BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quyết liệt thực hiện các giải pháp bảo vệ “tuổi thọ” cầu đường 

Cập nhật ngày: 28/05/2018 - 06:00

BTN - Để bảo đảm chất lượng công trình xây dựng, Sở GTVT sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi công. Ðể bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lực lượng thanh tra Sở GTVT tiếp tục tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó có việc trang bị thêm 9 cân xách tay cho các đội.

Ðường 781 chạy dọc bờ hồ Dầu Tiếng xuống cấp nghiêm trọng (ảnh minh hoạ).

Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh vừa có buổi làm việc với hai Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), Kế hoạch và Ðầu tư (KHÐT) về tình hình đầu tư và bảo trì các công trình xây dựng, hạ tầng giao thông từ năm 2015 đến nay.

Theo Sở GTVT, thời gian qua, UBND tỉnh giao cho ngành Giao thông đầu tư 21 dự án; trong đó, đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng 9 dự án, đang thi công 6 dự án và đầu tư trong năm nay 6 dự án. Sở GTVT còn chịu trách nhiệm bảo trì, sửa chữa nhiều đoạn đường, tuyến đường trên địa bàn tỉnh.

Gần đây, UBND tỉnh đã thành lập nhóm công tác thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017 - 2021 về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông; thành lập tổ chỉ đạo các công trình trọng điểm. Do đó, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình thực hiện; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.

Từ đó phát huy được hiệu quả làm việc nhóm, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ngành- nhất là người đứng đầu. Ðồng thời, các ngành đã có sự chủ động hơn trong việc đề xuất thực hiện các giải pháp huy động vốn mới như bán đấu giá quyền sử dụng đất; lập đề án huy động vốn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Ðồng thời, những năm gần đây, nguồn vốn ngân sách được cấp dùng bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ được tăng lên, từ đó có nhiều tuyến đường được sửa chữa ở mức độ vừa, hạ tầng giao thông được hoàn thiện hơn.

Dù nhu cầu nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động vốn còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn bảo trì hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường xã rất ít, chưa đủ để thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên. Bình quân mỗi năm, cấp huyện bố trí khoảng 2,7 tỷ đồng để bảo trì các tuyến đường. Trong đó, huyện bố trí nhiều nhất là 5 tỷ đồng, huyện ít nhất chưa đến 1 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, thời gian qua, lĩnh vực hạ tầng giao thông còn tồn tại không ít bất cập như quy trình thủ tục thực hiện công tác bảo trì hạ tầng giao thông mất rất nhiều thời gian; xe quá tải- nhất là xe chở vật liệu xây dựng hoạt động phức tạp, gây mất an toàn giao thông, làm hư hỏng đường sá, gây bức xúc trong dư luận nhân dân; tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, việc san lấp mặt bằng làm tắc hệ thống thoát nước gây ngập cục bộ... còn xảy ra phổ biến nhưng chưa được xử lý triệt để là những nguyên nhân gây hư hỏng nhiều công trình giao thông.

Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở GTVT xây dựng Ðề án bảo trì đường bộ, trong đó sẽ đánh giá lại toàn bộ công tác bảo trì thời gian qua để từ đó quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Ðề án sẽ phân định rõ nguồn vốn bảo trì từng loại đường cũng như giải pháp, cơ chế hỗ trợ cho các địa phương.

Dự kiến trong quý III năm nay, Sở GTVT sẽ triển khai ứng dụng phần mềm điện tử vào việc tuần tra nhằm kịp thời giám sát, phát hiện và khắc phục các vấn đề có liên quan.

Cũng trong quý III này, Sở GTVT sẽ lựa chọn 6 tuyến đường, đoạn đường đưa vào danh mục đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên đến hết năm 2019 để đơn vị thi công chủ động hơn trong việc bảo trì đường.

Mặt khác, Sở GTVT tiếp tục tăng thời gian bảo hành công trình nhằm tăng trách nhiệm của nhà thầu thi công, từ đó nâng chất lượng các công trình. Cụ thể, đối với các công trình nâng cấp, mở rộng có kết cấu mặt đường bê tông nhựa có thời gian bảo hành tăng từ 12 lên 36 tháng; đường láng nhựa tăng từ 12 lên 24 tháng; việc sửa chữa, thi công vá “ổ gà” tăng từ 6 lên 18 tháng.

Song song đó, để bảo đảm chất lượng công trình xây dựng, Sở GTVT sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi công. Ðể bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lực lượng thanh tra Sở GTVT tiếp tục tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó có việc trang bị thêm 9 cân xách tay cho các đội.

Sở GTVT cũng đề nghị ngành Công an tăng cường công tác kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, thống kê, có kế hoạch nạo vét các kênh, mương thoát nước... tránh để ách tắc dòng chảy gây ngập úng, làm hư hỏng đường bộ. Sở GTVT đề nghị các huyện, thành phố quan tâm hơn đến công tác bảo trì đường bộ trên địa bàn, cân đối, bố trí vốn đáp ứng nhu cầu bảo trì để giữ “tuổi thọ” công trình đường bộ cũng như quản lý có hiệu quả hành lang an toàn đường bộ...

ÐÌNH CHUNG

Theo Sở KHÐT, khó khăn hiện nay liên quan đến công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, định kỳ đối với các công trình là việc các đơn vị sử dụng chưa thật sự quan tâm đến công tác bảo trì công trình theo quy định. Từ đó dẫn đến một số công trình mới được sử dụng một thời gian đã bị xuống cấp. Công tác bảo trì trong các dự án còn chung chung, không có kế hoạch, thời gian và nguồn vốn cụ thể.

Mặt khác, nguồn vốn bố trí cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên định kỳ hằng năm đối với các công trình còn hạn hẹp nên có một số công trình không được duy tu, bảo trì thường xuyên.

Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện công tác sửa chữa, bảo trì hằng năm là khó bảo đảm kịp thời, vì theo quy định của Luật Ðầu tư công, để sử dụng nguồn vốn này phải qua nhiều quy trình thủ tục kéo dài. Trong khi mức vốn cần thiết để sửa chữa cho từng công trình là không lớn, khoảng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.

Sở KHÐT cho rằng, việc làm cần thiết hiện nay là kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị có liên quan trong việc thực thi trách nhiệm quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh mới bảo đảm và nâng cao chất lượng của các công trình xây dựng.