Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quyết tâm phát triển chuyển đổi số trong nông nghiệp
Chủ nhật: 23:57 ngày 16/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những hoạt động ngành Nông nghiệp Tây Ninh hướng đến, nhằm minh bạch hoá trong quá trình sản xuất nông sản, triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản trên môi trường số và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho trái xoài tại HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên).

Bước đầu chuyển đổi số

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp. Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hoà nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.

Về ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ phát triển sản xuất trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tổ chức sản xuất được đổi mới hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong lĩnh vực trồng trọt, ngành nông nghiệp hỗ trợ cài đặt phần mềm cho 247 cơ sở sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích là 1.728,01 ha. Tổ chức 660 buổi tập huấn cho các cơ sở sản xuất về phương pháp sử dụng, cách đăng nhập dữ liệu đầu vào, định vị vùng trồng bằng GPS. Toàn tỉnh có 24 loại cây ăn quả đăng ký thực hiện phần mềm Kipus; hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất đã ứng dụng phần mềm Kipus in 130.500 tem truy xuất nguồn gốc cho 5 loại sản phẩm như: xoài, bưởi da xanh, dưa lưới, mãng cầu ta, mãng cầu thái (na Hoàng Hậu).

Sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa và một số cây trồng khác như: bắp, mì, mía, cây ăn quả… nhằm tăng cường việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất; hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc, tiết kiệm công lao động, có thể ứng dụng trên nhiều loại cây trồng và địa hình khác nhau.

Sử dụng hệ thống tưới nước tự động xoay tròn (tưới Pivot) áp dụng trên cây mía; hệ thống này được điều khiển từ xa có thể tưới được cùng lúc trên diện tích rộng nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí thuê nhân công.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông hiện đại mang lại hiệu quả cao như mô hình ứng dụng công nghệ sinh học - nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích 700m2, tại khu phố Ninh Lộc, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên- chủ vườn lan cho biết, ưu thế của nuôi lan cấy mô là tạo ra một số lượng lớn lan trong diện tích nhỏ, tạo ra giống lan sạch bệnh trong thời gian ngắn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, lan cấy mô giá thành rẻ hơn các giống lan khai thác từ tự nhiên, quá trình nuôi lan cấy mô không tốn nhiều thời gian chăm sóc, không tốn nhiều phân thuốc, nên người dân, đặc biệt là những người đam mê lan có thể học tập và áp dụng theo. Lan cấy mô sinh trưởng trong thời gian 2 tháng là có thể bán ra thị trường với giá từ 200.000 đồng - 500.000 đồng/chai (25 cây), có loại có giá 1 triệu đồng/chai (2 cây) vì đây là loại quý hiếm. Bên cạnh đó, có thể chọn lọc một số giống lan cấy mô ra ngoài để chiết và cho sinh trưởng môi trường bên ngoài tự nhiên, được nhiều khách hàng ưa chuộng, bán với giá từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/cây.

Ngoài ra, còn có mô hình, ứng dụng công nghệ trồng rau sạch bằng phương pháp thuỷ canh, tại xã Hoà Hội, huyện Châu Thành. Đây là phương pháp sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và mang lại sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Với quy mô 400m2, cho năng suất ổn định, bình quân mỗi vụ đạt 1,2 đến 1,5 tấn, sau khi trừ đi tất cả các chi phí thì lợi nhuận mỗi tháng thu được khoảng 16 triệu đồng.

Việc thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp đã thúc đẩy các nhà sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như: phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng, vật nuôi; tem truy xuất nguồn gốc, giám sát và hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm, hỗ trợ hợp tác xã xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm nông nghiệp… được duy trì thực hiện góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ thể OCOP tham gia gần 20 gian hàng tại các diễn đàn, hội chợ thương mại, thực hiện các phóng sự về sản phẩm OCOP. Ngoài ra, tỉnh phối hợp VNPT Tây Ninh và các đơn vị có liên quan xây dựng thí điểm hệ thống phần mềm OCOP, kết quả đến nay đã đưa trên 50 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử trong nước như: Lazada, Sendo, Voso, Postmart.

Nông dân xem thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng lúa.

Quyết tâm thực hiện

Những năm gần đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh vẫn đang còn chậm, chủ yếu chuyển đổi số trong sản xuất như: phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký thông tin vùng trồng… nhưng số lượng và quy mô vẫn còn ở mức mô hình, nhỏ lẻ; ngoài ra, chưa có chính sách thu hút về chuyển đổi số, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa cao.

Bên cạnh đó, việc phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng diện tích đất; đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đòi hỏi vốn lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thời tiết khí hậu, dịch bệnh, thị trường… nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, các dự án thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, số hồ sơ thụ hưởng chính sách còn chưa nhiều, chưa có những mô hình khuyến nông, các chương trình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử mang tính đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Năm 2023, chuyển đổi số đã được Sở NN&PTNT đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cho cả thời gian tới. Nhiệm vụ này đã được thể hiện thông qua việc triển khai một số mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu. Theo đó, ngành NN&PTNT đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp cụ thể như: tập trung xây dựng cấu trúc cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp trên các lĩnh vực bao gồm: hiện trạng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp, thuỷ lợi, nước sạch, nông thôn mới và sản phẩm đặc thù của tỉnh; các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp, điều kiện đất đai, quản lý thông tin trên cây trồng, vật nuôi, xây dựng mạng lưới quan trắc, cảnh báo, giám sát các hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp… bảo đảm việc quản lý hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp đạt hiệu quả, nhanh chóng, chính xác và đồng bộ việc kết nối với hệ thống dùng chung của tỉnh.

Sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa.

Tiếp tục duy trì và áp dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký thông tin vùng trồng, hỗ trợ chứng nhận GAP; hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm đối với những vùng trồng cây ăn quả có diện tích sản xuất lớn, nhu cầu xuất khẩu.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hoá các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý được vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc các chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác; sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm- nhất là các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP tỉnh; triển khai thực hiện chuyển đổi số trong nông thôn mới, lựa chọn 1 mô hình thí điểm “xã thông minh”.

Nhi Trần - Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục