Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nguyễn Thị Kim Dung sinh ra trong một gia đình nghèo. Ba Dung là thương binh 4/4, mẹ vì sức khoẻ yếu, không còn khả năng lao động.
Dung soạn lại sách vở, hy vọng sẽ được đi học tiếp |
Nguyễn Thị Kim Dung sinh ra trong một gia đình nghèo. Ba Dung là thương binh 4/4, mẹ vì sức khoẻ yếu, không còn khả năng lao động. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nhưng em vẫn quyết tâm đến trường. Dung vừa thi đậu Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM. Để có được kết quả ấy, Dung đã phải trải qua một hành trình đầy chông gai.
Nhà Dung nằm sâu trong một con hẻm lầy lội ở tổ 4, ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Muốn vào được nhà em vào mùa này chỉ có cách đi bộ qua vườn nhà hàng xóm. Quãng đường từ nhà Dung đến Trường THPT Tây Ninh xa gần 20km vậy mà suốt ba năm học qua với chiếc xe đạp cũ Dung vẫn cần mẫn đi về hằng ngày. Dung kể: “Nhà em nghèo, ở trọ thì không có tiền. Nhà có ba người sống nhờ vào số tiền trợ cấp hằng tháng của ba. Mẹ em mấy năm nay bị bệnh không còn khả năng lao động. Để có tiền cho em đi học ba em phải đi giữ vườn mãng cầu thuê. Nhưng sức khoẻ của ba em yếu không thể xịt thuốc và làm các công việc nặng nhọc khác nên ba đã nghỉ làm. Em có thể học hết lớp 12 và thi đậu đại học là nhờ tấm lòng của thầy cô, bè bạn. Nhà trường thì miễn cho một phần tiền trường. Cô Thuỷ giáo viên chủ nhiệm lớp 12C năm học 2010- 2011 thì bỏ tiền túi đóng cho em một số khoản tiền trường khác. Bạn bè trong trường thấy bộ áo dài của em đã quá cũ thì cho em bộ áo dài mới hơn. Sách vở ôn thi đại học đều là do thầy cô, bạn bè cho”.
Khi Dung đi thi đại học, ba mẹ em đã vay mượn tiền cho em đi thi. Ngay sau khi thi xong, Dung lại tất tả lo đi phụ việc ở quán cơm tại thị xã Tây Ninh. Khi bạn bè, thầy cô báo tin vui em đậu đại học là lúc em đang tất bật công việc phục vụ ở quán cơm. Một ngày làm việc cực nhọc, Dung được trả 60.000 đồng. Sau hơn một tháng đi làm, Dung đã kiếm được gần 2 triệu đồng, có thể giúp em đủ trả nợ tiền đi thi.
Chỉ còn ít ngày nữa Dung sẽ xuống Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM để làm thủ tục nhập học. Cầm giấy báo nhập học với số tiền phải đóng hơn hai triệu đồng, nhìn căn nhà trống hoác chẳng có tài sản gì đáng giá, tiền bạc cũng không, Dung thực sự lo lắng. Mẹ em đã tính đến chuyện cho em nghỉ học. Còn Dung, với chiếc xe đạp cũ kỹ, em tìm đến Sở Giáo dục và Đào tạo để tìm hiểu đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học, sau đại học của tỉnh nhà và đăng ký xin học bổng Tiếp sức đến trường của Hội Khuyến học.
Dung không muốn từ bỏ ước mơ, không muốn đánh mất hoài bão tuổi trẻ. Em bảo: “Hiện tại cuộc sống gia đình em quá khó khăn nhưng em sẽ cố gắng vượt qua để vào học ở Học viện hành chính Quốc gia”. Nghị lực của Dung thật đáng khâm phục, hy vọng xã hội sẽ tiếp thêm động lực để giúp em thực hiện được ước mơ.
Minh Anh