Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

 

Nỗi nhớ quê âm ỉ

Năm nay, ông MouLa Philippe Michel và vợ đón cái tết thứ tư trên quê hương Tây Ninh tại nhà riêng ở xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu.

Ông Philippe là người mang hai dòng máu Việt - Pháp; sinh ra và lớn lên ở Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1973, ông Philippe lập gia đình với bà Đỗ Thị Kim Triệu, người ở Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Năm 1976, ông đưa gia đình sang Pháp định cư. Những ngày đầu ở xứ lạ, quê người, vợ chồng ông chỉ biết lao vào làm lụng. Làm để có tiền trang trải cuộc sống, làm để lo cho tương lai các con, và làm để quên đi nỗi nhớ quê cứ da diết trong lòng.

14 năm làm thuê, tích cóp được chút vốn, ông Philippe bàn với vợ chuyển sang làm kinh tế hộ gia đình với nghề may mặc. Cuộc sống gia đình dần ổn định, năm 1991, lần đầu vợ chồng ông Philippe, bà Kim Triệu về Việt Nam sau 15 năm đi xa. “Những năm mới qua, nhớ bên này lắm, nhất là khi tết nghe những bài hát xuân, não hết ruột gan. Lúc đó, phương tiện đi lại còn thiếu thốn, cuộc sống cũng còn khó khăn nên dù nhớ vẫn phải nén lòng. Từ năm 2000 trở về sau, việc đi lại dễ dàng, thoải mái hơn nên mỗi năm vợ chồng tôi đều cố gắng sắp xếp công việc về Việt Nam một lần. Về cho thoả nỗi nhớ trong lòng”- ông Philippe cười nói.

Và cứ mỗi bận đi - về hai quê Pháp - Việt, ông Philippe lại thấy dường như mình không thể rời xa Việt Nam thêm nữa. Những năm tháng ở Việt Nam, phong tục, tập quán, sự cởi mở của con người nơi đây đã giữ chân ông. “Ở bên kia, cuộc sống đủ đầy, mọi thứ hiện đại, nhưng mình vẫn cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Có những lúc thèm được nghe tiếng Việt, được nói tiếng Việt ghê lắm. Nhưng chỉ khi nào đi chợ, vào siêu thị mới có dịp gặp được nhiều người Việt để chuyện trò, chào hỏi. Còn ở đây, sáng ra đầu ngõ đã nghe tiếng nói của chòm xóm, vào quán ăn, người lạ bắt chuyện với nhau vẫn được đáp lại. Ở nước ngoài điều này khó lắm”- ông Philippe tâm sự.

Tuy mỗi năm đều về lại Tây Ninh, nhưng suốt mấy chục năm qua, ông bà Philippe chỉ đón tết ở đất Pháp. Vì thời gian nghỉ phép không trùng với thời gian tết nguyên đán. Ông Philippe kể, đón tết trên đất Pháp mọi thứ đều có, chỉ có… không khí tết Việt là không sao thay thế được. Ông Philippe nhớ lại: “Nhà tôi cũng sửa soạn mâm ngũ quả, cũng bánh mứt như bên đây để cúng ông bà, tổ tiên cho con cái biết phong tục. Đêm giao thừa, mọi người trong cộng đồng người Việt quanh đó cùng mang lễ đến chùa, cúng bái, cầu mong một năm mới bình an, tranh thủ chúc tết nhau, chia sẻ kinh nghiệm sống… Xong lễ, ai về nhà nấy, chuẩn bị hôm sau đi làm nên không khí của tết cũng không còn”. Cảnh ấy lại khiến ông Philippe nhớ về những cái tết ở quê xưa: đi đâu cũng thấy mai vàng, nhà nhà trang hoàng, gia đình quây quần bên nhau. Cái không khí rộn ràng, ấm áp đó thật không dễ gì quên.

Nỗi nhớ về cuộc sống bình dị ở Việt Nam cứ âm ỉ trong ông bà ngần ấy năm, thôi thúc ông bà Philippe về Tây Ninh, mua đất, cất nhà vào năm 2010. Khi các con đã thành đạt, hai ông bà chính thức trở về Tây Ninh vào năm 2016. Được về Việt Nam sống, không chỉ được nói tiếng Việt, được trò chuyện thoải mái với mọi người, với ông bà Philippe, đó còn là hạnh phúc khi được thưởng thức những món ăn đồng quê mà bên kia, dẫu có tiền cũng không mua được.

“Đi rồi mới thấy, không đâu bằng quê mình”- câu nói mộc mạc của ông Philippe càng khẳng định một điều, quê hương, xứ sở vẫn luôn là chốn về bình yên nhất của mỗi người.

Trở về để được sống trong tình làng nghĩa xóm, trở về để được thấy quê hương thay đổi, trở về để chung tay cho một Tây Ninh ngày mới. 

 

“Ở Pháp, những món ăn của Việt Nam hầu hết đều có, chỉ là đắt hay rẻ. Nhưng chỉ lá giang với bông so đũa không bao giờ có. Muốn ăn chỉ có về Việt Nam thôi. Mình lại thèm món đó, nên mỗi khi về Tây Ninh, cứ vài ba hôm tôi lại nấu một nồi canh chua lá giang, bông so đũa, kể cả những ngày tết. Ăn cho đã thèm”- bà Kim Triệu cười giòn tan.

Và còn một niềm vui mà có lẽ, trong sâu thẳm trái tim mỗi chúng ta đều có, đó là nhìn thấy quê hương ngày thêm đổi mới. Tây Ninh giờ đây đang chuyển mình, đi lên.

“Ngày tôi sang Pháp, Tây Ninh vẫn chưa có hồ Dầu Tiếng. Năm 1991 về, lần đầu tiên tôi vào đó tham quan. Tôi thật sự bất ngờ trước một biển nước mênh mông. Phải nói đó là một công trình vĩ đại và hữu ích- nhất là cho nông dân xứ mình, có nước làm ruộng quanh năm. Rồi mấy năm nay, có thêm nhiều nhà máy, công xưởng mọc lên. Điều này cho thấy tỉnh đã có những chính sách mới để thu hút đầu tư đến với Tây Ninh. Trước đây, nếu nói nhà máy lớn thì Tây Ninh chỉ có một nhà máy đường Bourbon”- ông Philippe nhận xét

Vợ chồng ông Philippe và bà Kim Triệu hạnh phúc khi tuổi già được về lại quê hương sinh sống.

Ông Philippe cũng chia sẻ, một đổi thay dễ thấy nữa, đó là hệ thống dịch vụ thương mại ở Tây Ninh đang phát triển nhanh chóng. Những toà nhà cao tầng, khách sạn, trung tâm thương mại sầm uất được xây cất, nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng đã đến mở cửa đáp ứng nhu cầu của người dân. Sự có mặt của những dịch vụ thương mại này cho thấy đời sống của người dân được nâng lên. Bởi có thị trường, doanh nghiệp mới dám đầu tư, phát triển. “Trước đây, Tây Ninh chỉ có những cửa tiệm mua sắm nhỏ lẻ hoặc lớn nhất có chợ Long Hoa, nhưng hiện nay có siêu thị Co.opMart, các siêu thị điện máy. Khách sạn đẳng cấp 4-5 sao cũng đã có, như khách sạn Sunrise là nơi tôi vẫn hay hẹn bạn bè uống cà phê mỗi khi ra thành phố Tây Ninh. Không gian ở đó yên tĩnh, sang trọng thích hợp cho những người lớn tuổi như tôi. Thấy tỉnh mình phát triển, đời sống người dân khá hơn xưa phải nói là rất mừng. Tôi cũng mong rằng, trong tương lai, Tây Ninh sẽ tiếp tục có những dự án đột phá để đưa tỉnh phát triển mạnh hơn nữa”- ông Philippe nói.

Mong ngày về cống hiến cho quê hương

Cô bạn Nguyễn Ngọc Thuý, quốc tịch Úc, năm nay 20 tuổi. Thuý chào đời vào năm 1998, sau khi ba mẹ Thuý từ Hoà Thành sang Úc định cư một năm.

Sinh ra, lớn lên, ăn học ở Úc, nhưng Thuý nghe, nói, viết tiếng Việt rất chuẩn và vô cùng lưu loát.

Nói tiếng Việt, điều tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được khi từ nhỏ đã sống ở nước ngoài. Đã có rất nhiều người gốc Việt nhưng không biết viết tiếng Việt, thậm chí không thể diễn đạt được tròn câu hết ý. Điều này cũng dễ hiểu, bởi ở nước ngoài, tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ bản xứ, lâu dần, tiếng mẹ đẻ rơi vào quên lãng.

Nhưng với Thuý, em được mẹ dạy: tiếng Việt là nguồn cội. Con người ta dù đi đâu, làm gì cũng phải nhớ về ngọn nguồn của mình. Vì vậy, ngay từ nhỏ, Thuý đã được làm quen với tiếng Việt. Trong gia đình, bao giờ ba mẹ Thuý cũng sử dụng tiếng Việt để trò chuyện với nhau. Tối đến, mẹ đọc truyện cổ tích cho Thuý nghe. Đến tuổi đi học, ngoài việc học các chương trình ở trường như các bạn, về nhà, Thuý còn học thêm tiếng Việt do mẹ dạy. 

“Do môi trường bên Úc mọi người ít dùng tiếng Việt, nên tôi vừa học nói vừa học viết. Mẹ kiên nhẫn dạy cho tôi từng chút một, sửa từng lỗi chính tả. Một ngày trung bình tôi sử dụng 80% tiếng Anh, và 20% còn lại là tiếng Việt. Có cơ hội là tôi nói tiếng Việt. Nhất là về nhà, mọi người trong gia đình đều sử dụng tiếng Việt. Tôi muốn mình phải thật sự thông thạo tiếng mẹ đẻ dù sống ở đâu, quốc tịch nào đi nữa. Nhiều người nghe tôi nói tiếng Việt cứ nghĩ tôi là du học sinh Việt Nam”- Ngọc Thuý cười, tiết lộ.

Để có thể thông thạo tiếng Việt, Thuý tìm đọc báo, xem tivi, các chương trình của Việt Nam. Đó cũng là kênh thông tin để Thuý hiểu hơn về nguồn cội; và càng tò mò về cuộc sống ở bên kia đại dương. Thuý ao ước được một lần về Việt Nam thăm quê quán của mình.

Năm 10 tuổi, mong ước đó của Thuý được thực hiện. Lần đầu tiên, Thuý theo ba mẹ về Tây Ninh. Đến bây giờ, Thuý vẫn còn nhớ cái tết đầu tiên ở nhà ông bà ngoại, cách Toà thánh chỉ vài bước chân. “Mọi thứ với tôi đều lạ lẫm và hấp dẫn. Thích nhất là những ngày cận tết. Tôi được mẹ dẫn đi chợ mua sắm, được cùng ông ngoại và ba trang trí cây mai vàng. Và lần đầu tiên, tôi được ba đưa vào Toà thánh xem múa lân”- Thuý cười nói.

Sau đó, cứ đều đặn mỗi năm, ba mẹ lại dẫn Thuý về Tây Ninh đón tết với ông bà ngoại. Mỗi lần về, Thuý lại nhận ra những mới lạ của Tây Ninh.

“Mỗi năm về tôi đều thấy Tây Ninh có thêm những công trình mới. Rõ nhất là các con đường ở đây đã được mở rộng ra, tráng nhựa phẳng phiu. Đặc biệt, những ngày gần tết, đường phố được trang hoàng lộng lẫy với đèn hoa. Nhất là ở khu vực thành phố Tây Ninh mấy năm nay thiết kế bùng binh phun nước, cầu Quan rực rỡ ánh đèn tạo ấn tượng cho du khách về một thành phố hiện đại, năng động”, Ngọc Thuý chia sẻ.

Dù không sinh ra ở Tây Ninh, nhưng Thuý vẫn xem mình là người con của Tây Ninh. Những điểm du lịch của tỉnh, với Thuý không lạ, nhưng cứ mỗi bận về quê ăn tết, Thuý lại đi tham quan từng nơi. Ngày ngày cùng ông ngoại tản bộ vào Toà thánh, hít thở không khí trong lành nơi đây. Rồi lên núi Bà Đen lễ Phật, hay vào Ma Thiên Lãnh ngắm cảnh. Đi để thấy quê mình bình yên và nhận ra nhiều cơ hội cho sự phát triển trong tương lai.

“Qua báo chí, em được biết Tây Ninh đang triển khai dự án phát triển du lịch. Sắp tới sẽ kêu gọi đầu tư đường cao tốc. Nếu những dự án này triển khai sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Tây Ninh kết nối với các địa phương khác. Tây Ninh phát triển cũng là cơ hội để tuổi trẻ bọn em thử thách và khẳng định bản thân”, Thuý chia sẻ.

Thì ra, Thuý đang ấp ủ dự định sẽ về Tây Ninh khởi nghiệp. Có lẽ, chính tình yêu quê hương của ba mẹ đã truyền cho Thuý từ khi nhỏ, từ những lần về Tây Ninh đón tết đầm ấm bên ông bà, họ hàng đã đong đầy trong Thuý tình cảm với Việt Nam, với Tây Ninh. Tình cảm đó đã gợi lên trong em ý nghĩ về Tây Ninh sống và làm việc.

Thuý cho biết, em vừa tốt nghiệp Đại học Y chuyên ngành nhãn khoa vào cuối năm 2018. Hiện Thuý đã đi làm và đang tiếp tục học lên thạc sĩ để nâng cao chuyên môn. “Em sẽ cố gắng học và tích luỹ thật nhiều kinh nghiệm ở nước Úc, sau đó sẽ về Tây Ninh làm việc. Em muốn về quê hương để cống hiến một phần sức trẻ của mình. Em nghĩ Tây Ninh không chỉ cần em mà còn cần rất nhiều những người bạn trẻ khác nữa cùng về đây. Khi có sự tiếp sức của những người trẻ, Tây Ninh sẽ vươn lên nhanh thôi”- Thuý bày tỏ suy nghĩ.

N.D