Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người
Thứ hai: 15:11 ngày 09/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc ngăn chặn, đấu tranh đối với tội phạm mua bán người đã được cả thế giới quan tâm và đẩy mạnh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong giai đoạn hiện nay mà các lực lượng chức năng như Công an, BĐBP cần phải tập trung đấu tranh.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương- Phó Tư lệnh BĐBP chúc mừng Phòng CSHS Công an Tây Ninh và Phòng PCMT&TP Biên phòng Tây Ninh đấu tranh thành công chuyên án TN823p.

Tại hội nghị tổng kết chuyên án TN823p do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương- Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trước thực trạng trên, Bộ Tư lệnh BĐBP chỉ đạo BĐBP các tỉnh tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương triển khai nhiều kế hoạch cao điểm, ra quân đấu tranh với tội phạm mua bán người. Liên tiếp trong 3 tháng qua, BĐBP các tỉnh đã triệt phá nhiều đường dây mua bán người qua biên giới, giải cứu nhiều nạn nhân, trong đó điển hình là các chuyên án mà BĐBP các tỉnh Tây Ninh, Đăk Lăk, Long An, An Giang và Kiên Giang vừa triệt phá trong thời gian gần đây.

Trong chuyên án TN823p do Phòng Phòng chống ma tuý & tội phạm BĐBP tỉnh phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh và Đoàn Đặc nhiệm miền Nam (Cục PCMT&TP, BĐBP) vừa triệt phá, các lực lượng tham gia đánh án đã bắt giữ 6 đối tượng trong đường dây mua bán người, giải cứu 2 nữ nạn nhân trước khi bọn buôn người chuẩn bị đưa qua biên giới.

Trong quá trình điều tra, lực lượng đánh án đã phát hiện đây là đường dây mua bán người đặc biệt nghiêm trọng, có quy mô lớn, nạn nhân bị bán nhiều lần qua tay nhiều người; các đối tượng tham gia trong đường dây này thuộc nhiều tỉnh, thành khác nhau. Phương thức hoạt động của chúng vẫn là lên mạng xã hội giăng bẫy “việc nhẹ lương cao” để săn tìm các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, đi tìm việc.

Đại tá Cao Xuân An- Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ BĐBP Tây Ninh cho biết, qua nghiên cứu các vụ mua bán người đã bị BĐBP các tỉnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng đấu tranh làm rõ trong thời gian gần đây cho thấy, các đối tượng phạm tội mua bán người sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác nhau để lừa các nạn nhân, trong đó, chúng thường sử dụng mạng xã hội, hứa hẹn rủ đi làm ăn xa, hợp tác làm ăn, tìm “việc nhẹ, lương cao” để đưa các nạn nhân ra nước ngoài như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar, Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) để rồi sau đó bóc lột tình dục, chiếm đoạt tài sản và đòi tiền chuộc. Đặc biệt, trong chuyên án TN823p vừa triệt phá phát hiện phương thức mới đó là việc “mua bán nợ”.

Cụ thể là các tổ chức buôn người liên kết với các cơ sở karaoke, massage tìm các tiếp viên nữ do tiêu xài hoang phí dẫn đến nợ nần, hoặc nợ tiền môi giới việc làm mà chúng giới thiệu trước đây, viện cớ đó tổ chức mua bán người để trừ cấn nợ, sau khi có trong tay các nạn nhân, chúng bắt đầu lên sàn giao dịch bán ra nước ngoài.

Tương tự thủ đoạn trên, hơn 1 tháng trước, lực lượng BĐBP Kiên Giang đã triệt phá đường dây mua bán người dưới bình phong “cò ngư phủ”, bắt 5 nạn nhân từng vay nợ để đưa lên các tàu cá ngoài khơi cưỡng bức lao động. Còn tại An Giang, trung tuần tháng 8 vừa qua, bọn tội phạm mua bán người đã dùng chiêu lừa đưa đi hợp tác lao động tại Đài Loan (Trung Quốc).

Tuy nhiên, khi vừa đưa 5 người vượt biên qua biên giới tỉnh Kandal của Campuchia (đối diện tỉnh An Giang), bọn buôn người trở mặt, dùng nhục hình để đòi các gia đình phải nộp tiền chuộc. Có 3 gia đình nạn nhân đã nộp 500 triệu đồng tiền chuộc, 2 gia đình còn lại chưa nộp tiền đã bị chúng đánh đập dã man, chỉ vài ngày sau, 1 nạn nhân đã bị đánh chết, 4 người còn lại đã trốn thoát và chạy về Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương- Phó Tư lệnh BĐBP cho biết, hiện nay, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới và các quốc gia trong khu vực diễn biến rất phức tạp, với nhiều phương thức mới, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), trong năm 2022, các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ/247 đối tượng phạm tội mua bán người liên quan đến 222 nạn nhân bị mua bán, trong 8 tháng năm 2023, số nạn nhân bị mua bán lên đến 254 người. Riêng lực lượng phòng, chống ma tuý và tội phạm BĐBP, đã bắt giữ, xử lý 35 vụ/41 đối tượng, giải cứu 64 nạn nhân.

Theo Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tội phạm lừa đảo, mua bán người trên nền tảng trực tuyến thu về lợi nhuận khoảng 280 tỷ USD, dự kiến năm 2025, lợi nhuận là 350 tỷ USD.

Vì siêu lợi nhuận như vậy nên tội phạm mua bán người đã câu kết tạo lập nên nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng tinh vi. Hiện nay trên các tuyến biên giới, hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp.

Phần lớn các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài hoặc trong nước nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ khai thác thông tin trên mạng xã hội, lực lượng Biên phòng và Công an Tây Ninh nhanh chóng triển khai lực lượng tiếp tục truy xét nhanh các đối tượng trong chuyên án TN823p, giải cứu được 2 nữ nạn nhân.

“Hệ luỵ của loại tội phạm này vô cùng lớn, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, đạo đức nhân phẩm của con người, nó là vết thương lòng mà không phải một sớm một chiều các nạn nhân có thể chữa lành được. Vì vậy, việc ngăn chặn, đấu tranh đối với tội phạm mua bán người đã được cả thế giới quan tâm và đẩy mạnh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong giai đoạn hiện nay mà các lực lượng chức năng như Công an, BĐBP cần phải tập trung đấu tranh”- Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương chia sẻ.

Trước thực trạng báo động trên, hiện nay, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo lực lượng BĐBP các tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới, các đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới, cảng biển; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, bảo đảm an ninh, an toàn địa bàn biên giới; đồng thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền để người dân nắm được các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, tránh trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán người.

Đồng thời, tổ chức rà soát địa bàn, quản lý chặt chẽ các đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội, kịp thời phát hiện, đấu tranh với hoạt động mua bán người và tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm; tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân; tích cực điều tra, xác minh, củng cố tài liệu làm căn cứ xác lập chuyên án truy xét.

Minh Anh

Tin cùng chuyên mục