BAOTAYNINH.VN trên Google News

Quyết tâm bám đất

Cập nhật ngày: 25/12/2010 - 08:28

Căn nhà tường rộng rãi, khang trang của ông Lập

Ông Đặng Quang Lập, sinh năm 1949, quê ở tỉnh Thái Bình, tình nguyện lên đường nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trải qua nhiều năm tháng chiến đấu ở chiến trường, ông Lập bị thương và đến năm 1980, ông được cấp trên cho ra quân. Là thương binh ở chiến trường trở về, tài sản của ông Lập chỉ có chiếc ba lô đã cũ sờn và hai bộ quần áo lính. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng ông Lập tần tảo lao động sản xuất và nuôi 3 người con ăn học. Quê ông đất chật người đông, quanh năm chỉ trông vào hai, ba sào lúa, ông Lập đã tìm mọi cách xoay xở để vươn lên, nhưng không thực hiện được. Năm 1983, ông Lập đã đưa vợ con tới ấp Đông Lợi, xã Tân Đông, Tân Châu, Tây Ninh để làm ăn sinh sống. Khi đó, vùng đất này dân cư còn thưa thớt, đường đất sình lầy đi lại rất khó khăn, đất đai thì toàn cỏ tranh mọc um tùm, nhiều hố bom và gốc cây rừng. Thế nhưng, ông Lập thấy đất đai ở đây màu mỡ phì nhiêu nên động viên vợ con quyết tâm bám đất sản xuất để vươn lên đổi đời.

Buổi ban đầu lập nghiệp vốn liếng không có, vợ chồng ông Lập đã kiên trì khai phá đất đai, trồng đồ hàng bông, trồng lúa, trồng đậu. Ông Lập dựng căn nhà tranh vách đất ở trên miếng đất mới khai phá để gia đình ăn ở sinh hoạt. Vợ chồng con cái ăn uống kham khổ chỉ có rau, bầu bí, muối tiêu và cá mắm. Ban ngày, ông bà đi khai hoang phá rẫy, trồng trọt mía, mì. Chiều tối, bà về lo cơm nước, tắm rửa, giặt giũ cho con cái và chăm sóc bầy heo, đàn gà. Còn ông thì lo đi gánh nước chăm sóc vườn rau, bầu bí. Bầy heo và đàn gà nuôi lớn đem bán phải dành dụm tiền để thuê cày bừa, mua phân bón chăm sóc cây trồng. Vợ chồng ông lao động vất vả, ngày đêm hay mưa nắng vẫn lăn lộn ở cánh đồng. Những năm được mùa, kinh tế gia đình có phần ổn định, ông bà cũng vui mừng. Nhưng có năm mất mùa, nắng hạn, sâu bệnh, mía, mì mất giá, kinh tế gia đình cũng lao đao theo. Một số gia đình đến vùng đất này khai phá đất đai để làm ăn sinh sống như gia đình ông Lập thấy quá vất vả và không có hiệu quả, họ đã bỏ đất mà đi. Vợ ông có lúc cũng dao động, còn ông Lập vẫn xác định bám đất, gắn bó với đất để sản xuất, quyết tâm phấn đấu vươn lên từ đất. Ông đã đi học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cây cao su. Mỗi năm, ông Lập trồng hai, ba ha cao su, rồi tăng dần diện tích trồng cao su lên. Khi cây cao su còn nhỏ ông trồng xen kẽ cây mì, bầu bí, dưa hấu, đậu phộng. Bán bầy heo, trâu bò và bán mì có tiền, ông đầu tư chăm sóc cho cao su. Do tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đầu tư chăm sóc nên các vườn cây cao su của ông phát triển xanh tốt, luôn thu hoạch đạt năng suất cao.

Khó khăn vất vả là thế nên đất đã “trả công” cho ông. Trên 7 ha cao su của ông đã thu hoạch được 8 năm, với giá mủ cao su hiện nay, trừ chi phí, mỗi tháng ông thu lời trên 80 triệu đồng. Từ một hộ nghèo không có vốn liếng để sản xuất, đến nay gia đình ông Lập đã có cuộc sống kinh tế khá giả. Căn nhà tranh vách đất xưa kia đã được thay thế bằng ngôi nhà tường rộng rãi khang trang, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Ba người con của ông Lập đều được học hành đàng hoàng, đã có gia đình riêng và có công ăn việc làm ổn định.

Ông Lập đang hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho người thân

Mặc dù tuổi tác cao, khi trái gió trở trời vết thương cũ lại nhức nhối đau, nhưng ông Lập vẫn kiên trì hăng say sản xuất để phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông còn hăng hái tham gia công tác xã hội. Nhiều năm qua, ông được bầu làm Uỷ viên Ban Thường vụ BCH Hội CCB xã Tân Đông và Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Đông Lợi. Ông tích cực cùng BCH Hội CCB thường xuyên đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền động viên hội viên phát huy bản chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, xây dựng người “cựu chiến binh gương mẫu” và thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phấn đấu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Riêng Chi hội CCB ấp Đông Lợi do ông làm chi hội trưởng luôn luôn là đơn vị mạnh của xã Tân Đông. Ông đã vận động hội viên góp vốn xoay vòng giúp cho hội viên nghèo có vốn phát triển sản xuất được trên 15 triệu đồng. Vận động các nhà tài trợ được 50 triệu đồng xây dựng văn phòng ấp, tạo điều kiện cho ấp có trụ sở sinh hoạt hội họp, tổ chức VHVN, TDTT cho nhân dân và thanh thiếu niên. Ông tích cực tổ chức cho chi hội CCB phối hợp với các đoàn thể và nhân dân trong ấp thi đua làm công tác dân vận như đào đắp tu sửa được 700 mét đường, phát quang được 1.650 mét đường làng ngõ xóm. Ông Lập còn được tín nhiệm bầu làm Đội trưởng Đội Tuần tra nhân dân của ấp.

Với thành tích đã đạt được, ông Đặng Quang Lập đã được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, nhiều năm được bình bầu là nông dân sản xuất giỏi và được cấp trên biểu dương khen thưởng.

CÔNG HUÂN