Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đây là tuyến duy nhất thông thương đường thuỷ giữa các tỉnh khác với trung tâm tỉnh Tây Ninh và giữa các địa phương khác với thị xã Tây Ninh.

Rạch Tây Ninh- từ đầu nguồn đến sông Vàm Cỏ Đông dài 38km với lưu vực rộng khoảng 329 km2. Đây là tuyến duy nhất thông thương đường thuỷ giữa các tỉnh khác với trung tâm tỉnh Tây Ninh và giữa các địa phương khác với thị xã Tây Ninh. Những năm gần đây, người dân thị xã Tây Ninh cảm thấy âu lo khi con rạch bị ô nhiễm, bồi lắng nặng. Để “cứu” con rạch đang xuống cấp nghiêm trọng, trong thời gian qua, các cấp, các ngành liên quan đã tập trung đầu tư nâng cấp con rạch. Hiện nay khu vực hai bên bờ rạch đoạn qua trung tâm thị xã Tây Ninh đã xây dựng bờ kè, làm công viên khang trang, sạch đẹp. Thế nhưng vào mùa khô lòng rạch cạn kiệt và vẫn còn âm ỉ mùi khó ngửi…
Ô nhiễm nguồn nước đang giảm dần
Năm 2004, kết quả điều tra, khảo sát và đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường rạch Tây Ninh do Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì đã khiến những người quan tâm phải giật mình. Theo đó, giai đoạn trước năm 2004 thì tổng lượng nước thải sinh hoạt của người dân và nước thải công nghiệp của gần 30 cơ sở chế biến trong lưu vực đổ xuống rạch Tây Ninh là rất lớn- bình quân khoảng gần 200.000m3 mỗi ngày. Trong tổng lượng nước thải đó có tải lượng chất gây ô nhiễm không nhỏ, bao gồm: hơn 100.000 kg chất SS, hơn 190.000 kg chất BOD5, hơn 310.000 kg chất COD, hơn 4.200 kg N tổng, 400 kg P tổng, hơn 6.300 kg dầu mỡ… Ngoài ra, trong quá trình sản xuất nông nghiệp, dư lượng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật theo dòng nước đổ xuống rạch Tây Ninh cũng không ít, trong đó có những chất mang độc tính cao, gây ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng. Qua đánh giá các kết quả quan trắc trong 4 lần thực hiện lấy mẫu nước và phân tích 11 chỉ tiêu hoá lý, Viện Môi trường và Tài nguyên kết luận là ở một số vị trí trên các chỉ tiêu ô nhiễm về oxy hoà tan, hữu cơ, vi sinh đều vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, rạch Tây Ninh còn có hiện tượng bồi lắng ngày càng nhiều làm hạn chế dòng chảy.
![]() |
Rạch Tây Ninh thiếu nước mùa khô. |
Để “cứu” con rạch đồng thời tạo cảnh quan đẹp góp phần nâng cao mỹ quan đô thị khu vực trung tâm thị xã Tây Ninh, giữa năm 2005 UBND tỉnh phê duyệt dự án nạo vét rạch Tây Ninh- đoạn từ bến Trường Đổi đến cầu Thái Hoà có chiều dài 2.100 mét với tổng kinh phí là 2,325 tỷ đồng với tổng khối lượng nạo vét lòng rạch Tây Ninh hơn 93.000m3. Đồng thời triển khai thực hiện dự án xây dựng bờ kè hai bên rạch Tây Ninh với tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng để tạo cảnh quan thông thoáng. Đặc biệt là từ năm 2003, để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước, trên lưu vực rạch Tây Ninh có 6 cơ sở chế biến khoai mì cùng 2 nhà máy chế biến mía đường được đưa vào kế hoạch phải xử lý ô nhiễm theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2007, tiếp tục có 2 cơ sở chế biến khoai mì và 1 cơ sở chế biến cao su được đưa vào kế hoạch phải thực hiện xử lý ô nhiễm theo Quyết định số 759/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Năm 2008, có thêm 6 cơ sở chế biến khoai mì phải thực hiện xử lý ô nhiễm theo Quyết định số 1762/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Năm 2009, tiếp tục có 2 cơ sở chế biến khoai mì và 1 cơ sở chế biến cao su phải thực hiện xử lý ô nhiễm…
Qua nỗ lực giải quyết, xử lý, đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường nước rạch Tây Ninh đã giảm hẵn. Hiện nay, vào mùa mưa khi lượng nước mưa đổ vào nhiều thì nước rạch Tây Ninh không còn nồng mùi hôi nữa. Thế nhưng…
Lượng nước ngày càng cạn kiệt
Hiện tại, vấn đề ô nhiễm nguồn nước của rạch Tây Ninh không còn bức xúc gay gắt như trước. Chỉ trong mấy tháng mùa khô- khi lượng nước trong lòng rạch cạn dần thì thỉnh thoảng những người dân sống ven con rạch mới “nghe” mùi khó ngửi của dòng nước bị ô nhiễm, nhưng không còn “nặng” như trước. Nỗi âu lo về ô nhiễm môi trường nước con rạch đã giảm phần nào, nhưng hiện tại lại phát sinh nỗi lo khác- đó là lượng nước trong lòng con rạch Tây Ninh không còn dồi dào như trước đây mà ngày càng cạn dần và lượng bùn lắng ngày càng tăng.
Trong một cuộc họp góp ý về Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Tây Ninh đến năm 2020, ông Phan Văn Sử- Giám đốc Sở Nội vụ (trước đây từng là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng rạch Tây Ninh đang báo động tình trạng thiếu nước ngày càng nghiêm trọng. Nhiều năm trước đây, lượng nước của rạch Tây Ninh rất dồi dào - kể cả trong mùa khô gần bờ rạch vẫn còn đầy nước. Thế nhưng hiện nay, trong mùa khô có nơi hai bên bờ rạch đã trơ bùn, chỉ còn dòng chảy giữa rạch mà thôi và có đoạn độ sâu không quá gối. Nhìn lòng rạch cạn kiệt trong mùa khô nhiều người có cảm giác con rạch đang trong tình trạng “èo uột” thiếu sinh khí. Không ít người dân Thị xã cũng nhìn thấy thực trạng thiếu nước của rạch Tây Ninh trong những năm gần đây và lo rằng nếu không có giải pháp bổ sung nguồn nước thì không bao lâu nữa con rạch sẽ không còn nước vào mùa khô. Lúc đó, toàn bộ lượng chất gây ô nhiễm sẽ lắng lại do không còn đủ lượng nước để pha loãng và đẩy đi.
Giải pháp nào để bổ sung lượng nước cho rạch Tây Ninh. Có ý kiến cho rằng thuận lợi nhất và hiệu quả nhất là lấy nước từ nguồn hồ Dầu Tiếng, qua kênh chính Tây tạo dòng chảy đưa vào rạch. Ý kiến này được giới chuyên môn đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề khó là chức năng của hồ theo như quy định hiện nay là: tưới tiêu nông nghiệp; cung cấp nước công nghiệp, nước sinh hoạt; đẩy mặn sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông… nhưng lại không có chức năng bổ sung nước cho rạch Tây Ninh. Nếu muốn thực hiện được việc này phải xin phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lập dự án “Quy hoạch vùng lòng hồ Dầu Tiếng và khu đầu mối phục vụ quản lý, khai thác đa mục tiêu” và dự kiến kết thúc vào năm 2013. UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo ngành chức năng sớm tham mưu đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung thêm chức năng cung cấp nguồn nước cho rạch Tây Ninh và quy hoạch để trong những năm sắp tới con rạch độc nhất qua trung tâm Thị xã này không còn bị cạn kiệt nữa.
Sơn Trần