Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Rẻ vườn, đắt chợ 

Cập nhật ngày: 30/11/2018 - 13:33

BTN - Hiện cây ăn trái mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người trồng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, có những lúc, thương lái thu mua trái cây với giá rất thấp. Trong khi đó, trái cây cùng loại được bán tại các chợ và siêu thị với giá cao ngất ngưởng, vậy nghịch lý “rẻ vườn, đắt chợ” là đâu?

Người tiêu dùng mua trái cây tại siêu thị Co.opMart TP. Tây Ninh.

Khoảng 3 năm nay, người dân trong tỉnh ồ ạt trồng các loại cây ăn trái như quýt đường, cam sành, cam xoàn, bưởi da xanh... Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định khiến nhiều nhà vườn gặp khó khăn. Họ bắt đầu cảm thấy bất an: biết phải trồng cây gì để có thu nhập ổn định, bền vững?

 Anh Hứa Chí Tâm (ấp Bàu Rã, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) cho biết, gia đình anh trồng hơn 2 ha cam xoàn, trước đây có thị trường tiêu thụ với giá ổn định. Nhưng gần đây, do hàng “dội chợ”, cung vượt cầu, thương lái thu mua gây khó khăn cho nhà vườn.

Thương lái có hai phương án bắt nhà vườn phải lựa chọn. Một là, thương lái sẽ “mua xô” một giá cho tất cả sản phẩm trong vườn: khoảng 3.000 đồng - 5.000 đồng/kg. Hai là thương lái mua giá cao cho trái loại một (3 trái một ký) với giá 9.000 đồng/kg. Và đương nhiên, thương lái toàn quyền lựa chọn trái cây loại một, phần còn lại họ không mua. Nếu bán theo phương án này số lượng trái còn lại trong vườn của nông dân “không có đầu ra”.

Tương tự, bưởi da xanh - vốn là loại trái cây được nhiều nông dân kỳ vọng để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững đang gặp khó khăn về giá. Chị Bùi Thị Nga trồng 2 ha bưởi da xanh tại xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên) cho biết, bưởi da xanh đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, khi đến mùa thu hoạch thì nhà vườn luôn “hồi hộp” về đầu ra. Giống như cam xoàn, thương lái cũng sẽ mua “xô” toàn bộ trái trong vườn với giá 20.000 đồng/kg.

Hoặc là, thương lái phân ra hai loại và mua với hai mức giá khác nhau. Loại một là những trái to, mẫu mã đẹp có giá 28.000 đồng/kg, loại hai là những trái có mẫu mã kém hơn có giá 23.000 đồng/kg. Thương lái phân loại trái cây theo hướng có lợi cho họ và “ép”, nhà vườn. Sau khi lựa “loại một, loại hai”, thương lái bỏ lại phần lớn sản phẩm trái “không đạt” cho nhà vườn tự lo, mà hầu hết là không có đầu ra. Như vậy, có thể thấy rằng, với cách thu mua như trên của thương lái, đa số nhà vườn đành phải chọn phương án bán “xô” cho họ với giá rẻ mạt trong sự ấm ức.

Trong khi đó các loại trái cây, khi được đưa vào siêu thị và được bán ở chợ thì người tiêu dùng phải trả tiền với giá cao gấp nhiều lần nhà vườn bán cho thương lái. Theo ghi nhận thực tế tại siêu thị Co.opMart Tây Ninh, các loại trái cây như bưởi da xanh loại một có giá 49.000 đồng/kg; bưởi năm roi giá 37.000 đồng/kg; cam sành loại một giá 19.500 đồng/kg; cam xoàn loại một 33.000 đồng/kg; quýt đường loại một 34.000 đồng/kg. Ðây là các loại trái cây “sạch” nên mức giá trên có thể chấp nhận được.

Còn tại sạp trái cây ở các chợ, trái cây đã nêu trên được bán với giá cao ngất ngưởng, và cũng được người bán quảng cáo là trái cây sạch: bưởi da xanh 65.000 đồng/kg; cam sành 35.000 đồng/kg; cam xoàn 50.000 đồng/kg; quýt đường 45.000 đồng/kg.

Theo nhiều nhà vườn, các loại trái cây trên địa bàn tỉnh khó đưa vào các chợ đầu mối lớn do chưa thể cạnh tranh về giá với sản phẩm cùng chủng loại của vùng lân cận. Do đó, nhiều nhà vườn ngại đầu tư phát triển sản phẩm trái cây theo hướng VietGAP, bởi phải đầu tư một số vốn không hề nhỏ (khoảng 600 triệu đồng/ha) cho bưởi da xanh, 300 triệu đồng/ha cho cam sành... để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn cung cấp cho thị trường hiện nay. Và với tình hình thu mua, tiêu thụ trái cây có múi như hiện nay, nông dân khó vượt qua rào cản để phát triển sản phẩm cây ăn trái theo hướng bền vững.

 NHI TRẦN