Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vừa qua, cử tri xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu kiến nghị ngành chức năng rà soát lại vùng đất nông nghiệp được quy định bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, tạo điều kiện cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất và cơ cấu lại cây trồng để khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Gặt lúa mùa nước lũ ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành (ảnh minh hoạ)
Trả lời vấn đề này, UBND tỉnh cho biết, Tây Ninh được Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) tại Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 10.5.2018. Theo đó, chỉ tiêu đất trồng lúa đến năm 2020 của tỉnh Tây Ninh là 70.679 ha, trong đó, đất chuyên trồng lúa là 48.686 ha.
Kết quả kiểm kê đất đai của tỉnh Tây Ninh được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt và công bố năm 2019, hiện trạng sử dụng đất trồng lúa là 60.865 ha (trong đó, đất chuyên trồng lúa là 39.266 ha), giảm 9.814 ha so với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020.
Nguyên nhân giảm diện tích đất trồng lúa là do sau thời điểm năm 2000, giá trị kinh tế trồng lúa không hiệu quả nên người sử dụng đất đã tự chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cao su, mì, mía...
Để bảo đảm nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và phù hợp với quy định của pháp luật, UBND tỉnh lập Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó có lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện và lập Kế hoạch sử dụng đất (2021-2025) tỉnh Tây Ninh trình Chính phủ phê duyệt. UBND cấp huyện lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất hằng năm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo thẩm quyền cũng có rà soát vùng bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, để có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp, tạo điều kiện cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất và cơ cấu lại cây trồng để khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cuộc sống người dân.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp huyện tổ chức thực hiện xác định ranh giới, diện tích và xây dựng cơ sở dữ liệu đất trồng lúa và công bố công khai bản đồ ranh giới diện tích đất trồng lúa, đất trồng lúa nước cần bảo vệ, đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt tại trụ sở UBND cấp xã trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, cấp huyện được UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống.
Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Do vậy, sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất (2021-2025) tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh sẽ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, trong đó có đất trồng lúa để UBND cấp huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm chỉ tiêu được phân bổ và đồng bộ, thống nhất với quy hoạch cấp trên theo quy định.
Ngoài việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt, để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cuộc sống, người dân có thể liên hệ UBND cấp xã để đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
ĐẠI DƯƠNG