BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ráo riết ứng phó với Covid-19 

Cập nhật ngày: 14/02/2020 - 06:46

BTN - Tính đến 12 giờ ngày 13.2.2020, trên thế giới đã có 60.062 ca nhiễm virus Covid-19, trong đó có 1.355 ca tử vong. Ở nước ta, có 16 ca nhiễm, chưa có ca tử vong. Ở Tây Ninh, tuy chưa ghi nhận trường hợp mắc, nhưng trước tình trạng đáng báo động này, các ngành chức năng ráo riết ứng phó.

Khách du lịch đến tham quan Toà thánh Cao Đài Tây Ninh đều mang khẩu trang để phòng, chống lây lan dịch bệnh Covid-19.

Bác sĩ Trần Huyền Trân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, Covid-19 là một loại virus mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người. Virus lây từ người sang người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Các triệu chứng của bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Khi khởi phát, Covid-19 gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.

Trước tình hình này, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 và triển khai các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh như: xây dựng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong Ban; thành lập đội phản ứng nhanh; thiết lập số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo; thành lập khu cách ly tập trung; xây dựng bệnh viện dã chiến. 

Ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch bệnh Covid-19, dự trù kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, soạn thảo văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế công lập và tư nhân xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh, xây dựng khu cách ly để thu dung điều trị, thành lập ban chỉ đạo, đội phản ứng nhanh và đội điều trị cơ động, chuẩn bị trang thiết bị cho khu cách ly.

Ở các cửa khẩu, tăng cường kiểm dịch y tế quốc tế bằng cách đo thân nhiệt, phun thuốc khử trùng xe, cấp phát tờ rơi tuyên truyền và hướng dẫn người dân xuất nhập cảnh cách phòng, chống dịch bệnh, lấy lời khai đối với người nhập cảnh có dấu hiệu bệnh. Đồn Biên phòng phong toả các đường mòn, lối mở, không cho người dân qua lại. Tại các cửa khẩu quốc tế và quốc gia, đo thân nhiệt, sàng lọc ca bệnh nghi ngờ chuyển về các khu cách ly tập trung và khu cách ly để thu dung điều trị. Ở các khu công nghiệp, Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế huyện/thành phố theo dõi, giám sát quản lý người Trung Quốc cách ly 14 ngày từ khi nhập cảnh vào Việt Nam. 

Khuyến cáo chung với người dân: tránh đi lại, du lịch nếu có sốt, ho hoặc khó thở; đến ngay cơ sở y tế, đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển với nhân viên y tế; tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm vào mắt, mũi miệng.  

Khi ho, hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, hãy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay. Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch, thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã. Đeo khẩu trang khi đi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh. 

Khuyến cáo với những người từ Trung Quốc trở về: cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. 

Đối với những người đến Trung Quốc: nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong dịp này. Trường hợp bắt buộc ra khỏi nhà, phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tâm lý cán bộ, giáo viên, học sinh. Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, Sở tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cách thức tự theo dõi sức khoẻ, khai báo khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh. 

Sở triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, UBND các huyện/thành phố, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT về việc phòng, chống dịch bệnh này đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh bằng nhiều kênh thông tin, như: e-mail, website của đơn vị, hệ thống nhắn tin điện tử VNPT.

Hướng dẫn học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách an toàn. Đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có biểu hiện ho, sốt. Không đến các khu vực, các quốc gia đang có dịch bệnh. 

Kiểm tra thân nhiệt tại cửa khẩu Kà Tum (huyện Tân Châu).

Các đơn vị, trường học phối hợp với trung tâm y tế huyện/thành phố để được hỗ trợ thuốc Cloramin B, hướng dẫn cách phun thuốc, khử khuẩn đúng quy trình. Sử dụng các dung dịch khử khuẩn lau bề mặt sàn nhà, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa. Bố trí xà phòng, khuyến khích cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh rửa tay thường xuyên.

Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các căn-tin, bếp ăn tập thể. Cung cấp đủ nước uống cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường. Sở GD&ĐT đã trao 60 ngàn khẩu trang y tế cho các đơn vị thuộc các phòng GD&ĐT: Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu, Trảng Bàng; Trường phổ thông Dân tộc nội trú và Trường Khuyết tật tỉnh.

Khi có khuyến cáo của ngành Y tế về việc cần phải cho học sinh, sinh viên nghỉ học đề phòng lây lan dịch bệnh, Sở đã xin ý kiến của UBND tỉnh và có chỉ đạo, thông báo chính thức tới các đơn vị, trường học cho học sinh tạm nghỉ học. Trong thời gian nghỉ học, lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo cho các tổ chuyên môn hướng dẫn, nhắc nhở học sinh, sinh viên ôn tập, tự học ở nhà; tham gia giao thông an toàn, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh đuối nước…

Đồng thời phối hợp với cha mẹ, người thân của học sinh trong việc quản lý, chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho học sinh. Nếu thấy học sinh có biểu hiện như sốt cao, ho kéo dài, khó chịu, đau đầu và bệnh liên quan hô hấp, gia đình nên đưa học sinh đến các trung tâm y tế để kiểm tra.

Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng trước khi đi ngủ; sau khi thức dậy cũng như trước và sau khi tiếp xúc với cộng đồng cư dân đông đúc, để đề phòng nhiễm bệnh, cần che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Nhắc nhở học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên tuyệt đối không đưa các thông tin sai sự thât về tình hình dịch bệnh- nhất là việc đưa lên các trang mạng xã hội.

Đại Dương