Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Rắc rối chung quanh việc nhờ đứng tên giấy chứng nhận QSDĐ
Thứ bảy: 05:25 ngày 10/10/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo ông Chung IL- Gyo (ông Chung là người Hàn Quốc), năm 2001 ông đến xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu đầu tư dự án nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, do pháp luật Việt Nam quy định người nước ngoài chưa được đứng tên quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại Việt Nam, nên ông Chung nhờ một người dân ở xã Lộc Ninh đứng tên “giùm”. Rắc rối bắt đầu phát sinh khi ông Chung yêu cầu người đứng tên giùm QSDĐ làm thủ tục chuyển QSDĐ cho con dâu ông.

ĐỨNG TÊN “GIÙM” HAY GIAO QUYỀN SỬ DỤNG?

Trong đơn ông Chung cho biết, khi mua gần 3 ha đất của nhiều hộ dân tại ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu, vì là người nước ngoài nên ông nhờ bà Lê Thị Ngọc Điệp, là người quen với gia đình ông đứng tên QSDĐ giùm.

Ông Chung là người đứng ra trả tiền mặt cho người bán đất và trực tiếp sản xuất trên đất từ đó đến nay. Vào ngày 11.11.2008, bà Điệp có cam kết chỉ đứng tên giùm ông Chung trên giấy chứng nhận QSDĐ, thừa nhận ông Chung đang sử dụng đối với các phần đất nêu trên; khi ông Chung có yêu cầu thì bà Điệp sẽ làm thủ tục chuyển QSDĐ đứng tên giùm theo sự chỉ định của ông Chung.

Ông Chung hiện đang giữ tất cả các giấy chứng nhận QSDĐ mà bà Điệp đứng tên giùm. Tuy nhiên, ngày 6.6.2013, ông Chung phát hiện bà Điệp làm đơn cớ mất các giấy chứng nhận QSDĐ; và đề nghị cơ quan chức năng cấp lại phó bản cho bà.

Do đó, ông Chung làm đơn gửi đến UBND huyện Dương Minh Châu để khiếu nại và yêu cầu không làm thủ tục cấp phó bản giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Điệp.

Hiện nay, ông Chung có một người con dâu mang quốc tịch Việt Nam và ông mong muốn bà Điệp làm thủ tục chuyển giao lại các phần đất trên cho con dâu ông đứng tên QSDĐ. Bà Điệp không đồng ý. Ông Chung cho rằng bà Điệp có ý muốn chiếm các phần đất trên.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, trước đó- vào ngày 24.10.2008, ông Chung và con trai có làm đơn cam kết với nội dung “chúng tôi đồng ý giao bà Lê Thị Ngọc Điệp đứng tên QSDĐ với diện tích 29.710m2… chúng tôi cam kết không tranh chấp, không khiếu nại phần đất trên…”.

Thế nhưng chưa đầy một tháng sau đó, vào 11.11.2008, cha con ông Chung và bà Điệp lại làm một tờ thoả thuận về việc bà Điệp chỉ đứng tên giùm và thay mặt cha con ông Chung thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước Việt Nam…

Khi cha con ông Chung có nhu cầu chuyển nhượng, tặng, cho QSDĐ cho người khác, bà Điệp sẵn sàng ký tên vào các văn bản chuyển nhượng các thửa đất cho người thứ 3 do cha con ông Chung chỉ định. Bà Điệp đồng ý không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ cha con ông Chung.

Tuy nhiên, cả bản cam kết và tờ thoả thuận lập sau đó đều không có cơ quan chức năng có thẩm quyền chứng nhận, chỉ có chữ ký và dấu tay của các bên.

NƠI NÀO TIẾP NHẬN GIẢI QUYẾT?

Sau khi ông Chung yêu cầu bà Điệp chuyển QSDĐ cho người con dâu, nhưng bà Điệp không đồng ý, vào tháng 6.2015, ông Chung làm đơn gửi đến UBND xã Lộc Ninh yêu cầu buộc bà Điệp phải chuyển QSDĐ và yêu cầu bà Điệp trả lại số tiền 250 triệu đồng.

Sau khi tiếp nhận đơn, ngày 2.7.2015 UBND xã Lộc Ninh có văn bản hướng dẫn ông Chung khởi kiện tranh chấp dân sự tại TAND huyện Dương Minh Châu, với lý do “không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã do tranh chấp có yếu tố nước ngoài”.

Theo hướng dẫn của UBND xã, ông Chung uỷ quyền cho con dâu là Nguyễn Ngọc Yến Duyên (ngụ tỉnh Bình Dương) thay mặt ông tiến hành khởi kiện bà Điệp tại TAND huyện Dương Minh Châu.

Thế nhưng, ngày 26.8.2015, TAND huyện Dương Minh Châu thông báo trả lại đơn khởi kiện của chị Duyên với lý do “Hồ sơ khởi kiện của chị Duyên chưa bảo đảm điều kiện khởi kiện theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự”. TAND huyện Dương Minh Châu trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo cho chị Duyên.

Đến đây thì ông Chung “bí”, không biết nơi nào tiếp nhận giải quyết vụ việc giữa ông và bà Điệp để gửi đơn yêu cầu xử lý.

Trao đổi với ông Nguyễn Duy Phú - Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh, chúng tôi khẳng định không có văn bản nào quy định tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài thì UBND xã không được tổ chức hoà giải. Lúc đó ông Phú cho rằng, nếu đưa vụ việc trên ra hoà giải tại xã thì sẽ rất khó khăn, bởi UBND xã không thể thuê người phiên dịch.

Vì vậy, UBND xã hướng dẫn ông Chung khởi kiện ra toà. Tuy nhiên ông Phú cũng cho biết, ông sẽ xin ý kiến của UBND huyện Dương Minh Châu và các ngành chức năng huyện để có hướng xử lý vụ việc tranh chấp trên.

Mới đây, ngày 7.10.2015, UBND xã Lộc Ninh đã có văn bản gửi đến Báo Tây Ninh cho biết, qua xem xét vụ việc và thống nhất quan điểm với các ngành có liên quan, UBND xã Lộc Ninh tổ chức đối thoại, hoà giải giữa ông Chung và bà Lê Thị Ngọc Điệp theo chức năng cấp xã và các quy định pháp luật hiện hành. Về tranh chấp dân sự vay mượn giữa ông Chung và bà Điệp, hiện TAND huyện Dương Minh Châu đang thụ lý giải quyết theo quy định tố tụng dân sự.

Hy vọng vụ tranh chấp QSDĐ giữa ông Chung IL- Gyo và bà Lê Thị Ngọc Điệp sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, đúng bản chất của sự việc, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho ông Chung và cả bà Lê Thị Ngọc Điệp. 

NGHĨA NHÂN – ĐỨC AN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục