Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ráo riết giải vây cho Tân Sơn Nhất
Thứ năm: 14:31 ngày 09/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 8/2, Sở Giao thông Vận tải TPHCM khởi công hai cầu vượt tại nút giao Trường Sơn - Hồng Hà và tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.


Hành khách xách va ly vào sân bay Tân Sơn Nhất phải len lỏi trong dòng xe kẹt cứng. Nguồn: Zing.

Chống kẹt dưới đất

Cầu vượt tại nút giao Trường Sơn- Hồng Hà (nhánh đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) có hình chữ Y gồm một nhánh dẫn vào nhà ga quốc tế dài hơn 300m và một nhánh dẫn vào nhà ga quốc nội dài hơn 150m, sẽ hoàn thành sau 6 tháng thi công.

Cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn bằng thép, có hình chữ N gồm nhánh hướng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, nhánh hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám và nhánh từ đường Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn. Công trình sẽ hoàn thành xây dựng trong 10 tháng. Kinh phí xây dựng hai cầu vượt gần 750 tỷ đồng.  

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một lối ra vào duy nhất, cơ sở hạ tầng phục vụ chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch dẫn đến thường xảy ra ùn tắc. Ngay trong năm nay, Sở sẽ triển khai 4 dự án khác nhằm kéo giảm ùn tắc các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Bốn dự án nói trên gồm dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám đoạn gần đường Phổ Quang, dự án mở rộng đường Cộng Hòa (đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả), đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay) và mở rộng đoạn đường Phan Thúc Duyện.

Tại một hội thảo về giao thông vừa diễn ra tại TPHCM, nhiều chuyên gia cho rằng mở rộng đường, xây cầu vượt tại các nút giao thông để chống ùn tắc cho khu vực cửa ngõ sân bay là điều kiện cần nhưng chưa đủ.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, Trường Sơn là đường độc đạo và đã là độc đạo thì nguyên tắc đầu tiên cần đảm bảo là phục vụ cho mục đích duy nhất là ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Việc kết nối đường Trường Sơn với đường Phạm Văn Đồng là một sai lầm và nếu buộc phải làm thì đến đoạn kết nối với sân bay phải thành đường một chiều từ sân bay đi ra tránh tình trạng các phương tiện không vào sân bay nhưng vẫn đi tắt qua Trường Sơn để vào trung tâm thành phố. Tổ chức giao thông như vậy sẽ giảm tải ít nhất 75% mật độ phương tiện so với hiện nay.

KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất đoạn từ Nguyễn Văn Trỗi qua Trường Sơn tổ chức thành đường dành riêng (ưu tiên) cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng (xe buýt, xe khách, taxi) đưa khách vào sân bay. Hành khách nào muốn đi xe cá nhân thì phải chấp nhận kẹt xe. Ai muốn đi nhanh phải sử dụng phương tiện công cộng.

“Ở nhiều nước phát triển, khách lưu trú tại các khách sạn vẫn đi xe buýt ra sân bay. Đó là những chuyến xe từ 24 - 30 chỗ đi qua các khách sạn đón khách. Ở Việt Nam cũng nên có những tuyến như vậy”, ông Sơn nói.

Kẹt xe trên đường Trường Sơn dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Giảm nghẽn trên trời

Trước đó, Bộ GTVT đã ráo riết tìm phương án và kế hoạch phát triển, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo ông Nguyễn Bách Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), sân bay Tân Sơn Nhất có 2 đường cất, hạ cánh 25R/07L và 07R/25L cùng một đường lăn song song và sân đỗ máy bay.

Với điều kiện hiện có về đường băng, sân đỗ, Tân Sơn Nhất có thể đón từ 36 - 38 chuyến/giờ, và đáp ứng tối đa khoảng 223.500 chuyến cất, hạ cánh/năm và có thể đạt công suất 33 - 34 triệu khách/năm. Tuy nhiên, công suất thiết kế của hệ thống nhà ga hiện tại gồm nhà ga quốc tế và nhà ga quốc nội chỉ đạt khoảng 28 triệu khách/năm.

Năm 2016, Tân Sơn Nhất đã đón 32,5 triệu khách với khoảng 218.000 lượt máy bay cất, hạ cánh. Con số này cho thấy đã vượt công suất của hệ thống nhà ga và sắp chạm ngưỡng của hạ tầng khu bay gồm hệ thống đường băng, đường lăn và sân đỗ. Đó là chưa nói đến hệ thống sân đỗ máy bay hiện nay chỉ có thể đáp ứng cho 50 vị trí đỗ trong khi nhu cầu hiện tại là 67 vị trí. Dự báo năm 2017, Tân Sơn Nhất có thể đón 35 triệu hành khách và trong các năm 2018, 2020 sẽ đạt 45 và 49 triệu khách.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, việc nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất là rất cấp bách trong thời gian chờ sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Trong năm 2017, các đơn vị liên quan phải hoàn tất việc đầu tư xây dựng sân đỗ khu vực 21 ha. Riêng việc sửa chữa đường cất hạ cánh, xây dựng nhà ga T3, T4 cần cố gắng hoàn thành trong năm 2018.

Bộ trưởng GTVT cho biết, sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Quốc phòng sớm giao đất để triển khai xây dựng nhà ga T3, T4, đồng thời trình Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công, chỉ định nhà đầu tư đối với 2 nhà ga nhằm đảm bảo tính cấp bách của dự án.

Trước đó, tại phiên họp của Chính phủ ngày 20/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chấp thuận phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do đơn vị tư vấn ADCC đưa ra. Theo đó, Tân Sơn Nhất sẽ xây thêm đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ, cải tạo đường cất hạ cánh 25L/07R, xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3 và nhà ga hành khách T4 (cùng có công suất 10 triệu khách/năm) ở khu vực phía nam sân bay hiện nay. Phương án này sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên chi phí đầu tư khoảng 19.700 tỷ đồng, thời gian xây dựng 3 năm, đảm bảo công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm.

Theo PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM, có thể lấy một phần đất của sân golf mở nhà ga hướng gần đường Tân Sơn. Có thêm nhà ga này, không chỉ phân chia bớt lượng hành khách tập trung ở nhà ga hiện nay mà còn giúp giảm áp lực giao thông rất nhiều tại trục đường Trường Sơn, nút giao thông xung quanh Lăng Cha Cả.

“Chỉ cần làm được điều này, chưa cần nói đến việc xây thêm đường cất hạ cánh, sân bay Tân Sơn Nhất có thể đáp ứng 40 triệu lượt khách/năm”, ông Tống nói.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục