Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giảm nghèo đa chiều:
Rắc rối chuyện định giá tài sản
Thứ sáu: 14:49 ngày 14/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Việc xác định giá trị ti vi màu, xe máy khiến cho việc điều tra, rà soát mất nhiều thời gian, vì không có căn cứ nào để có thể xác định chính xác chiếc xe máy hay cái ti vi mà chủ hộ đang sở hữu giá bao nhiêu tiền. Nếu cán bộ điều tra có chấm điểm thì cũng “áng áng” cho xong việc, bởi muốn biết tương đối (tương đối thôi) chính xác giá trị của chiếc xe hay cái ti vi bao nhiêu tiền thì chắc phải nhờ đến cơ quan thẩm định giá.

Ngày 19.11.2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 59/2015/QÐ- TTg (Quyết định 59) về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, một hộ được xác định là nghèo hay cận nghèo không chỉ có thu nhập mà còn kèm theo một số tiêu chí khác. Cụ thể, Quyết định 59 quy định 5 tiêu chí liên quan đến việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Người đàn ông tàn tật này sống một mình trong căn nhà đại đoàn kết mới xây nhưng không có công trình phụ.

MỘT CHIẾC TI VI, XE MÁY BAO NHIÊU TIỀN?

Sau khi có Quyết định 59, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) ban hành Thông tư 17/2016/TTBLÐTBXH hướng dẫn triển khai Nghị định 59 của Thủ tướng Chính phủ. Ðể tránh những đánh giá cảm tính, Thông tư 17 hướng dẫn việc rà soát hộ nghèo rất chi tiết, hầu hết các tiêu chí liên quan đến việc rà soát đều được lượng hoá. Trong đó, có việc căn cứ vào tài sản của những hộ thuộc diện điều tra, rà soát hộ nghèo để quy thành điểm.

Thông tư 17 liệt kê các loại tài sản chủ yếu, bao gồm: Ti vi màu, dàn nghe nhạc các loại, ô tô, xe máy, xe có động cơ, tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ, máy giặt, sấy quần áo, bình tắm nước nóng, lò vi sóng, lò nướng, tàu, ghe, thuyền có động cơ. Căn cứ vào danh mục tài sản mà hộ được rà soát đang sở hữu, cán bộ điều tra sẽ chấm điểm theo hướng dẫn của Thông tư 17. Theo đó, nếu sở hữu ô tô thì chấm 50 điểm (đây là tài sản có số điểm cao nhất), điểm thấp nhất thuộc về những hộ nào sở hữu lò vi sóng (5 điểm). Hộ nằm trong diện rà soát nếu sở hữu ti vi màu sẽ được chấm 15 điểm, có xe máy được chấm 25 điểm.

Tất cả tài sản lớn nhỏ cũng như những tiêu chí khác đều được quy thành điểm. Căn cứ vào biểu điểm của Thông tư 17 cán bộ điều tra, rà soát có nhiệm vụ cộng điểm của từng hộ theo từng tiêu chí, sau đó đối chiếu với thang điểm trong Thông tư là có thể xác định được ngay hộ đó rơi vào trường hợp nào, nghèo hay cận nghèo.

Trong đợt kiểm tra, phúc tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2017 được thực hiện hồi tháng 3 vừa qua, có một vấn đề nổi lên, đó là chuyện xác định giá trị tài sản, cụ thể là ti vi màu và xe máy để chấm điểm. Theo đó, nếu hộ dân nằm trong danh sách điều tra rà soát mà có một chiếc ti vi màu giá trị từ 5 triệu đồng trở lên thì mới được chấm 15 điểm.

Ðối với xe máy, chỉ chiếc xe nào được xác định có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên mới được 25 điểm. Tổng điểm cộng lại nếu như nhỏ hơn mức điểm tối thiểu quy định trong Thông tư 17 thì hộ đó sẽ là hộ nghèo hoặc cận nghèo. Ðể cho dễ hiểu, xin nói ngắn gọn: tổng điểm về tài sản càng cao thì số hộ nghèo, cận nghèo càng thấp và ngược lại.

Tuy nhiên, một hộ dân có điểm tài sản cao nhưng vẫn có thể rơi vào hộ nghèo nếu chưa thụ hưởng đầy đủ dịch vụ tối thiểu. Ðây chính là nội dung cốt yếu của nghèo đa chiều. Lãnh đạo Phòng LÐ-TB&XH huyện Tân Biên cho biết, năm 2015, chỉ cần hộ nào có ti vi, xe máy là được chấm điểm, không cần biết giá trị của các phương tiện, tiện nghi như vừa nêu bao nhiêu tiền. Theo vị lãnh đạo này, quy định sở hữu tài sản như vừa trình bày ở trên là một trong những nguyên nhân khiến số hộ nghèo phát sinh cao (453 hộ). Cùng quan điểm, lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu cho rằng, quy định điều tra, rà soát hộ nghèo có liên quan đến hai loại tài sản phổ biến là ti vi màu và xe máy đang có những bất hợp lý.

Cụ thể, việc đặt ra yêu cầu mỗi hộ trong diện rà soát phải có ti vi màu giá từ 5 triệu đồng và xe máy từ 10 triệu đồng trở lên là không hợp lý. Một trong những lý do là quá trình điều tra, rà soát, rất khó xác định được hai loại tài sản nêu trên trị giá bao nhiêu tiền. Tương tự, tại buổi đoàn kiểm tra làm việc với UBND thành phố Tây Ninh, đại diện một xã thuộc vùng sâu của Thành phố cho biết, nếu thực hiện đúng quy định, xác định đúng giá trị ti vi màu và xe máy như trên thì xã vùng sâu này có khoảng một nửa tổng số hộ sẽ rơi vào diện nghèo, bởi mặc dù có ti vi, xe máy nhưng lại không được điểm nào do ti vi, xe máy rất “bèo” trị giá dưới 5 triệu và 10 triệu đồng.

Trước việc phải xác định giá trị tài sản (ti vi màu và xe máy), hiện có nhiều ý kiến thể hiện sự lo ngại bởi cách làm có phần hơi cứng nhắc. Trước hết, với những hộ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo, cho dù được công nhận hay chưa, thì việc sở hữu một cái ti vi và một chiếc xe máy đã là tốt rồi, do đó, không nên quy định giá trị của hai loại tài sản vừa nêu.

Mặt khác, sự phát triển, cạnh tranh của công nghệ điện tử đã khiến cho các nhà sản xuất ti vi và xe máy đang tìm mọi cách để giảm giá thành sản phẩm. Tại thời điểm hiện nay, ở phân khúc bình dân, phổ thông, chỉ cần khoảng bốn triệu đồng, thậm chí thấp hơn là đã có một cái ti vi màn hình phẳng mới 100%.

Tương tự, với xe máy, nếu mua xe của các nhà sản xuất danh tiếng thì cần ít nhất từ 15 - 20 triệu đồng nhưng với các loại xe khác hoặc xe đã qua sử dụng thì chỉ cần 6 - 7 triệu đồng là đã được sở hữu chiếc xe còn “chạy tốt”. Ðó còn chưa kể, việc xác định giá trị ti vi màu, xe máy khiến cho việc điều tra, rà soát mất nhiều thời gian, vì không có căn cứ nào để có thể xác định chính xác chiếc xe máy hay cái ti vi mà chủ hộ đang sở hữu giá bao nhiêu tiền. Nếu cán bộ điều tra có chấm điểm thì cũng “áng áng” cho xong việc, bởi muốn biết tương đối (tương đối thôi) chính xác giá trị của chiếc xe hay cái ti vi bao nhiêu tiền thì chắc phải nhờ đến cơ quan thẩm định giá.

Một căn nhà đại đoàn kết ở huyện Dương Minh Châu (nữ chủ nhân sống 1 mình, thỉnh thoảng cô con gái duy nhất đã lấy chồng xa mới về thăm).

ÐẠI ÐOÀN KẾT: CĂN NHÀ CHƯA HOÀN THIỆN

Nhà đại đoàn kết ban đầu có tên gọi là nhà tình thương. Việc xây nhà cho những người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đã được thực hiện từ rất lâu. Lúc ban đầu, số tiền dành cho việc xây nhà tình thương chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng. Một thời gian sau, giá trị của ngôi nhà tình thương được nâng lên từ 10 - 14 triệu đồng. Những năm gần đây, nhất là sau khi nhà tình thương đổi tên gọi là nhà đại đoàn kết, giá trị những ngôi nhà có yếu tố nhân đạo này tiếp tục được nâng lên, tuỳ vào từng trường hợp, từng nhóm đối tượng và từng quy định cụ thể của trung ương, địa phương. Những ngôi nhà này có thể khang trang hơn, đủ đầy hơn nếu như gia chủ có tiền thêm vào để hoàn thiện.

Tuy vậy, hiện nay có một thực tế là, phần lớn những ngôi nhà thuộc diện vừa kể ở trên đều không có công trình phụ, cụ thể là nhà tắm và nhà vệ sinh. Trong đợt kiểm tra, phúc tra hồi tháng 3 vừa qua, một số thành viên trong đoàn và cả đại diện chính quyền địa phương đều nhìn nhận, nhà chỉ có chỗ ăn, chỗ ở mà không có công trình phụ là một thiếu sót, một công trình chưa hoàn thiện. Nếu chủ nhân của những ngôi nhà nói trên là người lành lặn, khoẻ mạnh thì còn đỡ nhưng với người già, người tàn tật, neo đơn thì việc ở trong những ngôi nhà không có công trình phụ là không ổn, thậm chí có lúc nguy hiểm.

Tại xã Thanh Phước của huyện Gò Dầu có một ông cụ tàn tật đang sống trong một căn nhà như vậy. Hôm kiểm tra, không phải một mà hai vị cán bộ cấp tỉnh đã đi từ trước ra sau nhà quan sát, đoạn hỏi ông cụ: “Không có công trình phụ, chuyện sinh hoạt cá nhân của ông ở đâu”? Cụ già tàn tật cả hai chân, chỉ có thể lết chứ không đi được, chỉ ra phía xa xa ở cuối vườn, còn khi tắm rửa, cụ phải lết sang nhà người cháu ở gần bên.

Ngoài chuyện không có công trình phụ, lãnh đạo nhiều địa phương cũng cho biết, những ngôi nhà tình thương, nhà đại đoàn kết được xây từ lâu nay đã xuống cấp. Có trường hợp, để bảo đảm an toàn tính mạng, mỗi khi trời mưa gió, gia chủ phải lánh tạm sang nhà hàng xóm.

THÀ CHẬM CÒN HƠN

Như đã trình bày ở phần đầu bài, một trong những khác biệt của tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều là không chỉ tính thu nhập mà còn chú trọng đến những dịch vụ thiết yếu khác, trong đó có y tế và giáo dục. Tân Châu là một trong những huyện đã cố gắng làm sáng tỏ, chi tiết hoá các số liệu liên quan đến việc người thụ hưởng dịch vụ y tế và giáo dục của người nghèo.

Năm 2016, trên địa bàn huyện Tân Châu còn 1.188 hộ nghèo, trong đó 306 hộ có ít nhất một thành viên từ 15 tuổi đến dưới 30 tuổi không tốt nghiệp trung học cơ sở và hiện không còn đi học nữa. Ở cấp, bậc học thấp hơn và độ tuổi thấp hơn, lãnh đạo huyện Tân Châu cho biết, 85 hộ gia đình có ít nhất một thành viên từ 5 đến dưới 15 tuổi không đi học.

Ðối với 1.003 hộ cận nghèo, 174 hộ trong số đó có ít nhất một thành viên từ 15 tuổi đến dưới 30 tuổi không tốt nghiệp THCS và hiện không đi học. Cũng như vậy, có 74 hộ gia đình có ít nhất một thành viên từ 5 - 15 tuổi hiện không đi học. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo cũng đang thiếu hụt các dịch vụ liên quan đến y tế, chăm sóc sức khoẻ. Trong đó, đáng lưu ý là nhiều hộ cận nghèo, dù được hỗ trợ 70% số tiền mua thẻ BHYT nhưng vẫn không mua.

Mục tiêu của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương là làm cho mọi người, mọi nhà, không phân biệt thành phần xã hội, tuổi tác, vùng miền, điều kiện sinh sống…đều được tiếp cận với y tế và giáo dục. Ðã có những bước tiến được ghi nhận nhưng rõ ràng, vẫn còn nhiều việc phải làm, bởi ở đâu đó vẫn còn tình trạng trẻ em không được đến trường, người ốm đau bệnh tật không có thẻ BHYT.

Ngoài hai dịch vụ cơ bản, thiết yếu như trên, để thực hiện một cách thực chất, bền vững những tiêu chí còn lại gồm nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin còn phải mất nhiều thời gian với lộ trình và bước đi phù hợp. Tại sao phải có lộ trình và bước đi phù hợp? Bởi vì, công cuộc giảm nghèo những năm qua cho thấy có dấu hiệu của chủ trương làm nhanh, làm ẩu theo kiểu “tiến nhanh, tiến mạnh” trong khi lại xem nhẹ tính bền vững. Ðiều này được chứng minh qua số hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh.

Nguồn ngân sách và nguồn vốn vay của các định chế tín dụng quốc tế dành cho chương trình giảm nghèo rất lớn, tuỳ vào từng giai đoạn, có khi lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn tỷ đồng. Vì vậy, để cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo đảm nâng chuẩn nghèo theo tinh thần đa chiều, cần làm một cách bài bản, thà chậm mà chắc, không nên chạy theo phong trào để lấy thành tích khen thưởng kiểu “bé khoẻ bé ngoan”.

VIỆT ÐÔNG

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh