Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng
Thứ hai: 08:41 ngày 27/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Kinh tế xã hội phát triển, tốc độ đô thị hoá nhanh, khối lượng rác thải sinh hoạt cũng theo đó mà gia tăng và bắt đầu có dấu hiệu “hết tải” ở các cơ sở xử lý.

Xử lý rác thải sinh hoạt tại Công ty TNHH Môi Trường Xanh Huê Phương.

Mỗi năm, rác thải sinh hoạt tăng khoảng 20%

Theo số liệu thống kê của thành phố Tây Ninh, lượng rác thải sinh hoạt thu gom hằng ngày trên địa bàn mỗi ngày dao động khoảng từ  90 - 120 tấn. Tại thị xã Hoà Thành và thị xã Trảng Bàng, trung bình một địa phương thu gom khoảng 70 tấn rác thải sinh hoạt/ ngày. Như vậy chỉ với 3 đô thị trong tỉnh, mỗi ngày lượng rác thải sinh hoạt phải xử lý khoảng gần 300 tấn.

Thông tin từ các Phòng Quản lý đô thị của thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và Trảng Bàng, trung bình mỗi năm, lượng rác thải sinh hoạt tại các địa phương này tăng khoảng 20%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 khu tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt chính. Đó là Công ty công nghệ môi trường Tây Ninh với công suất 84.350.910 kg và Nhà máy xử lý rác tập trung của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương với với công suất là 20.167.289,26 kg.

Còn lại một số cơ sở vừa và nhỏ có khối lượng chất thải phát sinh ít, chủ yếu ở các vùng nông thôn, đơn vị chức năng không có phương tiện phù hợp để thu gom nên các cơ sở tự phân loại và xử lý bằng phương pháp ủ làm phân.

Cần mở rộng công suất xử lý rác khu vực Gò Dầu, Trảng Bàng

Trao đổi với một vài doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, hầu hết đều cho rằng, nếu tỉnh không có phương án chủ động mở rộng thêm điểm tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt thì trong tương lai các nhà máy sẽ quá tải.

Thực tế thời gian qua đã bắt đầu có dấu hiệu “hết tải”. Do đó, các cơ quan chức năng cần có những định hướng cho việc mở rộng công suất các nhà máy xử lý rác thải, tuyên truyền vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn và tận dụng rác thải hữu cơ để ủ làm phân hữu cơ…

Thu gom rác thải sinh hoạt tại phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) cho biết, công ty đang tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt của thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu và đã hoạt động hết công suất.

Chính vì đã “hết tải”, nên thời gian qua có một số địa phương như huyện Dương Minh Châu liên hệ với công ty để đưa rác thải sinh hoạt đến xử lý nhưng đơn vị không thể tiếp nhận.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương cho biết, rác thải sinh hoạt phải được xử lý theo quy trình, đúng quy định. Trước tiên, phải qua khâu phân loại thành chất thải hữu cơ, chất thải rắn có thể tái chế và chất thải nguy hại.

Đối với chất thải hữu cơ, công ty có quy trình ủ để đưa vào dây chuyền sản xuất phân hữu cơ vi sinh phục vụ cho việc bón phân cây công nghiệp lâu ngày. Rác thải rắn cho thể tái chế như bọc nylon, chai nhựa… qua dây chuyền chế biến từ hệ thống đốt để có thể đưa ra sản phẩm như hạt nhựa.

Ngoài ra, tro sỉ trong quá trình đốt rác được dùng để sản xuất gạch không nung. Riêng rác thải sinh hoạt nguy hoại như pin ắc-quy phải đốt tiêu huỷ trong quy trình khép kín.

Công ty cũng đã có kế hoạch và xin chủ trương mở một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt có quy mô lớn hơn để có thể chủ động tiếp nhận xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng tăng trong tương lai.

Các địa phương khác như thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành… rác thải sinh hoạt được đưa về xử lý tại Công ty công nghệ môi trường Tây Ninh (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) và với lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng thì việc đến một ngày nào đó, việc quá tải cũng là điều tất yếu.

Theo các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, dù cơ quan chức năng nỗ lực tuyên truyền, chính quyền địa phương đến từng hộ dân vận động, nhưng số lượng hộ dân, hộ kinh doanh đóng tiền thu gom rác chỉ khoảng 50%. Có hộ kinh doanh lớn chây ì không chịu đóng, đến khi đơn vị thu gom rác chụp ảnh, ghi hình để yêu cầu chính quyền địa phương xử lý mới chịu đóng tiền. Đây cũng là một vấn đề mà cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền để hạn chế tình trạng vứt rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định.

 

Thế Nhân

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục