Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Rác thải sinh hoạt là thứ bỏ đi. Cái gì không còn dùng được thì bỏ đi. Chuyện tưởng chừng như vô cùng đơn giản, nhưng trên thực tế, bao năm qua, thứ bỏ đi này lại trở thành vấn đề nan giải. Có nhiều giải pháp đã đề ra nhưng dường như rất khó giải quyết dứt điểm…
Điểm tập kết rác ở xã Phước Ninh gây ô nhiễm môi trường.
Theo đà phát triển của xã hội, những năm gần đây, rác thải sinh hoạt xuất hiện ngày càng nhiều. Rác thải tràn lan, rác thải tồn đọng đang làm xấu đi bộ mặt đô thị, ô nhiễm môi trường nông thôn.
Vấn nạn ở thành thị
Có lẽ chưa bao giờ ở tỉnh ta, rác thải sinh hoạt “hiện diện” khắp mọi nơi như hiện nay. Hầu như lúc nào, ở đâu cũng dễ dàng nhìn thấy loại vật chất không còn giá trị sử dụng này. Đặc biệt là dọc hai bên những tuyến đường giao thông ở các khu vực có mật độ dân cư đông đúc, những khu phố, thị trấn, thị tứ, rác gần như luôn song hành với cuộc sống người dân.
Từ thành phố Hồ Chí Minh vào địa phận tỉnh Tây Ninh, đi dọc theo đường Xuyên Á, tức quốc lộ 22, đến Khu công nghiệp Trảng Bàng là bắt đầu nhìn thấy rác. Trước nhà dân, cửa hàng, quán ăn ở khu vực này thường xuyên có nhiều bao, giỏ cần xé, thùng đựng rác để ven lề đường.
Hằng ngày, ngay từ sáng sớm, trong các vật chứa rác luôn đầy ắp. Đến trưa, mới có xe tải chuyên dùng đến thu gom rác chở đến bãi tập kết xử lý. Trước Khu công nghiệp và Khu chế xuất Linh Trung III, rác chất đầy trên dải phân cách từ ngã tư vào khu chế xuất.
Rác đè lên hàng cây kiểng. Rác tràn xuống lòng đường. Xung quanh khu công nghiệp và dọc theo đường Xuyên Á, có nhiều khu “chợ công nhân” tự phát. Ở những khu chợ này, buổi chiều đến tối hằng ngày bày bán đủ thứ vật dụng, quần áo, thức ăn, nước uống v.v…
Sau khi chợ tan, mặc dù các tiểu thương ở đây đều có ý thức dọn dẹp vệ sinh, nhưng trên thực tế cho thấy, rác vẫn còn vương vãi khắp nơi.
Tương tự như vậy, từ ngã ba Trảng Bàng rẽ phải theo đường tỉnh 782 - 784 hướng về huyện Dương Minh Châu cũng có đống rác làm “xấu xí” bộ mặt… nửa đô thị, nửa nông thôn ở đây. Ven con đường chính đi về Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, chính quyền địa phương đã bố trí những điểm tập kết rác.
Ở những điểm này, luôn có sẵn năm ba chiếc thùng chuyên dùng chứa rác của Công ty cổ phần Công trình đô thị Tây Ninh (gọi tắt là Cty Đô thị Tây Ninh) và có bảng thông báo với nội dung “Điểm tập kết rác” hay “Đề nghị bỏ rác vào thùng”. Thế nhưng, do những thùng chứa rác này quá nhỏ và quá ít, nên rất nhiều nơi rác bị đầy, tràn ra ngoài thùng, phơi bày trên mặt đất.
Mặt khác, một số người kém ý thức, khi đem rác đến đây không bỏ rác vào thùng mà “vứt đại vứt đùa”. Bọc rác nào rơi vào thùng xem như may mắn. Mớ rác nào không trúng đích, văng ra ngoài, góp phần biến nơi đây thành bãi rác.
Ở thành phố Tây Ninh, nhiều năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên phản ánh tình trạng rác thải sinh hoạt bừa bãi, lãnh đạo Cty Đô thị Tây Ninh đã có nhiều biện pháp khắc phục nhưng việc tìm điểm tập kết rác vẫn còn là bài toán khó chưa tìm ra lời giải đáp thoả đáng.
Hiện nay, rác thải sinh hoạt vẫn thường tập kết ở những nơi có đất trống hoặc ven đường giao thông để thuận tiện cho xe chuyên dùng đến thu gom. Từ những điểm tập kết rác như thế đã nảy sinh nhiều vấn đề.
Cụ thể như điểm tập kết rác ở hẻm số 18, đường Nguyễn Văn Rốp, khu phố 5, phường IV, TP Tây Ninh. Cty Đô thị Tây Ninh tận dụng khu đất trống (trại cưa cũ của huyện Hoà Thành) để tập kết rác. Hằng ngày, nhân viên của công ty thu gom rác đem về để ở đây, đến sáng ngày hôm sau mới vận chuyển đi nơi khác. Việc chứa rác như thế đã gây phiền phức cho nhiều hộ dân xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Lệ Chi- một người dân làm ăn sinh sống gần điểm tập kết rác này nói: “Chúng tôi đề nghị cán bộ Cty Đô thị Tây Ninh đến nhà chúng tôi ở trong vòng 1- 2 giờ thử xem, nếu chịu nổi tình trạng ô nhiễm mùi hôi thì chúng tôi chịu nổi. Nếu không chịu nổi thì làm ơn có biện pháp khắc phục tình trạng này, chứ để ô nhiễm môi trường như vầy hoài làm sao bà con ở đây sống được”.
Không chỉ tại khu đất trống nêu trên, ở thành phố Tây Ninh còn có khá nhiều điểm tập kết rác tương tự như thế. Như trên đường Nguyễn Văn Rốp, có một nơi thường xuyên tập kết nhiều thùng rác. Con đường này hẹp, nhà dân, quán ăn san sát, karaoke, giải khát, việc để những thùng rác đầy ắp như thế rất phản cảm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn và sinh sống của người dân.
Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn trước trụ sở Văn phòng khu phố Hiệp Lễ, phường Hiệp Ninh, cứ từ trưa tới chiều là có bốn, năm thùng rác lớn từ chợ phường Hiệp Ninh (chợ Thương Binh) để ngay dưới lòng đường.
Điểm tập kết rác này vừa dễ gây tai nạn giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường khu phố. Cũng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn trước tường rào Công ty Điện lực Tây Ninh hầu như lúc nào cũng chễm chệ nhiều thùng chứa rác đầy óc ách “chễm chệ” gần một trạm xe buýt, mỗi khi hành khách ghé vào đây chờ xe đều phải đưa tay lên che mũi.
Trên đường Hoàng Lê Kha, đoạn trước khu vui chơi Ước mơ tuổi thơ cũ cũng thường xuyên có nhiều thùng chứa rác. Trong khi đoạn đường này tập trung nhiều địa chỉ sinh hoạt - văn hoá thể thao, nhiều cơ sở kinh tế lớn như khách sạn Sunrise, Toyota Tây Ninh và siêu thị Nguyễn Kim đang được xây dựng v.v… Việc để những xe chứa rác giữa nơi cần sự quang đãng, sạch sẽ như thế thật là phản cảm.
Thảm hoạ ở nông thôn
Tình trạng rác thải sinh hoạt ở nông thôn cũng chẳng có gì tươm tất hơn. Chúng tôi thử đi một vòng về một số xã nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu về việc xử lý rác thải sinh hoạt. Và nhận thấy, tất cả những xã nông thôn chúng tôi đến đều đang khổ sở vì rác.
Ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, hơn một năm nay, rác thải sinh hoạt cứ đem tập trung tại ngã ba đường liên xã Phước Minh - Phước Ninh. Xung quanh khu vực này có nhiều cơ quan hành chính - sự nghiệp của xã, như trụ sở UBND, trạm y tế, trường học, bưu điện văn hoá, nhà bia tưởng niệm và nhiều nhà dân.
Khi chúng tôi có mặt tại đây, thấy có tổng cộng 9 thùng đựng rác, loại có dung tích 180 lít và 2 thùng rác loại có dung tích 600 lít, có bánh xe đẩy. Tất cả các thùng đều chứa đầy rác. Xung quanh những thùng rác này còn có hàng chục bao tải, bao ni lông đầy căng rác.
Ông Thi Khắc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết, nhiều năm nay, Phòng Kinh tế - Hạ tầng (KT-HT) huyện ký hợp đồng thu gom xử lý rác với Cty Đô thị Tây Ninh. Cty Đô thị hợp đồng một nhân viên chuyên làm công tác thu gom rác ở khu dân cư, chợ, quán… tập kết lại một chỗ chờ xe chuyên dùng đến chở đi.
Vấn đề là ở chỗ, mỗi tuần, xe chuyên dùng đến chở rác đi có hai lần; còn các thùng rác đã quá cũ, hầu hết nắp đậy đều hư hỏng. Vì thế, những ngày trước khi xe chuyển rác đến, rác đầy tràn, bốc mùi hôi thối không chịu nổi.
Thời gian trước, những xe rác này tập trung phía bên phải trụ sở UBND xã, nhưng do những ngày cuối đợt lấy rác, mùi hôi bốc lên dữ quá nên hơn một năm trước đã cho dời địa điểm qua phía bên trái trụ sở- nơi tập kết rác hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Huy, việc xử lý rác như thế là chưa ổn. Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Tốt hơn là nên tăng cường thêm một số thùng rác loại lớn, có nắp đậy, để rác có đầy thùng cũng đỡ hôi thối và “tăng chuyến” xe chuyên dùng đến lấy rác thường xuyên hơn. Vừa rồi, UBND huyện tổ chức họp giải quyết vấn đề rác, chúng tôi có đề nghị huyện cho bố trí thêm một số điểm lấy rác trong khu dân cư của xã”.
Ở xã biên giới Thành Long, huyện Châu Thành, cả chính quyền và người dân cũng đang đau đầu vì rác. Dọc hai bên đường từ cầu Bến Sỏi đến cửa khẩu Phước Tân có nhiều hộ dân làm ăn sinh sống.
Theo lời ông Nguyễn Văn Chủng- Chủ tịch UBND xã Thành Long, việc người dân vứt rác hai bên đường luôn là vấn đề nan giải của xã. UBND xã phải cử lực lượng Công an thường xuyên theo dõi hành vi vứt rác bừa bãi hai bên đường để xử phạt, nhưng không xuể.
“Nhiều người dân cứ chở bao rác sau xe gắn máy, đến đoạn đường vắng, nhìn qua nhìn lại, không thấy ai, lập tức hất bao rác xuống đường rồi rồ ga chạy mất”, ông Chủng cho biết, ở các ấp còn lại trong xã, người dân tự gom rác lại đốt, chôn lấp hoặc vứt bỏ bừa bãi sau nhà.
Ở xã Thành Long có các chợ Bến Sỏi, chợ Hoà Bình buôn bán nhộn nhịp. Những năm trước, khi chợ Hoà Bình chưa sửa chữa, có ông Sơn- Trưởng Ban quản lý chợ đảm trách việc thu gom rác, đem ra ngoài để xe chuyên dụng của Cty Đô thị Tây Ninh đến lấy, chở đi.
Từ tháng 4.2016 đến nay, chợ Hoà Bình giải toả để chờ xây dựng chợ mới. Trong giai đoạn này, tiểu thương di chuyển nhiều nơi, Ban quản lý chợ không còn thu tiền rác được nữa, nên việc thu gom rác cũng bị buông lỏng, trong chợ và xung quanh chợ rác thải tràn lan.
“Vừa rồi, Cty Đô thị Tây Ninh phải cho xe đến xúc đống rác trong chợ, chở đến bãi rác Tân Hưng xử lý”, ông Chủng nói, “UBND xã đã tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc xử lý rác thải. Đa số bà con đều đồng ý đóng tiền cho nhân viên thu gom và xử lý rác, nhưng người dân ở xã biên giới này kinh tế còn khó khăn nên mức đóng góp của dân không đủ chi phí thuê Cty Đô thị thu gom, vận chuyển rác. Vì vậy, rất mong được huyện hỗ trợ thêm tiền xử lý rác”.
Hàng chục năm nay, ở xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng có một bãi rác công cộng khá quy mô. Mặc dù mấy tháng gần đây, chính quyền địa phương quy hoạch bãi rác khác, nhưng hậu quả của bãi rác cũ để lại vô cùng nặng nề.
Hiện nay, bãi rác cũ vẫn còn mùi hôi thối nồng nặc. Trong bãi rác có nhiều vỏ chai đựng thuốc trừ sâu và nhiều đống kính thuỷ tinh- việc tiêu huỷ những loại rác này phải mất thời gian hàng trăm năm, thậm chí là vĩnh viễn.
Nước thải của bãi rác đen ngòm, thấm vào lòng đất, chảy ra đồng ruộng, sông ngòi, mang theo biết bao mầm bệnh và gây ô nhiễm môi trường. Cách xử lý rác ở đây là dùng lửa đốt.
Phương pháp xử lý này gây thiệt hại kép. Khói, bụi từ đám cháy bay đi khắp nơi, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Sức nóng từ bãi rác khiến cho một số cây xanh gần đó bị chết. UBND xã Bình Thạnh đã quy hoạch bãi rác mới.
Nhưng bãi rác mới cũng chẳng có gì thay đổi, không có trải bạt chống thấm hay áp dụng phương pháp xử lý rác tiên tiến. Sau một vài năm nữa, chắc chắn bãi rác này cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường như bãi rác cũ.
Những năm qua, báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để phản ánh vấn đề rác thải sinh hoạt. Trong các lần tiếp xúc cử tri, nhiều lần người dân cũng lên tiếng kêu ca về rác. Lẽ nào, không có cách xử lý những thứ phế thải tưởng chứng “nhỏ nhặt” này?
Đại Dương- Thái Hoà