Ninh lập nghiệp. Ông lập gia đình và lần lượt sinh được 4 người con: ba gái, một trai. Đất lạ quê người, không ruộng vườn, nghề nghiệp, ông sinh nhai bằng cách hằng ngày ra sông đánh bắt cá bán kiếm tiền mua gạo. Cuộc sống khó khăn như thế nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm lo cho con ăn học. “Tôi mới học hết lớp 9, vợ tôi chỉ mới lớp 6. Vì ít chữ nghĩa nên cuộc đời vợ chồng tôi phải chịu cảnh nghèo khổ. Vì vậy, tôi luôn động viên các con phải gắng học hành để sau này đỡ khổ”, ông Tám cá bộc bạch.

Nghĩ thì dễ, nhưng thực tế không đơn giản chút nào. Gần như suốt ngày ông Tám cá phải lênh đênh trên sông giăng lưới, đánh đáy kiếm từng con cá, con tôm. Ông nhớ lại: “Cũng may là mấy năm đó, dưới sông còn nhiều cá, nhiều tôm nên mỗi ngày cũng kiếm được năm, bảy chục ngàn đồng. Có ngày được 1 kg tôm, kể như đã kiếm được một thùng gạo”. Khó khăn nhất là trong giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2000, khi lần lượt ba cô con gái của ông đều thi đậu đại học (riêng cậu con trai út không may, đã qua đời vì tai nạn giao thông khi vừa học xong lớp 12). Không đủ tiền nuôi con ăn học, vợ chồng ông Tám phải “vay nóng vay nguội”. Lãi mẹ đẻ lãi con, các khoản nợ lên đến hơn 100 triệu đồng. Không có khả năng chi trả, gia đình ông bị một số chủ nợ đến nhà xiết của, không còn vật gì để xiết, người ta bèn khiêng cái bàn thờ nhà ông mang đi. Cũng may thời điểm đó, có chương trình cho vay vốn hỗ trợ sinh viên nghèo của Tỉnh đoàn nên các con ông không bị gián đoạn việc học.

Cuối cùng, cả ba người con của ông Tám cá đều đã tốt nghiệp đại học. Người con gái lớn hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Hồng Phúc (huyện Gò Dầu), người thứ hai đang làm cho Công ty TNHH Xuân Hoà (tỉnh Bình Dương) và người thứ ba, đang công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh. Ông Tám cá cười khà khà kể tiếp: “Bây giờ thì cuộc sống của vợ chồng tôi đã đỡ hơn trước rất nhiều rồi. Các con tôi đã có công ăn việc làm, giúp tôi trả hết nợ. Năm 2003, chúng còn hùn tiền lại xây cất căn nhà này. Hai trong ba đứa con của tôi đã lập gia đình, vợ chồng tôi nay đã lên chức ông bà ngoại”.

Mặc dù không còn phải nặng lo miếng cơm manh áo như trước nữa, nhưng vợ chồng ông Tám không muốn ngồi không an hưởng cảnh nhàn. Vợ chồng ông lại xây chuồng nuôi heo. Buổi tối ông Tám vẫn bơi xuồng ra sông soi đèn vớt cá. Ông cũng đóng bè, chuẩn bị nuôi cá lồng trên sông. “Mình vẫn phải lao động để làm gương cho con cháu noi theo”- ông nói với chúng tôi trước lúc chia tay.

ĐẠI DƯƠNG