Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo y học cổ truyền, rau mác có vị ngọt, hơi đắng, tính mát; có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, giảm đau, trừ thũng.
Rau mác hay còn gọi là từ cô thuộc họ Trạch tả. Là loại cây thảo sống nhiều năm, có thân nằm dưới đất, ở đầu phình thành củ. Lá hình mũi mác, có 3 thuỳ nhọn, cuống lá dài. Cán hoa mọc đứng, trần dài 20-90cm, mang hoa từ nửa trên.
Hoa trắng, khá to, tập hợp thành chùm đứt đoạn, xếp đối nhau hoặc thành 3 cái một. Quả bế dẹp. Ở vùng cao bà con thường lấy rau mác để làm thức ăn, lá non và cuống lá thường được làm rau luộc, xào hay nấu canh ăn. Củ rau mác thu hoạch vào mùa đông, dùng để nấu hay luộc ăn.
Một số bài thuốc cụ thể:
Bài 1: Chữa rối loạn tiêu hóa do thức ăn: Rễ củ rau mác 100g cạo sạch vỏ ngoài, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống làm 2-3 lần trong ngày. Dùng liền 2-3 ngày. Ngoài ra cần ăn cháo đỗ xanh để giải độc, nếu tình trạng không thuyên giảm cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp.
Bài 2: Chữa khí hư: Rễ củ rau mác 30g giã nhuyễn, thêm chút mật ong cho vào bát nhỏ, hấp cách thủy cho chín, ăn lúc nóng. Ăn liền 1 tuần.
Rau mác có tác dụng giải nhiệt.
Bài 3: Chữa phù thũng: Cả cây rau mác phơi khô 20g, rễ thủy xương bồ 12g thái nhỏ. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước sắc nhỏ lửa còn 150ml, uống làm hai lần trong ngày. 9 ngày 1 liệu trình.
Bài 4: Trị hôi nách: Lá non rau mác rửa sạch, giã nhỏ, lấy nước bôi vào nách trước khi đi ngủ, sáng ngủ dậy rửa sạch và xát nước cốt quả chanh vào nách rất hiệu quả.
Bài 5: Chữa mụn nhọt sưng đau: Lấy lá non rau mác, rửa sạch, giã nhỏ, đắp vào tổn thương sau đó lấy vải băng lại, 2 giờ thay băng một lần. Ngày đắp 3 lần.
Bài 6: Chữa mẩn ngứa: Rễ củ rau mác và củ mài (lượng bằng nhau) cạo bỏ vỏ ngoài, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô rồi tán thành bột mịn, xoa hằng ngày.
Ngoài ra, ở nhiều nơi bà con thường sử dụng củ rau mác dùng làm thuốc bổ dương, cường tráng và dùng làm thuốc cầm máu khi bị tai nạn lao động rất hiệu nghiệm.
Nguồn SKĐS