Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Trong cuộc sống hằng ngày, nhu cầu tự vay tiền với nhau để làm ăn của người dân là rất lớn. Khi đó, họ tự thoả thuận với nhau về lãi suất, thời gian vay tiền, nhưng trong giấy vay nợ thường chỉ ghi số tiền gốc, không ghi rõ lãi suất. Vì vậy, có vụ phải nhờ pháp luật phân xử.

Ngày 20.1.2012, bà Minh cho bà Hà vay số tiền 170.000.000 đồng, thoả thuận lãi suất 3%/tháng, có làm giấy nợ nhưng không ghi lãi suất. Đến ngày 2.7.2012, bà Hà trả được 70.000.000 đồng nợ gốc và sau đó trả dần 8 tháng nợ gốc mỗi tháng 2.000.000 đồng. Tính đến tháng 6.2013 thì bà Hà đã trả 86.000.000 đồng nợ gốc, còn tiền lãi chưa trả lần nào.
Bà Minh yêu cầu bà Hà trả 84.000.000 đồng nợ gốc và tiền lãi theo quy định của pháp luật, tính từ ngày 20.1.2012 đến ngày 2.7.2012 của số tiền vay 170.000.000 đồng. Thời gian từ tháng 8.2012 đến tháng 6.2013 bà không yêu cầu tính lãi; còn từ tháng 7.2013 đến ngày vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm thì tính lãi theo quy định của pháp luật của 84.000.000 đồng nợ gốc còn lại.
Ngược lại, bà Hà cho rằng số tiền vay và thời điểm vay khác với những gì bà Minh trình bày. Cụ thể vào ngày 8.12.2010, bà Hà vay 70.000.000 đồng, sau đó đến ngày 20.1.2011, bà tiếp tục vay thêm 100.000.000 đồng.
Bà đã trả lãi theo mức lãi suất 5%/tháng từ ngày vay số tiền 70.000.000 đồng, đến ngày 20.1.2012 thì bà và bà Minh mới thoả thuận làm giấy nợ với tổng số tiền vay là 170.000.000 đồng. Việc trả lãi hoàn toàn không có giấy tờ hay chứng cứ nào khác để chứng minh.
Toà án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Minh, buộc bà Hà phải trả cho bà Minh tổng số tiền 99.052.500 đồng. Trong đó nợ gốc 84.000.000 đồng, nợ lãi 15.052.500 đồng.
Sau đó, bản án đã bị Viện Kiểm sát tỉnh kháng nghị với nội dung: Toà án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 476 của Bộ luật Dân sự để tính tiền lãi theo mức lãi suất 1,125% là không đúng, vì bà Minh và bà Hà có tranh chấp về lãi suất và không có chứng cứ xác định rõ mức lãi suất, nên thuộc trường hợp tính lãi suất theo quy định tại Khoản 2 Điều 476 của Bộ luật Dân sự. Viện Kiểm sát tỉnh đề nghị Toà án cấp phúc thẩm sửa phần quyết định về mức lãi suất của bản án dân sự sơ thẩm.
Xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh nhận định, bà Minh và bà Hà đều xác định hai bên thực hiện hợp đồng vay theo “giấy mượn tiền” ghi ngày 20.1.2012 là hợp đồng vay có tính lãi, bà Minh khai lãi suất 3%/tháng, bà Hà thì khai lãi suất 5%/tháng nhưng cả hai đều không có chứng cứ chứng minh. Do đó, Toà áp dụng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố theo quy định tại Khoản 2 Điều 476 của Bộ luật Dân sự.
Từ đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm và buộc bà Hà trả cho Minh tiền gốc và lãi suất là 0,75%/tháng. Tổng cộng bà Hà phải trả cho bà Minh 94.035.000 đồng (giảm khoảng 5 triệu đồng so với bản án sơ thẩm), trong đó có 84.000.000 đồng tiền nợ gốc và 10.035.000 đồng tiền lãi.
Tương tự vụ trên, ngày 9.3.2011, chị Hồng có cho bà Thuý và con trai bà Thuý là anh Hậu vay số tiền 110.000.000 đồng để trả nợ ngân hàng, có ghi giấy nợ do bà Thuý và anh Hậu ký tên, có bà Phan ký tên làm chứng với thoả thuận thời hạn trả nợ 10 ngày, không thoả thuận lãi suất.
Đến hạn trả nợ, bà Thuý và anh Hậu không trả tiền cho chị Hồng. Ngày 21.3.2011, chị Hồng và bà Thuý thoả thuận tính lãi suất 2%/tháng đến khi trả hết nợ. Theo đó, bà Thuý trả lãi được 25 tháng, với số tiền 55.000.000 đồng, đến ngày 9.6.2013 thì ngưng không trả lãi và cũng không trả nợ gốc.
Tháng 7 năm 2013, chị Hồng khởi kiện yêu cầu bà Thuý trả nợ gốc 110.000.000 đồng và nợ lãi từ ngày 9.6.2013 đến ngày khởi kiện là 6.600.000 đồng, tổng cộng là 116.600.000 đồng.
Tại phiên toà sơ thẩm, người đại diện uỷ quyền cho chị Hồng yêu cầu bà Thuý và anh Hậu phải trả 91.047.000 đồng, sau khi đã trừ tất cả các khoản mà bà Thuý đã trả trước đó.
Xét xử sơ thẩm, TAND đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Hồng về việc yêu cầu bà Thuý và anh Hậu trả số tiền vay 91.047.000 đồng. Sau phiên toà sơ thẩm, người đại diện uỷ quyền của chị Hồng kháng cáo lên toà án phúc thẩm yêu cầu huỷ bản án sơ thẩm.
TAND cấp phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử và không chấp nhận kháng cáo của người đại diện uỷ quyền của chị Hồng, và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Qua 2 vụ việc trên cho thấy, việc thoả thuận lãi suất cho vay giữa người dân với nhau, nhưng không ghi lãi suất rõ trong giấy mượn nợ có khi sinh rắc rối lớn. Ngoài ra, việc ghi giấy mượn tiền thường cũng rất đơn giản, nên có thể xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng để giúp người dân có được kiến thức pháp luật về những giao dịch thường gặp trong cuộc sống, nhằm hạn chế rắc rối xảy ra, phải nhờ luật pháp can thiệp.
SONG HUỲNH