Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Rác thải sinh hoạt-nguồn “tài nguyên” hữu ích
Thứ hai: 00:59 ngày 04/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Dương Thái Bình- Giám đốc Công ty cổ phần công trình đô thị Tây Ninh cho biết thêm, rác thải sinh hoạt là “tài nguyên” có thể chế biến thành những sản phẩm có giá trị như phân hữu cơ, hạt nhựa… nếu xử lý đúng quy trình.

Sản phẩm phân hữu cơ vi sinh được sản xuất từ rác thải hữu cơ.

Nhiều năm qua, rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề “nóng” của xã hội, đặc biệt là công tác thu gom, vận chuyển và xử lý tại các địa phương. Với tốc độ đô thị hoá ngày càng “chóng mặt”, dân cư tăng, vấn đề rác thải sinh hoạt luôn được các địa phương quan tâm để bảo vệ môi trường, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh.

Ý thức của người dân là quan trọng

Nhiều năm qua, công tác thu gom, xử lý chất thải nói chung được tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện, từng bước đi vào nề nếp. Người dân dần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với hoạt động quản lý rác thải sinh hoạt như ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển xử lý rác đúng quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân chưa có ý thức trong việc quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt. Thay vì ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý, họ lại mang rác thải sinh hoạt của gia đình vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, dù phí thu gom rác thải hộ gia đình hiện nay không quá cao.

Trong các cuộc họp tổ dân cư tự quản, những buổi tuyên truyền pháp luật, chính quyền địa phương thường xuyên vận động, khuyến khích người dân ký hợp đồng thu gom rác nhằm bảo vệ môi trường. Thế nhưng, tình trạng vứt rác thải bừa bãi vẫn chưa thể chấm dứt, thỉnh thoảng trên địa bàn lại xuất hiện các điểm vứt rác tự phát, gây bức xúc trong dân. Chính quyền địa phương phải tổ chức thu gom, xử lý và cắm bảng cảnh báo, thậm chí phải “mật phục” để bắt quả tang các đối tượng thiếu ý thức, vứt rác thải sai quy định, tiến hành xử phạt hành chính.

Chính quyền nhiều địa phương cũng nỗ lực trong việc vận động người dân tự phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà, nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Người dân gom cả rác thải hữu cơ, vô cơ, rác thải nguy hại bỏ vào bao ni-lông, chờ xe thu gom rác đến lấy.

Ông Dương Thái Bình- Giám đốc Công ty cổ phần công trình đô thị Tây Ninh cho biết, hằng ngày, đơn vị thu gom hơn 200 tấn rác thải sinh hoạt chưa phân loại tại các địa phương mà đơn vị có ký hợp đồng, đưa về nhà máy phân loại, xử lý. Theo ông Bình, nếu người dân nhận thức được việc phân loại rác thải tại nguồn, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sẽ đi vào nề nếp và bảo đảm vệ sinh môi trường hơn. Rác thải hữu cơ có thể chế biến thành phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn rác có thể tái chế được như bọc nylon, vỏ chai nhựa… vẫn có thể làm thành các loại sản phẩm phục vụ đời sống.

Rác thải sinh hoạt là “tiền”

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh có hai đơn vị tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt chính. Ðó là Công ty công nghệ môi trường Tây Ninh và nhà máy xử lý rác tập trung của Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương.

Một đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải cho biết, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở Tây Ninh có dấu hiệu “quá tải”, cần nâng cao công suất xử lý rác thải của các nhà máy; vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn và tận dụng rác thải hữu cơ ủ làm phân…

Ông Dương Thái Bình- Giám đốc Công ty cổ phần công trình đô thị Tây Ninh cho biết thêm, rác thải sinh hoạt là “tài nguyên” có thể chế biến thành những sản phẩm có giá trị như phân hữu cơ, hạt nhựa… nếu xử lý đúng quy trình. Sắp tới đây, theo Luật Bảo vệ môi trường, rác thải sinh hoạt sẽ chia làm 3 loại để thu phí thu gom rác, trong đó rác thải hữu cơ có phí thu gom thấp hơn rác thải sinh hoạt rắn, nguy hại. Theo ông Bình, ngân sách Nhà nước đang phải trả cho các đơn vị xử lý rác với giá 370 ngàn đồng/tấn.

Ðưa rác thải sinh hoạt vào dây chuyền phân loại rác tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty Môi trường xanh Huê Phương.

Ðại diện Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương cho biết, phần lớn các nguồn rác thải sinh hoạt đưa về công ty xử lý đều không qua phân loại. Công ty tiếp nhận, xử lý trung bình khoảng 300 tấn rác thải/ngày, gần như đã hết công suất nên thời gian qua công ty không ký thêm hợp đồng vì sợ “quá tải”.

Khi tiếp nhận rác thải sinh hoạt, công ty phải phân loại thành chất thải hữu cơ, chất thải rắn có thể tái chế và chất thải nguy hại. Rác hữu cơ được công ty đưa vào quy trình ủ rác, chuyển đến dây chuyền sản xuất phân hữu cơ vi sinh, bón cây công nghiệp lâu ngày.

Rác thải có thể tái chế như bọc nylon, chai nhựa… qua dây chuyền chế biến thành hạt nhựa. Ngoài ra, tro xỉ trong quá trình đốt rác được dùng để sản xuất gạch không nung. Riêng rác thải sinh hoạt nguy hại như pin ắc-quy, công ty phải đốt, tiêu huỷ theo quy trình khép kín.

Phân hữu cơ của công ty sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt tiêu chuẩn, đang trong quá trình thử nghiệm, đăng ký nhãn hiệu, thăm dò thị trường để đưa ra kinh doanh. Riêng sản phẩm gạch không nung sản xuất từ tro xỉ đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đạt chuẩn để đưa ra thị trường.

Có thể thấy rằng, nếu được xử lý đúng cách, rác thải sinh hoạt cũng được xem là một trong những nguồn “tài nguyên” sản xuất ra những sản phẩm hữu ích phục vụ xã hội, góp phần bảo vệ môi trường.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh