Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quyết liệt hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2022, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 

Cập nhật ngày: 15/04/2022 - 00:41

BTN - Theo UBND tỉnh, để thực hiện hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2022, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quyết liệt, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (ảnh: Minh Dương)

Trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh cơ bản hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn năm (nguồn ngân sách địa phương đã giao 98,75% kế hoạch và ngân sách Trung ương đã giao 100% kế hoạch). Các nguồn vốn được phân khai đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thi công các dự án chuyển tiếp, phân khai chi tiết kế hoạch vốn cũng như tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai các dự án mới; khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác.

Cơ bản hoàn thành giao chi tiết kế hoạch vốn năm

Năm 2022, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ giao là 3.577,829 tỷ đồng, bao gồm các nguồn: ngân sách địa phương 2.642,38 tỷ đồng; ngân sách Trung ương 935,449 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước đầu tư theo ngành, lĩnh vực 827,546 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA) 107,903 tỷ đồng.

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 do HĐND tỉnh giao là 4.165,829 tỷ đồng, tăng 588 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương so với kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước và vốn nước ngoài), Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh giao chi tiết 100% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương cho 8 dự án chuyển tiếp (gồm 6 dự án vốn trong nước và 2 dự án vốn nước ngoài).

Đối với vốn ngân sách địa phương, đến ngày 31.3.2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn ngân sách địa phương gần 3.190/3.230,38 tỷ đồng, đạt 98,75% kế hoạch. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 40,5 tỷ đồng/5 dự án (do các dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục đầu tư).

Đến ngày 31.3.2022, tỉnh đã giải ngân 731,818 tỷ đồng, đạt 20,45% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 17,57% kế hoạch HĐND tỉnh giao (tăng 60% so với cùng kỳ). Cụ thể: ngân sách địa phương giải ngân 421,524 tỷ đồng, đạt 15,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 13,05% kế hoạch HĐND tỉnh giao; Trung ương hỗ trợ (vốn trong nước đầu tư theo ngành, lĩnh vực) giải ngân 299,446 tỷ đồng, đạt 36,18% kế hoạch; vốn ODA giải ngân 10,848 tỷ đồng, đạt 10,05% kế hoạch.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác quyết toán các dự án hoàn thành, nhất là các dự án tồn tại cũ, đến nay, cơ bản hoàn thành quyết toán các công trình tồn tại từ các năm trước. Bên cạnh đó, tổ chức quán triệt, hướng dẫn các quy định mới trong đầu tư công: Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các nghị định hướng dẫn có liên quan để các ngành, các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện đúng quy định. Đồng thời, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư.

Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản trong các tháng đầu năm còn một số mặt hạn chế. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 40,5 tỷ đồng/5 dự án. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng mặc dù đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện và triển khai tích cực, song một số dự án vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.

Mặt khác, giá xăng dầu tăng kéo theo việc tăng mạnh chi phí vận chuyển, ca máy thi công và các loại vật liệu xây dựng (như thép, xi măng, cát, đá, gạch…), thậm chí ở một số thời điểm, xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn cung đối với mặt hàng xăng dầu, nhựa đường. Điều này tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công.

Hiện nay, các chủ đầu tư tích cực phối hợp với các nhà thầu để triển khai dự án bảo đảm tiến độ, tuy nhiên, trong thời gian tới, có thể xảy ra tình trạng dự án thi công cầm chừng, tạm dừng do tâm lý chờ giá nguyên vật liệu giảm xuống hoặc chờ thương thảo, điều chỉnh lại giá gói thầu dẫn đến việc chậm triển khai thi công. Ngoài ra, các dự án đang chuẩn bị đấu thầu có thể không thu hút được sự quan tâm của nhà thầu do giá gói thầu chưa cập nhật theo giá thị trường, dẫn đến việc chậm triển khai các dự án khởi công mới.

Thi công đường Trần Phú, thị xã Hoà Thành (ảnh minh hoạ)

Tập trung thực hiện các giải pháp hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản

Theo UBND tỉnh, để thực hiện hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2022, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần quyết liệt, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh những giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường; chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương triển khai dự án, báo cáo UBND tỉnh các vướng mắc (nếu có) và đề xuất giải pháp xử lý, bảo đảm hoàn thành mục tiêu đã đề ra: “Đến 30.6.2022 đạt 50%, đến 30.9.2022 đạt 75% và kết thúc kế hoạch năm 2022 đạt 100% kế hoạch vốn xây dựng cơ bản được giao”.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác theo dõi, thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt công tác giám sát và đánh giá đầu tư theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30.9.2015 nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, ngăn ngừa và khắc phục những hiện tượng tiêu cực như thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, khắc phục tình trạng đầu năm chủ quan thiếu tích cực, dồn vào những tháng cuối năm dẫn đến không hoàn thành kế hoạch vốn được giao.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng Quản lý đô thị, Kinh tế - Hạ tầng huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định; rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt. Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cần quy định xem xét tổng thể hồ sơ chi trả một lần, không trả hồ sơ quá hai lần với nội dung khác nhau, thời gian xem xét và trả hồ sơ không quá 1/3 tổng thời gian thẩm định.

Các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công trong các tháng đầu năm; hằng tháng so sánh kết quả giải ngân thực tế và cam kết để có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh kịp thời; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chất lượng công trình. Khẩn trương lập kế hoạch tiến độ, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện phương án đền bù, giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập hồ sơ dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật ngay sau khi có quyết định phân khai vốn chuẩn bị đầu tư dự án; nhanh chóng xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường... Trong quá trình thực hiện có những vướng mắc, khó khăn, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, chủ đầu tư theo dõi sát tình hình biến động của giá cả nguyên, nhiên, vật liệu thời gian qua, đánh giá những tác động của việc biến động giá đối với giá thành các dự án đầu tư xây dựng để kịp thời cung cấp thông tin và số liệu báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Nhằm bảo đảm hiệu lực, tính nghiêm minh trong thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh đối với công tác xây dựng cơ bản, các đơn vị chủ đầu tư được giao vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân đã cam kết phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND.

Trúc Ly