Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ký ức biên cương:
Quyết tử bảo vệ Tổ quốc
Thứ ba: 13:07 ngày 26/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, năm nay đã gần 90 tuổi, dù đeo cặp kính cận khá dày, ông không thể nhìn rõ người đối diện. Ấy vậy mà, khi tôi nhắc đến ngày 25.5.1975, ông ngồi thẳng dậy, bỏ hẳn kính ra, niềm tự hào bừng lên trong đôi mắt khi ký ức 45 năm trước quay về.

Trong điều kiện hầm hào công sự thô sơ, những các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Tây Ninh đã nêu cao khẩu hiệu “Quyết tử bảo vệ biên giới”

Ông kể: “Hồi đó, sau khi giải phóng chưa được tháng, tôi được trên gọi về Sài Gòn và được lãnh đạo cấp trên cho chỉ thị thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP tỉnh), đó là ngày 25.5.1975, cấp trên còn giao luôn 2 đồn Xa Mát và Lò Gò cho Tây Ninh quản lý (2 đồn này thành lập năm 1973, trực thuộc Đoàn 180 của Ban An ninh vũ trang Miền, nhằm thể hiện chủ quyền biên giới quốc gia với Campuchia, đồng thời duy trì ranh giới kiểm soát với Mỹ và chính quyền Sài Gòn theo Hiệp định Paris 1973), đồng thời giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia dài trên 240km. Kể từ đó, ngày 25.5 được xem như ngày khai sinh ra lực lượng BĐBP tỉnh. Khoảng cuối năm 1975, bọn Pol Pot nhiều lần nổ súng gây hấn trên biên giới- nhất là ở hướng Phước Tân, Mộc Bài. Bên cạnh đó, đám tàn quân kết hợp các đối tượng phản cách mạng luôn ráo riết chống phá ta, nhưng anh em trinh sát phát hiện và đập tan kịp thời, trong đó chuyên án K206 ta bắt được 17 đối tượng, chuyên án K756 bắt được 14 đối tượng cùng nhiều vũ khí. Ngoài ra còn ngăn chặn, đẩy đuổi hàng trăm vụ xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới. Đầu năm 1977, cấp trên phát hiện âm mưu, ý đồ của bọn Khmer Đỏ, đồng thời đã có kế hoạch ứng phó, nhưng không ngờ nó tàn ác, dã man đến như thế, sát hại cả đồng bào, phụ nữ, trẻ em những người cùng màu da với chúng. Đêm 24, rạng 25.9.1977, được pháo binh yểm trợ, Khmer Đỏ ồ ạt tấn công vào các đồn Xa Mát, Chàng Riệc, Tân Phú, Long Phước, chúng chia cắt sự chi viện từ tuyến sau, đồng thời đốt nhà, sát hại hàng ngàn người dân vô tội... Tàn khốc, ác liệt như vậy, nhưng anh em lúc bấy giờ đều nêu cao khẩu hiệu Quyết tử bảo vệ biên giới, chiến đấu suốt ngày đêm, nhiều ngày liền, giữ vững trận địa, giữ vững biên giới đến khi có quân chi viện”.

Nhắc lại những ký ức thấm đẫm máu đồng đội, Thượng tá Lê Hoàng Phụng- nguyên Tham mưu trưởng CANDVT nghẹn ngào: “Chiến đấu ác liệt là vậy, nhưng anh em chỉ ăn gạo sấy khuấy với nước lạnh chứ không được nước nóng, bởi bọn chúng bao vây chia cắt sự chi viện ở tuyến sau, cũng may mà trước đó mình nắm được ý đồ của chúng nên đã có sự chuẩn bị về lương thực, vũ khí đạn dược và hầm hào công sự mới chịu được nhiều ngày liền như thế, chứ nếu không, không biết như thế nào nữa. Phước Tân là nơi bị tấn công ác liệt nhất. Khmer Đỏ dùng cả 2 trung đoàn cộng với đạn pháo đánh cấp tập 7 ngày liền, không cho ta chi viện. Khi tôi dẫn quân chi viện phá vòng vây vô được đồn thì anh em hy sinh hơn phân nửa, đa số đều là lính trẻ mới chi viện từ phía Bắc vào, chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Lấy xác anh em mà vô cùng đau xót”.

Ông Lê Xuân Kinh, ngụ xã Thành Long, huyện Châu Thành là một trong những người may mắn sống sót trong trận đánh Gò Mô- điểm đóng quân của Đồn Phước Tân năm xưa, giờ là nơi đặt Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Năm nay ông ngoài 70 tuổi, nhưng mỗi lần ra đây thăm lại 36 đồng đội- những người đã hoá thân vào lòng đất để lưu danh Phước Tân Anh hùng thì câu chuyện quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh lại hiện hữu đến từng chi tiết một: “Nửa đêm khi địch tấn công, tôi bật dậy chạy ra thì thấy dưới ánh sáng đạn pháo, tụi nó tràn vào lớp lớp… Vậy là từ đó cứ cầm súng mà chiến đấu, cả ngày lẫn đêm, ròng rã hết ngày này qua ngày khác. Phải nói anh em ai cũng gan dạ hết, không rời bỏ vị trí, thấy anh em nằm chết bên cạnh, tinh thần quyết tử càng tăng cao, như anh Lê Hải Quỳnh một mình bắn 82 quả đạn DK82, anh Phùng Bá Sinh mặc dù bị thương cánh tay nhưng vẫn quyết tâm ở lại chiến hào dùng tay còn lại ném lựu đạn chống trả địch suốt 5 ngày liền. Tôi nhớ nhất cái ngày trước khi diễn ra trận đánh, đồng chí Hoàng Sa lên động viên anh em đồng thời rút đồng chí  Hữu- Chính trị viên của đồn về tỉnh làm công tác hậu cần và đưa đồng chí Nguyễn Hữu Lãi lên thay. Thay vì chiều về cùng với đoàn nhưng đồng chí Hữu xin ở lại chia tay anh em, đêm đó khi địch tấn công, anh cùng chúng tôi chiến đấu đến sáng hôm sau thì hy sinh”.

Nhắc lại trận Phước Tân, Đại tá Nguyễn Hoàng Sa nhớ như in những lời hứa mà Đồn trưởng Nguyễn Văn Nho (tức Năm Nho) hứa với ông trước khi trận đánh diễn ra vài giờ: “Cho dù Năm Nho này có chết đi cũng không để mất biên giới!”. Và trong đêm đó Năm Nho cùng 15 anh em khác chiến đấu anh dũng đến hơi thở cuối cùng. Những người còn lại đã nêu cao khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, chiến đấu ròng rã suốt 7 ngày đêm trong hầm hào công sự ngập nước, chống chọi với 38 đợt tấn công của bọn Pol Pot - IengSary. Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, hai đồn Xa Mát và Phước Tân được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, những trang sử đầu tiên của Công an nhân dân vũ trang Tây Ninh - nay là BĐBP tỉnh được bắt đầu bằng những chiến công thấm đẫm máu xương, mồ hôi và nước mắt”.

Vượt qua gian khó, kiến thiết biên cương

Đại tá Lê Nga, nguyên Chỉ huy phó CANDVT Tây Ninh nhấn mạnh: “Nếu như năm 1975 - 1979 được là giai đoạn gian khổ, ác liệt nhất của CANDVT Tây Ninh thì 1980 - 1990 được xem là những năm tháng khó khăn, vất vả nhất đối với những người lính Biên phòng. Hồi đó, đường sá đi lại có cũng như không, các đồn biên phòng chỉ tạm bợ bằng mái tranh, vách đất. Những đơn vị đóng quân giữa rừng, gạo muối, thuốc men, nước sinh hoạt luôn luôn thiếu… Đời sống của đồng bào biên giới lúc bấy giờ thiếu thốn trăm bề, cho nên song song với việc xây dựng đơn vị, anh em thường xuyên ra với bà con để cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Cũng từ đó mới xuất hiện các tên gọi như “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”… Đến Tầm Phô, Kà Ốt, Suối Dầm, Tân Tiến, Tân Nam, Phước Mỹ, ai cũng yêu, cũng quý bộ đội của mình. Lính bám vào dân, dân dựa vào lính cùng nhau vượt qua khó khăn, kiên cường bám đất, bám làng, trụ vững trên biên giới, anh em luôn xem đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt.

Cũng trong giai đoạn này, công tác đối ngoại biên phòng đã được chú trọng và xem đó là một trong những nhiệm vụ chính trong các mặt công tác biên phòng. Khi ấy, tôi được cử theo đoàn chuyên gia sang giúp bạn Campuchia, bà con bên đó họ yêu quý, kính trọng mình lắm… Nhờ đó mà sau khi Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia do Chính phủ hai nước ký kết năm 1985 triển khai, ta cắm mốc biên giới rất thuận tiện. Sau khi hoàn thành lực lượng bảo vệ biên giới, các cấp chính quyền và nhân dân hai nước ngày càng gần nhau, hiểu nhau hơn, qua lại thăm hỏi, mua bán, trao đổi hàng hoá, khám, chữa bệnh, thăm thân thuận lợi, đánh dấu bước tiến mới cho công tác đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng”.

Đại tá Nguyễn Hoàng Ân- nguyên Chỉ huy phó của BĐBP tỉnh trải lòng bằng những kỷ niệm hằn sâu trong đời binh nghiệp của mình: “Nói cái khó cái khổ thời đó thì kể sao cho hết được, nhưng chính trong gian khó mới thấy hết được tấm lòng của đồng chí, đồng đội, của bà con nhân dân, yêu quý nhau, kính trọng nhau, mặc dù cơm gạo, thuốc men không đủ nhưng anh em đều duy trì đều đặn các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao- nhất là môn bóng chuyền. Vào cuối thập niên 80, đầu 90 khi nói đến bóng chuyền ở Tây Ninh này thì Biên phòng là số 1, còn trong lực lượng BĐBP thì luôn đứng đầu khu vực. Phải nói là mặc dù khó khăn, thiếu thốn nhưng tinh thần, ý chí, nghị lực của anh em rất cao, rất vững vàng, làm gì cũng đều hoàn thành  nhiệm vụ”.

Nhìn lại chặng đường lịch sử của BĐBP tỉnh trong giai đoạn 1995-2003, trên biên giới liên tiếp xảy ra các vụ xâm canh, xâm cư, lấn chiếm biên giới của một số hộ dân Khmer tiếp giáp, trong đó có sự hậu thuẫn của một tổ chức chính trị, xã hội và dân sự tại Campuchia, tình hình có lúc căng thẳng đến nảy lửa, dẫn đến xô xát. Nhưng chính bằng ý chí nghị lực, sức mạnh đoàn kết của luỹ thép biên phòng toàn dân nên quân dân các xã vùng biên như Tân Đông, Tân Lập, Biên Giới, Hoà Thạnh, Tiên Thuận, Long Thuận đã đấu tranh ngăn chặn, kịp thời ổn định tình hình an ninh biên giới.

Bảo vệ biên cương trong tình hình mới

Đại tá Lê Hồng Vương- Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh là người có thâm niên trên 30 năm gắn bó với biên giới Tây Ninh, trong đó hơn 2/3 thời gian phụ trách công tác trinh sát và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trên cương vị là người đứng đầu đơn vị, ông luôn trăn trở về những khó khăn, phức tạp, những âm mưu thủ đoạn mà các thế lực thù địch phản động, chờ thời cơ tìm cách xâm nhập vào trong để chống phá - nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Đại tá Nguyễn Tài Sơn- Chính uỷ BĐBP tỉnh, từng kinh qua nhiều vị trí, chức vụ và địa bàn công tác, tuy chỉ gắn bó với biên giới Tây Ninh hơn 5 năm, nhưng qua theo dõi ông đã có góc nhìn sâu sắc: “Tây Ninh có một luỹ thép biên phòng toàn dân vững mạnh, được xây dựng bằng cả tâm huyết tình cảm của người đứng đầu tỉnh đến bác nông dân, anh chiến sĩ trên biên giới.

5 năm qua, tôi đã chứng kiến những con người tuy không giàu có gì nhưng sẵn sàng hiến đất của mình để dựng chốt bảo vệ biên cương, để xây cột mốc, rồi những tổ liên kết sản xuất vùng biên được bà con nông dân đoàn kết lại vừa sản xuất vừa bảo vệ biên giới. Gần đây nhất là trong những ngày cao điểm chống dịch, mỗi ngày tôi tiếp gần chục lượt bà con mang đồ đến gửi lên cho bộ đội, thậm chí có những cháu nhỏ đập ống heo lấy tiền dành dụm của mình mua nước uống gửi lên cho bộ đội, hay những bà, những cô bán hàng rong ngoài chợ nghe tin có người lên biên giới là gom hết mớ rau cả vốn lẫn lãi nhờ chuyển lên cho bộ đội...

5 năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng lại các đồn, trạm biên phòng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó còn quan tâm mua sắm các trang thiết bị nghiệp vụ và phương tiện phục vụ trên các mặt công tác quốc phòng an ninh và đối ngoại. Cũng cần nói thêm rằng, BĐBP tỉnh luôn là lực lượng đi đầu trong công tác an sinh xã hội trên biên giới, như xây nhà, cấp thuốc, tặng quà, gần đây là các mô hình như “Tết biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em đến trường”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Con nuôi đồn biên phòng”... tất cả đều được BĐBP Tây Ninh triển khai thực hiện và vượt chỉ tiêu. Từ những việc làm ý nghĩa thiết thực đó của BĐBP cùng địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, ổn định dân sinh, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền địa phương và BĐBP. 

LÊ QUÂN

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục